Nhiễm trùng hệ tiết niệu là bệnh lý thường gặp đặc biệt ở phụ nữ. Nhiễm khuẩn tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời dần dần có thể ảnh hưởng đến chức năng thận gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?
- Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng có sự xâm nhập của vi khuẩn vào hệ thống đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
- Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu chủ yếu qua đường ngược dòng từ niệu đạo đi lên vì vậy phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu hơn nam giới do cấu tạo đường niệu đạo của nữ giới nên vi khuẩn dễ xâm nhập.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu có mấy loại? Tùy theo vị trí nhiễm khuẩn có thể chia thành 2 loại:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên: Nhiễm khuẩn từ thận cho tới lỗ niệu quản trong thành bàng quang, mà chủ yếu là tổn thương tại thận như viêm đài - bể thận cấp
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới: Từ bàng quang tới miệng sáo niệu đạo bao gồm viêm bàng quang, viêm niệu đạo.
2. Biến chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu
Nhiễm khuẩn tiết niệu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra các biến chứng như:
- Viêm bể thận gây tổn thương thận vĩnh viễn
- Nhiễm trùng huyết thường do viêm thận bể thận làm vi khuẩn dễ xâm nhập và máu gây nhiễm khuẩn huyết
- Phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn tiết niệu có nguy cơ sảy thai hoặc sinh non
- Hẹp niệu đạo do viêm niệu đạo tái phát
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo đi ngược lên bàng quang, niệu quản, thận. Các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiết niệu bao gồm:
- Escherichia coli (E. coli) là nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Các vi khuẩn khác gây nhiễm khuẩn tiết niệu như: Staphylococus, Klebsiella, Proteus,..
4. Các yếu tố nguy cơ
- Nữ giới do cấu tạo của cơ quan sinh dục nên vi khuẩn dễ xâm nhập vào đường niệu đạo hơn nam giới. Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị nhiễm khuẩn tiết niệu do giải phẫu của nữ giới khoảng cách ngắn từ niệu đạo đến hậu môn và lỗ niệu đạo đến bàng quang.
- Quan hệ tình dục làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu hơn so với người không hoạt động tình dục.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục kém.
- Phụ nữ sử dụng chất diệt tinh trùng để tránh thai.
- Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ bị nhiễm khuẩn tiết niệu. Sau khi mãn kinh sự suy giảm estrogen dẫn đến thay đổi trong đường tiết niệu vì vậy dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu làm nước tiểu không thoát được như bình thường hoặc nước tiểu chảy ngược vì vậy nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
- Tắc nghẽn trong đường tiết niệu. Sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt có thể dẫn đến ứ nước tiểu trong bàng quang và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
- Bệnh đái tháo đường và các bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch như HIV- AIDS làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
- Đặt thông tiểu. Những người không thể tự đi tiểu và sử dụng ống (ống thông tiểu) để đi tiểu có nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
- Những người đái không tự chủ như liệt có nguy cơ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu
- Những người có can thiệp vào đường tiết niệu như phẫu thuật, nong niệu đạo, ...
5. Triệu chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Đái buốt, đái rắt, đái đau
- Nước tiểu đục
- Đau vùng thắt lưng, đau hạ vị
- Sốt cao rét run
- Rối loạn tiểu tiện như đái máu trong viêm bàng quang, hay đái khó, đái buốt rắt,...
6. Chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu
Các xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu thường quy bằng cách hướng dẫn bệnh nhân lấy nước tiểu giữa dòng. Xét nghiệm tìm kiếm các tế bào bạch cầu, hồng cầu, protein,..
- Nuôi cấy vi khuẩn đường tiết niệu từ nước tiểu. Xét nghiệm này cho bác sĩ biết vi khuẩn nào gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn đó sẽ được làm kháng sinh đồ để tìm ra thuốc kháng sinh nào hiệu quả nhất.
- Chẩn đoán hình ảnh. Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp tìm các nguyên nhân gây dị dạng đường tiết niệu gây nhiễm khuẩn tiết niệu
- Soi bàng quang. Bác sĩ có thể thực hiện nội soi bàng quang để xem bên trong niệu đạo và bàng quang giúp chẩn đoán bệnh.
7. Phòng ngừa
- Uống nhiều nước. Uống nhiều nước giúp đi tiểu thường xuyên làm vi khuẩn được thải ra ngoài.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục hay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi quan hệ tình dục, nên lau từ trước ra sau giúp ngăn vi khuẩn ở vùng hậu môn lây lan sang âm đạo và niệu đạo.
- Đi tiểu ngay sau khi giao hợp.
- Tránh các sản phẩm có khả năng gây kích ứng cơ quan sinh dục.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.