Bé 2 tháng tuổi khó đi đại tiện là dấu hiệu của bệnh gì?

Hỏi

Chào bác sĩ! Hiện bé mới được 2 tháng tuổi nhưng mấy hôm trước bé rất khó đi đại tiện em đã lấy ngọn mồng tơi thông và bé đi được. Lần này bé cũng khó đi đại tiện em cũng thông cho bé nhưng bé không đi được suốt ngày cứ đánh rắm. Bác sĩ cho em hỏi, bé 2 tháng tuổi khó đi đại tiện là dấu hiệu của bệnh gì ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Đào Thị Kim Chi (1991)

Trả lời

Chào bạn, bác sĩ xin được giải đáp câu hỏi: “Bé 2 tháng tuổi khó đi đại tiện là dấu hiệu của bệnh gì?” như sau:

Táo bón là một trong các bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em. Cần xác định rõ trẻ có thực sự táo bón hay không thông qua các dấu hiệu nhận biết táo bón. Xác định nguyên nhân khiến trẻ táo bón.

Có 2 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân chức năng và nguyên nhân thực thể. Với nhóm nguyên nhân chức năng bao gồm: Trẻ dùng sữa công thức với một lượng nhiều, thành phần protein khác nhau trong sữa công thức, trẻ bị thiếu dịch và mất nước, chế độ ăn thiếu chất xơ của mẹ,...Với nhóm nguyên nhân thực thể bao gồm: Bệnh phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp, các rối loạn về tiêu hóa như bệnh đại tràng, kém hấp thu...

Với trường hợp của con bạn, để xử lý khi trẻ bị táo bón thì việc trước tiên cần điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ. Cho trẻ bú sữa mẹ vì sữa mẹ có thành phần cân bằng chất béo và protein, chất xơ, nước,... giúp phân bé luôn mềm, ngay cả bé không đi vệ sinh trong một hoặc hai ngày.

Cung cấp đủ dịch cho trẻ. Kết hợp cho trẻ tập các động tác nhẹ nhàng như tập động tác đạp xe, co duỗi gối, mát xa bụng cho trẻ hàng ngày từ 2-3 lần lúc đói, kích thích hậu môn cho trẻ bằng ngọn mồng tơi như mẹ vẫn làm, để duy trì thói quen đi đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất định, nên tập cho trẻ vào thời điểm sau bữa tối vì lúc này các nhu cầu ruột hoạt động thuận lợi cho việc đẩy phân ra ngoài.

Nếu bạn đã làm các biện pháp trên mà tình trạng táo bón của con không cải thiện, các bác sĩ sẽ xác định trẻ có đang tồn dư phân cứng trong trực tràng hay không. Nếu có, một số biện pháp sẽ được thực hiện như thụt hậu môn hoặc dùng thuốc nhuận tràng cho trẻ. Trường hợp trẻ bị táo bón kéo dài trên hai tuần, sốt cao, nôn trớ, chướng bụng, đại tiện ra máu, sụt cân,.. Bạn nên cho trẻ đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị cho trẻ.

Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề sức khỏe của con bạn, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra sức khỏe cho con của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Bác sĩ Dương Thị Dung - Bác sĩ Sơ Sinh - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe