Bệnh hắc lào là bệnh lây truyền nhiễm trùng da do nấm gây ra. Hắc lào có thể ngứa và khó chịu, nhưng không đau đớn hay nguy hiểm. Nấm ảnh hưởng đến da đầu được gọi là nấm da đầu, nấm ảnh hưởng đến cơ thể được gọi là nấm tay, nấm chân.
1. Các triệu chứng của bệnh hắc lào
Trên cơ thể trẻ sơ sinh bị bệnh hắc lào sẽ có một hoặc nhiều mảng vảy. Trông giống như các mảnh vá, hắc lào thường có hình tròn hoặc dài, với đường kính khoảng 1cm, phần giữa nhẵn hơn và được bao quanh bởi một vòng vảy. Các mảng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể.
Nếu trẻ bị hắc lào trên da đầu, bạn có thể nhận thấy các mảng vảy hoặc đốm hói, cũng như gãy rụng tóc ở giữa những chỗ này. Rất dễ nhầm lẫn bệnh hắc lào ở da đầu với viêm da tiết bã - một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bác sĩ sẽ xem xét và chẩn đoán phân biệt hai tình trạng này.
Bệnh hắc lào ở trẻ em có thể phát triển thành biến chứng kerion (tầng ong) để phản ứng với nấm. Biểu hiện là một vùng viêm ẩm ướt, sưng tấy trên da đầu, có mụn mủ nhỏ giống như mụn bọc. Khi điều trị bệnh hắc lào trên da đầu cho trẻ, các mảng sẽ tróc dần ra.
2. Con đường lây nhiễm bệnh hắc lào ở trẻ em
Các triệu chứng của bệnh hắc lào thường xuất hiện từ 4 - 14 ngày sau khi:
- Tiếp xúc da kề da với người hoặc động vật bị bệnh (phổ biến nhất là chó con và mèo con);
- Dùng chung vật dụng với người hoặc vật nuôi bị nhiễm bệnh (chẳng hạn như khăn tắm, lược, bàn chải, quần áo hoặc gối);
- Chạm vào bề mặt bị ô nhiễm (chẳng hạn như sàn trong khu vực hồ bơi, vòi hoa sen hoặc phòng thay đồ).
Bệnh hắc lào không còn lây sau 48 giờ điều trị, vì vậy bạn có thể hỏi dịch vụ giữ trẻ hoặc trường học để xem khi nào bé được phép đi học trở lại.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh hắc lào
Để chẩn đoán bệnh hắc lào ở trẻ em, bác sĩ sẽ lấy mẫu da hoặc lông tóc (không đau) và kiểm tra dưới kính hiển vi hoặc gửi đi phòng thí nghiệm nuôi cấy.
Đối với bệnh hắc lào trên cơ thể, bác sĩ có thể đề xuất dùng một loại kem chống nấm không kê đơn. Bôi 2 lần / ngày vào vùng phát ban và rộng ra khu vực xung quanh khoảng 1cm. Sau đó rửa tay sạch sẽ. Thường phải mất khoảng 3 - 4 tuần để trẻ sơ sinh bị bệnh hắc lào khỏi hẳn. Theo đó, tiếp tục thoa kem trong 1 tuần sau khi hết mẩn ngứa.
Một số trẻ nhạy cảm với các loại kem chống nấm, vì vậy ban đầu hãy thử dùng một chút để xem phản ứng của trẻ. Tham khảo ý kiến bác sĩ về những lựa chọn điều trị thay thế khác nếu tình trạng không cải thiện. Nếu con bạn bị hắc lào nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn là chỉ bôi kem không kê đơn. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh bị bệnh hắc lào cũng cần uống thuốc.
Bệnh hắc lào trên da đầu có thể khó điều trị hơn và phải mất từ 6 - 8 tuần để khỏi hẳn. Nhiều khả năng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống chống nấm cũng như dầu gội thuốc.
Cảnh báo: Cha mẹ không sử dụng kem steroid để điều trị mảng trên da nghi ngờ là bệnh hắc lào. Mặc dù có thể giúp giảm ngứa cho trẻ, nhưng có thể làm cho bệnh nặng hơn và tăng nguy cơ lây lan.
Bệnh hắc lào ở trẻ em có thể dẫn đến nhiễm trùng do trầy xước da, vì vậy bạn nên để móng tay ngắn và theo dõi trẻ chặt chẽ. Nếu bạn nhận thấy bé gãi nhiều, cân nhắc đeo găng tay hoặc tất nhỏ vào tay khi bé ngủ. Nói chuyện với bác sĩ nếu các mảng không cải thiện sau khoảng 1 tuần điều trị.
4. Ngăn ngừa tái phát bệnh hắc lào ở trẻ em
Thật khó để bảo vệ trẻ hoàn toàn tránh khỏi bệnh hắc lào, nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách:
- Kiểm tra vật nuôi: Xem xét chúng có mảng vảy nào khiến lông không thể mọc được. Nếu có, hãy đưa thú cưng đến bác sĩ thú y để điều trị. Trên thực tế, ngay cả khi không tìm thấy triệu chứng trên vật nuôi, bạn vẫn nên đưa chúng đi kiểm tra nếu con bạn vẫn tái nhiễm bệnh hắc lào.
- Vệ sinh tốt: Thường xuyên tắm gội cho trẻ, rửa sạch và lau khô các kẽ ngón chân. Ngoài ra, hãy cho bé đi tất và mặc quần lót sạch sẽ hàng ngày.
- Không đi chân trần: Giày và dép đi bơi chuyên dụng đặc biệt cần thiết trong các hồ bơi công cộng và phòng thay đồ tập thể dục.
- Không dùng chung đồ: Nói với trẻ không nên chia sẻ với bạn bè và anh chị em những vật dụng cá nhân, bao gồm khăn tắm, lược, mũ, gối, nơ buộc tóc, quần áo v.v.
- Giặt giũ: Giặt drap giường, khăn tắm và quần áo tiếp xúc với bệnh hắc lào bằng nước nóng.
- Khử trùng: Vệ sinh các bề mặt trong nhà, đặc biệt là những nơi có vật nuôi. Nấm hắc lào có thể bị tiêu diệt bằng các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường. Hãy cẩn thận không trộn lẫn các sản phẩm tẩy rửa.
- Theo dõi các triệu chứng ở các thành viên khác trong gia đình và đi điều trị ngay lập tức nếu cần.
Bệnh hắc lào tuy rằng không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng lại khiến chúng cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu. Vì thế, khi sử dụng dụng thuốc điều trị không thấy thuyên giảm, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để tình trạng nhiễm trùng da ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com