Các nhà khoa học phát hiện, chỉ sau vài giờ tuổi trẻ đã có thể phân biệt âm thanh khác nhau giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài. Nghiên cứu này chỉ ra trẻ học ngôn ngữ từ trong bụng mẹ, sớm hơn so với quan niệm trước đây.
Cơ chế não và các thụ quan thính giác đã phát triển khi thai được 30 tuần tuổi, và nghiên cứu mới đây cho thấy thai nhi đã lắng nghe tiếng nói của mẹ trong 10 tuần cuối cùng. Đến lúc sinh ra bé có thể phản ứng với những gì chúng nghe được.
Patricia Kuhl đồng tác giả nghiên cứu và là giám đốc Viện Khoa học Não bộ và Tiếng nói, Đại học Washington cho biết: "Người mẹ có ảnh hưởng đầu tiên lên bộ não của trẻ. Các nguyên âm trong giọng nói của người mẹ là những âm thanh to nhất và các thai nhi nắm bắt lấy chúng".
Bốn mươi trẻ sơ sinh cả gái và trai khoảng 30 giờ tuổi đã cùng tham gia nghiên cứu ở Tacoma, Washington, Mỹ và Stockholm, Thụy Điển. Trong khi trẻ bú, người ta cho trẻ nghe âm điệu của tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài.
Quan tâm của bé đến âm thanh được tính bằng thời gian bé mút núm vú và được kết nối với máy tính đo lường. Mút dài hơn hoặc ngắn hơn cho âm thanh lạ hoặc quen thuộc là bằng chứng cho việc học tập, bởi nó chỉ ra rằng trẻ sơ sinh có thể phân biệt giữa các âm thanh nghe được trong tử cung.
Ở cả hai nước, các em bé sơ sinh đều cho thấy chúng bú dài hơn khi nghe ngôn ngữ nước ngoài, so với tiếng mẹ đẻ.
Qua đây, các nhà nghiên cứu khẳng định trẻ sơ sinh là những người học tốt nhất, và căn cứ vào việ trẻ bú có thể tiết lộ khả năng nhận thức sau này. "Chúng tôi muốn biết khả năng học hỏi kỳ diệu của thời trứng nước mà khi lớn lên không thể", Kuhl nói. "Chúng ta không thể lãng phí tính tò mò này".
"Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy bào thai học ngôn ngữ đặc thù của người mẹ trước khi sinh", ông Christine Moon, tác giả chính và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Pacific Lutheran ở Tacoma, Washington nói. Kết quả sẽ được công bố trên số tới của tạp chí Acta Paediatrica.