Bệnh lé (lác) mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Lé mắt (lác mắt) là bệnh lý hay gặp ở trẻ em, bệnh cũng có thể gặp ở người lớn và có thể di truyền trong gia đình. Lé mắt gây ảnh hưởng khá nhiều tới thị lực, tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Bệnh lé (lác) mắt là gì?


Lé mắt (lác mắt) là bệnh lý hay gặp ở trẻ em
Lé mắt (lác mắt) là bệnh lý hay gặp ở trẻ em

Thông thường, có 6 cơ mắt làm nhiệm vụ điều chỉnh hoạt động của nhãn cầu.(Bao Gồm cơ trực trong ,trực ngoài ,trực trên ,trực dưới ,cơ chéo lớn ,cơ chéo bé ) Mỗi cơ giúp nhãn cầu di chuyển vào trong ,ra ngoài ,lên trên ,xuống dưới ,xoay vào trong ,xoay ra ngoài ,

Ở mắt của người bình thường, 2 mắt sẽ cùng nhìn vào một điểm.(hợp thi) Lúc này, nhãn cầu sẽ tổng hợp lại hình ảnh thu được ở 2 mắt thành một ảnh duy nhất là ảnh 3 chiều, cho thị giác tinh tế.

Trong khi đó, bệnh lé mắt (lác mắt) là tình trạng 2 mắt không cân bằng, tầm nhìn theo các hướng khác nhau. Ở người bị lé, 1 hoặc cả 2 mắt nhìn theo hướng lệch vào trong hoặc lệch ra ngoài. Đây là bệnh lý thường xảy ra ở trẻ nhỏ, một số trường hợp gặp ở trẻ vừa ra đời. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gặp ở người lớn.

Khi 1 mắt bị lệch, 2 hình ảnh khác nhau được 2 mắt thu nhận sẽ chuyển đến não bộ. Ở trẻ nhỏ, não bộ chọn lọc, loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch, chỉ lấy hình ảnh của mắt nhìn rõ hơn. Về sau, trẻ sẽ mất đi thị giác tinh tế. Ở người lớn, não bộ thu lại cả 2 hình ảnh, không thể loại bỏ hình ảnh từ mắt bị lệch, gây nhìn đôi.

Có 2 loại lác mắt:

  • Lác cơ năng (lác đồng hành): Thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi tình trạng mắt lác luôn di chuyển cùng hướng với mắt lành;
  • Lác liệt (lác bất đồng hành): Thường gặp ở người lớn, đặc trưng bởi tình trạng cơ vận nhãn bị liệt gây hạn chế vận động của nhãn cầu.

Tùy tính chất, bệnh lé thể hiện theo các hình thái khác nhau như lé chụm chữ A, chữ V, lé trong, lé chéo,... Bệnh lé mắt có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 mắt. Qua thời gian, mắt bị lác thường yếu hơn và dần bị mất thị lực do não bộ chỉ sử dụng các tín hiệu được gửi từ mắt khỏe hơn.

2. Nguyên nhân của bệnh lé mắt

Bệnh lé xuất hiện khi 6 cơ xung quanh mắt không phối hợp hoạt động nhịp nhàng với nhau. Điều này gây ra bởi các nguyên nhân:

  • Tiền sử gia đình;
  • Liệt cơ vận nhãn bẩm sinh hoặc mắc phải;
  • Vấn đề ở não: Bị bại não, hội chứng Down, não úng thủy, u não;
  • Bất thường khi sinh: Sinh non, nhẹ cân;
  • Mắc tật khúc xạ như cận thị hay viễn thị;
  • Chấn thương vùng quanh mắt;
  • Bệnh lý ở mắt: Đục thủy tinh thể, sụp mí, sẹo giác mạc,...;
  • Phẫu thuật các bệnh lý ở mắt;
  • Nhiễm trùng.

3. Triệu chứng bệnh lé mắt

Triệu chứng thực thể: Nhận biết khi người bệnh tự soi gương hoặc người xung quanh phát hiện thấy mắt bị lệch;

Triệu chứng chủ quan:

  • Thường xuyên bị mỏi mắt
  • Mắt lé thường nhìn mờ hơn mắt không bị lé;
  • Người bệnh thường vô ý nghiêng đầu, nheo mắt để thích nghi với tình trạng lé;
  • Đi lại hay bị vấp té, làm việc không chính xác;
  • Nhìn song thị (thấy 2 hình ảnh) nếu lé xảy ra đột ngột ở những người có chức năng thị giác đã hoàn thiện.

Bệnh lé xuất hiện khi 6 cơ xung quanh mắt không phối hợp hoạt động nhịp nhàng với nhau
Bệnh lé xuất hiện khi 6 cơ xung quanh mắt không phối hợp hoạt động nhịp nhàng với nhau

4. Ảnh hưởng của bệnh lé đối với bệnh nhân

  • Ảnh hưởng tới thị lực: Mắt lé ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác có thể gây mất thị lực (nhược thị), mất khả năng nhận thức chiều sâu, giảm khả năng xác định khoảng cách giữa 2 vật, dễ bước hụt, vấp ngã. Người bị lé thường không thể làm những công việc đòi hỏi sự tinh tường;
  • Ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý: Bệnh lé mắt gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh dần cảm thấy mất tự tin khi học tập, tham gia các hoạt động xã hội hoặc công việc cần tới giao tiếp.

5. Cách điều trị bệnh lé mắt


Mắt lé ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác có thể gây mất thị lực
Mắt lé ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác có thể gây mất thị lực

5.1 Mục đích điều trị

  • Ở trẻ em: Bảo toàn chức năng hợp thị của 2 mắt, ngăn ngừa nguy cơ mất thị lực hoàn toàn ở mắt lé;
  • Ở người trưởng thành: Chỉnh lé để phục vụ mục đích thẩm mỹ.

5.2 Các phương pháp điều trị lé mắt

Tùy từng trường hợp bị lé mắt, bệnh nhân có thể áp dụng một hoặc phối hợp nhiều cách điều trị sau:

  • Đeo kính để giúp mắt nhìn thẳng cho các trường hợp bị lé do quy tụ điều tiết hoặc kèm tật khúc xạ;
  • Tập luyện: Tập quy tụ, tập liếc sang hướng ngược chiều mắt bị lé để tập cho mắt lé có thể nhìn chính xác vào các vật. Tiếp theo là tập trên máy chỉnh quang để hợp thị 2 mắt;
  • Che mắt ở mắt khỏe hơn và tập nhìn mọi vật bằng mắt lé để cải thiện thị lực;
  • Tiêm thuốc Botulinum toxin cho các trường hợp lé thứ phát ở người lớn do liệt cơ vận nhãn trong thời gian chờ phẫu thuật. Phương pháp này giúp giải quyết tạm thời tình trạng song thị ở bệnh nhân;
  • Phẫu thuật chỉnh lại cơ vận nhãn không cân bằng . Ở trẻ bị lác dai dẳng, phẫu thuật sớm giúp cải thiện cơ hội phục hồi hoặc tăng cường thị lực ở 2 mắt. Ở người lớn, phẫu thuật giúp khôi phục lại diện mạo bình thường, cải thiện thị lực 2 mắt, làm mất hoặc giảm nhìn đôi, cải thiện chức năng xã hội - giao tiếp.

Bệnh lé mắt nên được chẩn đoán và điều trị sớm để thu được kết quả trị liệu tốt hơn. Vì vậy, nếu trẻ hoặc người lớn có biểu hiện nhìn lệch, mắt lé, mắt hiếng, ngay nghiêng hoặc quay đầu khi nhìn, song thị,... cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe