Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Bác sĩ Nội Truyền Nhiễm - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Bệnh giun chỉ thường phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm, nhất là khu vực Đông Nam Á. Những con giun với hình hài trông như sợi chỉ này có thể tồn tại trong cơ thể người đến hàng chục năm và gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
1. Giun chỉ là bệnh gì?
Nhiễm giun chỉ là bệnh lý ký sinh trùng gây ra bởi giun chỉ. Loại ký sinh trùng này lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt và phát triển thành giun trưởng thành trong hệ mạch bạch huyết của người (nên còn có tên gọi là giun chỉ bạch huyết). Bệnh giun chỉ bạch huyết gây ra nhiều tổn thương và khiến cho hệ thống mô bị sưng phồng. Hiện tượng phù chân voi là dấu hiệu điển hình ở giai đoạn muộn của bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh giun chỉ
Ấu trùng giun chỉ và giun chỉ trưởng thành không thể tồn tại trong môi trường tự nhiên mà chỉ ký sinh trong cơ thể người và trong cơ thể của muỗi truyền bệnh.
Ở nước ta, khí hậu nóng ẩm và trình độ văn hóa kinh tế xã hội còn tương đối thấp là những nguyên nhân chính gây ra bệnh giun chỉ. Cụ thể, trình độ dân trí chưa cao, điều kiện kinh tế xã hội còn hạn chế, duy trì các phong tục tập quán lạc hậu, văn hóa ao chuồng, mất vệ sinh, nhiều ao bèo,... đều là những yếu tố thuận lợi cho muỗi lây truyền bệnh giun chỉ sang người.
3. Triệu chứng của bệnh giun chỉ
3.1. Dấu hiệu lâm sàng
Giai đoạn đầu của bệnh: đa số bệnh nhân nhiễm giun chỉ không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Một số trường hợp có triệu chứng sốt cao đột ngột, cơn sốt tái phát từng đợt trong 3 - 7 ngày. Hiện tượng viêm xảy ra ở bạch mạch và hạch bạch huyết sau cơn sốt vài ngày. Vị trí viêm bị sưng, đỏ, đau dọc theo hệ bạch mạch, thường xuất hiện ở mặt trong chi dưới, vùng hạch bẹn có thể sưng to và gây đau.
Giai đoạn mãn tính của bệnh giun chỉ: các triệu chứng của giun rõ rệt hơn:
- Xuất hiện chứng phù chân voi. Bệnh nhân nhận thấy các đợt phù xuất hiện liên tục, da dần trở nên dày và phù dần từ dưới lên. Đa số các trường hợp bị phù một bên chân hoặc một bên tay, thường gặp nhất là phù cả bàn chân, có thể lan tới đùi. Da bệnh nhân ngày càng dày và cứng, có thể xuất hiện những vết loét do tình trạng thiếu dưỡng.
- Viêm bộ phận sinh dục: bao gồm viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, gây tràn dịch màng tinh hoàn. Trường hợp bệnh nặng, bộ phận sinh dục có thể phù to như bìu voi, vú voi nhưng lại không đỏ, không đau (nên được gọi là phù voi). Phù voi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân suy giảm trầm trọng khả năng lao động, sinh hoạt, vận động, các hoạt động sinh lý và ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
- Tiểu ra dưỡng chấp: hiện tượng nước tiểu trắng đục giống như nước vo gạo, để lâu không lắng, đôi khi còn có lẫn máu. Một số trường hợp nước tiểu có quá nhiều dưỡng chấp, để lâu có thể bị đông lại.
3.2. Triệu chứng giúp xác định
Trong máu bệnh nhân thấy có ấu trùng giun chỉ. Khi bệnh nhân tiểu ra dưỡng chấp, xét nghiệm nước tiểu thấy có ấu trùng giun chỉ. Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh giun chỉ, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm miễn dịch hấp phụ gắn men ELISA, siêu âm, chụp bạch mạch, sinh thiết bạch huyết để phát hiện giun chỉ trưởng thành.
4. Giun chỉ ký sinh ở đâu?
Để hoàn thành một vòng đời, giun chỉ buộc phải ký sinh trên 2 vật chủ: vật chủ chính là người và vật chủ phụ là muỗi truyền bệnh. Như vậy, ở Việt Nam thì giun chỉ ký sinh ở đâu là chủ yếu? Trên thực tế, dịch tễ học của giun chỉ lại liên quan khá chặt chẽ với muỗi truyền bệnh và môi trường giúp cho muỗi lây truyền ấu trùng giun chỉ.
Sự sống của loài muỗi truyền bệnh giun chỉ phụ thuộc vào các yếu tố thích hợp từ môi trường, chẳng hạn như điều kiện địa lý, khí hậu thời tiết. Với khí hậu và vị trí địa lý ở nước ta, muỗi lây bệnh chủ yếu sống ở vùng đồng bằng, trung du, bán sơn địa, những nơi có nhiều ao hồ và thuỷ sinh như bèo Nhật Bản.
Sau khi hút máu người bệnh, ấu trùng giun chỉ ký sinh ở bên trong muỗi mà mất khoảng 12 - 14 ngày để phát triển thành ấu trùng trưởng thành. Lúc này, ấu trùng giun chỉ trưởng thành tồn tại trong tuyến nước bọt của muỗi, sẵn sàng xâm nhập vào cơ thể người khỏe mạnh ngay khi muỗi hút máu.
Tất cả mọi người đều là đối tượng có thể nhiễm bệnh và cơ thể người là ổ chứa duy nhất của giun chỉ. Thời gian ủ bệnh từ lúc bệnh nhân nhiễm ấu trùng trong máu đến khi giun chỉ phát triển trưởng thành rồi đẻ ra lứa ấu trùng giun chỉ mới kéo dài từ 6 - 12 tháng và hầu hết người bệnh đều không biểu hiện bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào.
Tuổi thọ trung bình của giun chỉ có thể lên đến hàng chục năm nếu không được điều trị. Đối với ấu trùng sau khi đẻ ra, nếu không được muỗi truyền bệnh mang đi trong vòng 10 tuần sau đó, ấu trùng này sẽ chết trong cơ thể người.
5. Cách phòng chống bệnh giun chỉ
Tuyên truyền giáo dục mọi người cùng phòng chống giun chỉ: tập trung vào các nội dung chính bao gồm:
- Bệnh giun chỉ do muỗi lây truyền, khi bị ốm cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
- Phòng chống bệnh giun chỉ bằng cách ngủ mùng, che màn thường xuyên, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vứt bỏ lu vại vỡ quanh nhà, chọn quần áo sáng màu, buổi tối mặc quần dài, áo kín tay để hạn chế muỗi đốt.
- Tiêu diệt muỗi, triệt hạ nguồn lây truyền bệnh: phối hợp cùng cơ quan chức năng trong các đợt phát động chiến dịch tiêu diệt muỗi.
Tất cả mọi người đều là đối tượng có thể nhiễm bệnh và cơ thể người là ổ chứa duy nhất của giun chỉ. Do đó giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là cách phòng ngừa bệnh giun chỉ hữu hiệu nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.