Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có 10 năm kinh nghiệm về chuyên ngành mắt.
Bệnh mộng thịt ở mắt là tình trạng trong mắt có một mảng màu hồng trắng xuất phát từ góc mắt và có thể lan đến che phủ giác mạc, con người, làm ảnh hưởng đến thị lực. Bệnh mộng thịt ở mắt có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt mộng và ghép kết mạc.
1. Bệnh mộng thịt ở mắt
Mộng thịt là một khối u ở mắt, có màu hồng trắng hoặc hồng nhạt, xuất phát từ góc mắt và có thể lan đến giác mạc, che phủ giác mạc và làm suy giảm thị lực.
Bệnh mộng thịt ở mắt thường gặp ở những người phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hoặc ở ngoài trời quá lâu. Bệnh có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt, tuy nhiên ít gặp trường hợp mộng thịt hai mắt.
2. Bệnh mộng thịt ở mắt được phân loại như thế nào?
Bệnh mộng thịt ở mắt được phân loại như sau:
- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Mộng thịt ở mắt có 4 cấp độ. Độ 1 - Mộng thịt lan đến rìa của giác mạc. Độ 2 - Mộng thịt lan đến điểm giữa của rìa giác mạc và bờ đồng tử. Độ 3 - Mộng thịt xâm lấn đến bờ đồng tử. Độ 4 - Mộng thịt xâm lấn và bao phủ qua cả đồng tử.
- Theo mức độ xâm lấn vào giác mạc: Đối chiếu với trung tâm của giác mạc, mộng thịt ở mắt có 3 cấp độ, độ 1 (<2mm), độ 2 (2 - 4mm) và độ 3 (> 4mm).
- Theo giải phẫu: Dựa vào bán kính giác mạc, mộng thịt ở mắt có 4 cấp độ. Độ 1 - Đầu mộng lan qua rìa của giác mạc. Độ 2 - Đầu mộng lan chưa đến 1/2 bán kính của giác mạc. Độ 3 - Đầu mộng lan vượt 1/2 bán kính của giác mạc. Độ 4 - Đầu mộng lan vượt qua trung tâm của giác mạc.
- Theo mức độ tiên lượng: Dựa vào khả năng tiên lượng, mộng thịt ở mắt có 2 loại là mộng thịt tiến triển và mộng thịt xơ. Mộng thịt tiến triển có đầu mộng hình răng cưa, thân mộng dày và có nhiều mạch máu, khả năng tái phát cao. Mộng thịt xơ có đầu mộng tròn, màu trắng đặc, không tiến triển và ít tái phát sau phẫu thuật.
3. Dấu hiệu bệnh mộng thịt ở mắt
Bệnh mộng thịt ở mắt thường không có dấu hiệu rõ ràng. Một số biểu hiện thường thấy ở bệnh như:
- Đỏ mắt, ngứa mắt, khô mắt (triệu chứng này tăng lên khi người bệnh tiếp xúc với khói, bụi, gió)
- Mờ mắt, kích ứng mắt
- Nhìn kém nếu mộng thịt lan sâu vào giác mạc
4. Bệnh mộng thịt ở mắt và cách điều trị
- Trường hợp mộng thịt ở mắt không gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến thị lực của mắt, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn sử dụng các thuốc như thuốc mỡ, nước mắt nhân tạo. Tuy nhiên, cần lưu ý, lạm dụng thuốc nhỏ mắt có thể gây co mạch.
- Trường hợp mộng thịt ở mắt phát triển, xâm lấn vào giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ mộng. Phẫu thuật là phương pháp giúp làm giảm tỷ lệ tái phát bệnh. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ mộng như: cắt bỏ đơn thuần, hoặc ghép kết mạc, đồng thời kết hợp các biện pháp điều trị bổ sung khác như chiếu tia laser, tia X, dùng thuốc chống chuyển hóa, thuốc có chứa corticoid. Tùy vào kỹ thuật điều trị sẽ có tỷ lệ tái phát khác nhau.
Bệnh mộng thịt ở mắt có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật. Để phòng bệnh, cần hạn chế hoặc tránh để mắt tiếp xúc nhiều và thường xuyên với ánh nắng mặt trời, bụi, gió.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.