Bệnh giang mai ủ bệnh trong bao lâu?

Bệnh giang mai là một trong số những bệnh lây truyền qua đường tình dục đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Ngoài tổn thương nội tạng như gan, tim... xoắn khuẩn giang mai tác động xấu đến da, niêm mạc, mắt, gây bại liệt toàn thân.

1. Bệnh giang mai là gì?

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Xoắn khuẩn giang mai thường có nhiều trong các tổn thương như: mảng niêm mạc, hạch.... Do vậy bệnh rất dễ lây lan. Bệnh lây truyền mạnh nhất là thời kỳ ủ bệnh khi các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai.

Các con đường lây nhiễm bệnh giang mai gồm:

  • Bệnh chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn xâm nhập qua niêm mạc của bộ phận sinh dục bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ, sau đó đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể.
  • Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu.
  • Đối với phụ nữ mang thai, xoắn khuẩn giang mai có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, do xoắn khuẩn Treponema pallidum xâm nhập máu thai nhi qua dây rốn. Hậu quả khiến thai chết lưu hoặc sinh ra trẻ gầy gò, da nhăn nheo như ông già, bụng to, gan và lách to,...

Nguy cơ mắc bệnh giang mai cao hơn nếu bạn bị nhiễm HIV. Một lần bị giang mai không giúp cơ thể miễn dịch với bệnh và người bệnh vẫn có thể mắc bệnh lại. Bệnh giang mai có thể lây truyền trong hai giai đoạn đầu của bệnh.


Bệnh giang mai lây truyền mạnh nhất là thời kỳ ủ bệnh
Bệnh giang mai lây truyền mạnh nhất là thời kỳ ủ bệnh

2. Bệnh giang mai ủ bệnh trong bao lâu?

Có không ít người thắc mắc bệnh giang mai bao lâu thì phát bệnh cũng như các vấn đề xung quanh căn bệnh giang mai về thời điểm biểu hiện của từng giai đoạn khác nhau.

Theo đó, bệnh giang mai trải qua 4 giai đoạn phát triển, hầu hết bệnh nhân bị lây nhiễm xoắn khuẩn giang mai đều không phát hiện ra vì thời gian ủ bệnh giang mai khá lâu. Người bệnh có thể bị nhiễm căn bệnh này qua việc quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương niêm mạc, hạch... với người bị bệnh.

Bệnh giang mai ủ bệnh bao lâu? Thời gian ủ bệnh giang mai thường kéo dài khoảng 3 – 4 tuần. Đây là giai đoạn quan trọng để phát hiện và điều trị bệnh tốt nhất.

Khi phát bệnh, bệnh giang mai sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của săng và hạch. Săng giang mai giai đoạn đầu là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 - 2cm, đáy màu đỏ như thịt tươi, nền cứng và bóp không đau.

Săng giang mai giai đoạn đầu thường gặp nhất là ở niêm mạc sinh dục. Biểu hiện bệnh giang mai ở nữ giới sẽ hay gặp ở môi lớn, môi bé và mép âm hộ. Còn đối với nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật... Bên cạnh đó, săng giang mai giai đoạn đầu còn có thể xuất hiện ở miệng, môi, lưỡi... của người bệnh. Hạch sẽ xuất hiện 5 đến 6 ngày sau khi có săng, hạch vùng bẹn sẽ sưng to.

Sau thời kỳ ủ bệnh, người bệnh có thể bị phát ban. Phát ban bắt đầu từ thân người và dần dần bao phủ toàn bộ cơ thể, thậm chí cả lòng bàn tay và bàn chân. Phát ban này thường không ngứa và có thể kèm theo mụn ở miệng hoặc vùng sinh dục. Bạn có thể cảm thấy bị bệnh và có các triệu chứng giống như cúm nhẹ, cảm thấy mệt mỏi, đau họng, sưng hạch, nhức đầu, đau cơ hoặc rụng tóc. Các triệu chứng bệnh giang mai ở giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 đến 6 tuần và có thể đến 2 năm.

Khoảng 5 đến 15 năm sau, các triệu chứng bệnh giang mai bao gồm tổn thương tim mạch và não, vấn đề trí nhớ, tê liệt, và vấn đề thăng bằng.

Lưu ý: Ở một số người, một giai đoạn được gọi là giang mai tiềm ẩn khi không có triệu chứng hiện diện. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị, bệnh giang mai sẽ chuyển sang giai đoạn cuối rất nguy hiểm.


bệnh giang mai sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của săng và hạch
bệnh giang mai sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của săng và hạch

3. Điều trị và phòng ngừa bệnh giang mai

3.1. Điều trị bệnh giang mai

Để điều trị bệnh giang mai, bác sĩ sẽ dùng phương pháp điều trị bằng kháng sinh phù hợp. Tùy theo từng giai đoạn mà bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị khác nhau:

  • Giai đoạn một của bệnh giang mai dễ chữa trị nhất và được chữa bằng cách tiêm hoặc uống thuốc kháng sinh.
  • Nếu bạn ở giai đoạn 2 và 3, bạn cần dùng kháng sinh với thời gian dài hơn.
  • Bác sĩ thường xuyên xét nghiệm máu khi điều trị để đảm bảo đã hoàn toàn khỏi bệnh.

3.2 Phòng ngừa bệnh giang mai

Mỗi người có thể kiểm soát và phòng ngừa bệnh giang mai nếu lưu ý những điều sau đây:

  • Cách tốt nhất để ngăn ngừa giang mai là quan hệ tình dục an toàn. Đối với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, nên đến bệnh viện để tầm soát giang mai, hoa liễu.
  • Không được tự ý ngừng uống thuốc hoặc tự ý thay đổi liều dùng dù có cảm thấy khỏe hơn cho đến khi bác sĩ cho phép.
  • Báo cho bác sĩ khi nghi ngờ mình bị giang mai nếu đang mang thai. Lây nhiễm bệnh giang mai cho thai nhi là rất nguy hiểm.
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên để tránh lây truyền bệnh.
  • Sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như dùng bao cao su; xây dựng lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng.
  • Báo cho bạn tình biết về việc điều trị giang mai để họ đi kiểm tra.
  • Tránh quan hệ ít nhất 2 tuần sau khi chữa trị hoặc cho đến khi bác sĩ cho phép.
  • Kiểm tra sàng lọc các bệnh xã hội nhằm phát hiện sớm để có hướng điều trị hiệu quả, tránh biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe