Hỏi
Chào bác sĩ! Bác sĩ cho em hỏi là hiện nay bệnh nhân lao được cách ly và điều trị tại bệnh viện hay tự cách ly ở nhà? Bệnh này dễ lây lan và khó chữa nhưng tại sao trong lớp đại học của em đang giảng dạy có một bạn bị lao vẫn đi học sinh hoạt như người bình thường, không đeo khẩu trang. Rất mong bác sĩ tư vấn, cảm ơn bác sĩ!
Câu hỏi ẩn danh
Trả lời
Chào bạn, bác sĩ xin được giải đáp câu hỏi: “Bệnh nhân lao được cách ly và điều trị tại bệnh viện hay tự cách ly ở nhà?” như sau:
Lao phổi là bệnh rất dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp. Khả năng lây mạnh trong thời gian chưa được điều trị. Cứ 1 người bị lao phổi có ho khạc ra vi khuẩn có thể lây cho 10-15 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, trại tập trung... trước khi người bệnh được điều trị. Khi đã được điều trị bằng thuốc chống lao, khả năng lây bệnh rất thấp. Bệnh có thể gặp bất cứ ở lứa tuổi nào, thời gian nào của cuộc đời. Hay gặp nhất là ở lứa tuổi trẻ, phụ nữ mang thai, cho con bú. Đặc biệt, bệnh dễ xuất hiện ở những người có nguy cơ cao như mắc các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, nhiễm HIV, điều trị các thuốc ức chế miễn dịch... Tỷ lệ mắc bệnh ở thành thị đông người cao hơn ở nông thôn và miền núi.
Nguồn truyền nhiễm lao phổi: Là những người bệnh lao phổi, lao thanh quản, phế quản trong giai đoạn ho khạc ra vi khuẩn lao.
Thời gian ủ bệnh của lao phổi rất khác nhau. Khi vi khuẩn lao vào phổi, cơ thể sẽ có đáp ứng với kháng nguyên của vi khuẩn lao (phản ứng Mantoux chuyển từ âm tính sang dương tính), vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể suốt cuộc đời của người đó mà không gây bệnh. Nhưng cũng có thể sau khi tiếp xúc với một số lượng lớn vi khuẩn lao trong một thời gian dài (sống chung với người bị lao phổi ho khạc ra vi khuẩn lao, không có phương pháp phòng bệnh) trong vài ngày đến vài tuần, người tiếp xúc có thể phát bệnh.
Thời kỳ lây truyền mạnh nhất là thời kỳ toàn phát của lao phổi (sốt về chiều, ho nhiều, khạc đờm). Thời kỳ lây truyền này kéo dài cho đến khi người bệnh được dùng thuốc lao 2 tuần đến 1 tháng. Nếu không được phát hiện và điều trị, người bệnh sẽ liên tục phát tán vi khuẩn lao trong suốt thời gian họ sống .
Phương thức lây truyền: Lao phổi lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti, hoặc trong các hạt bụi nhỏ có đường kính từ 1 đến 5 mm sẽ dễ dàng bị hít vào phổi, xuống tận phế nang và nhân lên, gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn có thể qua máu, bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể (hạch bạch huyết, xương, gan, thận,...) và gây bệnh tại các cơ quan đó của cơ thể.
Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch bảo vệ nên rất dễ mắc bệnh. Phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị HIV, đái tháo đường, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch điều trị một số bệnh khác... là những người có nguy cơ cao dễ mắc lao phổi hoặc lao các cơ quan khác.
Do vậy nếu bạn của bạn đã được điều trị lao hết giai đoạn phải cách ly tại viện hoặc tại nhà có thể đi học bình thường như các bạn khác mà không lo lây nhiễm. Tuy nhiên nên tái khám định kỳ theo hẹn với chuyên khoa Hô hấp để kiểm tra và để phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc tiếp xúc với mọi người.
Biện pháp phòng tránh:
- Giải quyết triệt để nguồn lây, nghĩa là chữa khỏi cho người mắc bệnh lao (đặc biệt là lao phổi).
- Không để các chất có trực khuẩn lao phát tán ra ngoài. Đờm của người có bệnh phải được khạc vào ca hoặc cốc chứa vôi bột... Người bệnh không được khạc nhổ bừa bãi.
- Sau 2-3 tuần điều trị thuốc lao đầy đủ, tích cực, khả năng làm lây bệnh ở người lao phổi sẽ giảm đi. Trong thời gian đó, bệnh nhân cần tránh sự tiếp xúc không cần thiết với người không mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em gầy yếu, thiếu ăn, suy nhược, suy dinh dưỡng... Không được để người bị lao chưa khỏi bệnh bế ẵm, hôn hít hoặc trông nom trẻ nhỏ.
- Người bị lao tốt nhất là được ở một nơi riêng. Nếu phải nằm cùng giường thì nên nằm tráo đầu đuôi hoặc quay đầu khác hướng, không để hơi thở của người bị lao phả vào mặt mình. Nhà ở cần thoáng đãng, không ẩm ướt, nhiều ánh sáng, cao ráo, sạch sẽ, vệ sinh.
- Nên ăn uống đủ chất, giàu chất đạm: Tôm, cua, cá, ốc, thịt, đậu, đỗ...
- Có thể phòng lao cho trẻ mới đẻ bằng cách tiêm vacxin BCG. Với trẻ lớn, phải phát hiện xem đã bị lây nhiễm chưa bằng cách đưa đi khám bệnh, làm xét nghiệm Mantoux, chụp phim X quang phổi... Nếu có biểu hiện bị lây nhiễm hoặc bị bệnh thì phải điều trị bằng thuốc chống lao theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu còn thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể đến cơ sở y tế gần nhất hoặc Bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ hơn. Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ đa khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.