Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Trẻ nhỏ rất dễ gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa, đặc biệt là tình trạng phân có hiện tượng bất thường như đi ngoài ra phân có hạt trắng hay đi ngoài ra máu.... Vậy khi gặp tình huống này cha mẹ phải xử lý thế nào?
1. Đi ngoài ra hạt màu trắng là bị bệnh gì?
Thông thường, trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ đi ngoài ra phân lỏng, hơi sệt, màu vàng, có hột và bọt. Trung bình trẻ đi ngoài khoảng 5 - 7 lần/ngày. Màu sắc của phân do sắc tố mật, muối mật quyết định. Nếu mật tiết ít thì phân có thể sẽ lẫn hạt trắng, đó là các hạt đạm sữa.
Nếu trẻ đi ngoài ra phân có hạt màu trắng nhưng không bị đau bụng, không quấy khóc, bú bình thường, ngủ yên giấc, tăng cân tốt thì không cần phải lo lắng. Cha mẹ chỉ cần tiếp tục theo dõi trẻ, nếu thấy có hiện tượng bất thường thì đưa trẻ để bệnh viện kiểm tra.
Ngoài ra, trẻ có thể đi ngoài ra hạt màu trắng, nhầy, đi phân sống nếu hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng bởi các vấn đề như: ốm sốt, dị ứng sữa công thức, nhiễm khuẩn... Nếu trẻ quấy khóc, bỏ bú thì nên đưa trẻ đi khám ngay.
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Đi ngoài ra máu ở trẻ sơ sinh cảnh báo bệnh gì?
Phân của trẻ sơ sinh đôi khi có lẫn máu khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Máu lẫn trong phân có thể là màu đỏ tươi hoặc màu đỏ thẫm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài ra máu như:
- Nứt hậu môn: nứt hậu môn khi trẻ bị táo bón, phân cứng khiến trẻ cố rặn gây chảy máu hậu môn, khiến phân dính máu. Nứt hậu môn có thể tự lành hoặc dùng thuốc mỡ bôi vào vị trí nứt. Khi thấy trẻ đi ngoài ra máu do nứt hậu môn thì mẹ nên ăn nhiều chất xơ, các loại thực phẩm có tính lành mát để trẻ bú mẹ dễ dàng đi ngoài hơn. Với trẻ bú sữa công thức thì nên thử đổi loại sữa khác.
- Viêm đại tràng: đi ngoài ra máu có thể do viêm đại tràng hoặc viêm ruột già. Đây là yếu tố có tính di truyền. Ngoài ra, hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên rất dễ bị nhiễm trùng gây nên tình trạng viêm.
- Bệnh Crohn: bệnh Crohn là bệnh gây viêm loét thành trong ruột non và ruột già. Crohn cũng là một trong những bệnh có tính di truyền. Nếu gia đình có người bị Crohn thì nên đưa trẻ đi kiểm tra khi thấy trẻ đi ngoài ra máu.
- Dị ứng: dị ứng với sữa hoặc thức ăn có thể khiến trẻ đi ngoài ra máu hoặc có các dịch nhầy, hạt kèm theo.
Khi thấy trẻ đi ngoài ra máu, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là phân loại nguyên nhân và kiểm tra tình trạng của trẻ. Nếu trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, không quấy khóc thì theo dõi thêm. Nếu tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài, hoặc trẻ quấy khóc bất thường thì nên đưa trẻ đi khám ngay.
Để bảo vệ hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện của trẻ, cần cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng, đặc biệt là một số chất đề kháng giúp bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây hại.
Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi - Sơ sinh, nguyên là Phó khoa nhi Bệnh viện Quốc Tế Phương Châu (Cần Thơ). Bác sĩ Châu thường xuyên tham gia các khóa đào tạo về dinh dưỡng trẻ em, hồi sức cấp cứu nhi, điều trị bệnh lý nhi khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.