Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sốt phát ban là căn bệnh thường gặp người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
1. Sốt phát ban là gì?
Tình trạng trẻ bị nóng sốt, trên bề mặt da nổi các đốm nhỏ màu đỏ được gọi là sốt phát ban. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus, nhất là virus đường hô hấp. Sau khi tấn công cơ thể khoảng 1 tuần, virus sẽ khiến trẻ phát bệnh với các biểu hiện:
- Sốt: trẻ có thể sốt trong khoảng từ 38 đến 39,4 độ C tùy thuộc vào thể trạng của mỗi bé. Một số trường hợp có kèm theo ho, sổ mũi, viêm họng hoặc sưng hạch bạch huyết ở cổ. Sốt thường kéo trong khoảng từ 3 đến 5 ngày.
- Phát ban: nốt ban sẽ xuất hiện từ ngực, lưng, bụng rồi lan dần tới cánh tay, cổ sau khi cơn sốt cắt. Nốt ban thường có màu hồng, không gây ngứa và kéo dài trong vài ngày. Một số nốt ban có thể được bao quanh bởi một vòng màu trắng.
Ngoài ra, trẻ sốt phát ban có thể xuất hiện một số dấu hiệu khác như sưng mí mắt, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy nhẹ...
Phần lớn các trường hợp sốt phát ban không gây nguy hiểm, tuy nhiên nếu người bệnh sốt cao có thể dẫn đến các biến chứng khó lường.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh, phát ban có thể xuất hiện theo sau những cơn sốt, da trẻ sẽ xuất hiện các đốm hồng ban nhỏ rải rác hoặc tập trung. Tình trạng phát ban ở trẻ em sẽ lan rộng từ từ, bắt đầu từ vùng ngực, lưng, bụng tới cổ và cánh tay. Chân và tay có thể không xuất hiện vết ban. Tình trạng này thường biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày mà không gây bất kỳ sự khó chịu nào cho trẻ.
Theo đó, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ nếu trẻ có những dấu hiệu sau đây:
- Trẻ sốt cao hơn 39,5°C
- Trẻ bị sốt và phát ban trên 7 ngày
- Sau 3 ngày, phát ban không chuyển biến tốt
- Hệ miễn dịch của bé bị suy giảm và bé từng tiếp xúc với người mắc bệnh sốt phát ban.
2. Nguyên nhân gây sốt phát ban ở trẻ
Theo các chuyên gia, virus đường hô hấp là nguyên nhân chính gây sốt phát ban, bao gồm virus sởi, virus gây bệnh rubella, adeno virus, echo virus, nhóm enterovirus...
Đây chính là nguyên nhân tại sao trẻ có thể bị sốt phát ban nhiều lần. Trẻ bị sốt phát ban do virus sởi và virus gây bệnh rubella là 2 nguyên nhân thường gặp.
3. Bé sốt phát ban có nên tắm hay không?
Trẻ sẽ ra mồ hôi nhiều hơn so với người bình thường khi trẻ bị sốt phát ban. Đồng thời, trẻ thường cảm thấy ngứa ngáy do bị nóng trong người.
Thực tế, sẽ vô cùng khó chịu nếu trẻ phải kiêng nước mà không tắm, cộng thêm việc gãi ngứa khi da không được vệ sinh thì trẻ rất dễ mắc các bệnh da liễu như viêm da, mẩn đỏ...
Trên thực tế, không ít người cho rằng khi trẻ bị sốt phát ban, không nên tắm cho trẻ bởi điều này sẽ khiến bệnh của trẻ nặng hơn và lâu khỏi hơn, do đó, trẻ không được tắm gội. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, cơ thể trẻ sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi khi bị sốt, vì thế nếu kiêng nước, kiêng tắm, trẻ sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
Các chuyên gia cho biết, tắm cho trẻ khi bị sốt phát ban là cách giúp trẻ hạ thân nhiệt, giúp tình trạng bệnh của trẻ tiến triển tốt hơn do cơ thể được loại bỏ được mồ hôi, vi khuẩn tồn đọng trên da. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái, sạch sẽ, da không bị tích tụ vi khuẩn, mồ hôi sẽ làm giảm sự ngứa ngáy, khó chịu. Vì thế, để trả lời cho câu hỏi bé sốt phát ban có nên tắm không? thì câu trả lời là cha mẹ nên tắm cho trẻ nhưng cha mẹ nên cho trẻ tắm ở nơi kín gió, tắm bằng nước ấm sạch pha thêm một chút muối hoặc làm theo sự chỉ dẫn chăm sóc trẻ bị sốt phát ban theo khuyến cáo của bác sĩ.
4. Trẻ bị sốt phát ban mẹ cần lưu ý điều gì?
Dưới đây là một số lưu ý cha mẹ cần ghi nhớ khi trẻ bị sốt phát ban:
- Không để trẻ ở trong không gian ẩm ướt, chật hẹp
- Không cho trẻ gãi lên bề mặt da
- Cho trẻ tắm rửa sạch sẽ nhưng không ngâm nước quá lâu bởi sẽ khiến trẻ dễ bị cảm cúm hoặc những biến chứng khác
- Tránh xa những nơi đông người như trường học, khu vui chơi...
- Không nên mặc cho trẻ những bộ đồ bó sát nhằm tránh kích ứng da. Thay vào đó, cha mẹ nên mặc cho trẻ những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát để giúp trẻ giảm ngứa ngáy, đồng thời giúp cơ thể dễ chịu
- Không để trẻ uống nước đá, ăn kem hoặc những thực phẩm khó tiêu
- Không cho trẻ ăn những đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
Bản chất của sốt phát ban là một căn bệnh lành tính. Bệnh sẽ sớm khỏi mà không gây ra biến chứng gì nếu thực hiện những kiêng khem đúng cách kết hợp với việc thăm khám và điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì thế, cha mẹ hãy nhanh chóng cho trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu trong trường hợp trẻ bị sốt phát ban kèm theo các hiện tượng: đã dùng thuốc và chườm mát nhưng nhiệt độ không hạ, đại tiện có máu, thở mệt, co giật, mê man, chảy mủ trong tai. Bệnh sẽ kéo dài và dễ xảy ra các biến chứng như: viêm não, viêm tai giữa, viêm phổi,... nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý hô hấp mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline để được hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.