Băng huyết sau sinh 1 tháng là bình thường hay bất thường?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa nghiêm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng của sản phụ. Thông thường, băng huyết sẽ xảy ra ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, có trường hợp lại có hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng. Tình trạng này có nguy hiểm không?

1. Hiện tượng băng huyết sau sinh là gì?

Băng huyết sau sinh là tình trạng chảy quá nhiều máu sau khi chuyển dạ, có thể dẫn tới tử vong ở người mẹ. Nếu mất từ 500ml máu sau sinh đường âm đạo hoặc từ 1000ml máu sau mổ lấy thai trở lên, ảnh hưởng tới tổng trạng hoặc Haematocrit giảm trên 10% so với trước sinh thì tức là sản phụ đã bị băng huyết.

Xếp theo thời gian xảy ra tai biến, có 2 loại băng huyết sau sinh là:

  • Băng huyết nguyên phát: Mất máu trên 500ml trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Cứ 100 phụ nữ thì có 5 sản phụ mắc phải tình trạng này. Nguyên nhân gây băng huyết nguyên phát thường do đờ tử cung, sót nhau, rách đường sinh dục dưới, vỡ tử cung, lộn tử cung và bất thường bánh nhau;
  • Băng huyết thứ phát: Sản phụ gặp tình trạng chảy máu nhiều và có bất thường ở âm đạo trong khoảng từ 24 giờ đầu - 12 tuần sau sinh. Cứ 100 người sẽ có 2 người bị băng huyết thứ phát.

Sản phụ băng huyết sau sinh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe
Sản phụ băng huyết sau sinh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe

2. Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là gì?

Như thông tin về băng huyết thứ phát, có thể xếp băng huyết sau sinh 1 tháng vào nhóm này. Thậm chí, những phụ nữ bị băng huyết sau sinh 2 - 3 tháng cũng được xếp vào nhóm băng huyết thứ phát (vì hiện tượng này xảy ra trong khoảng 12 tuần đầu sau sinh). Tình trạng này xảy ra thường do sót nhau, nhiễm trùng hoặc mắc bệnh lý huyết học.

Bị băng huyết sau khi sinh 1 tháng là một cấp cứu sản khoa nhưng không phải là hiện tượng quá bất thường. Rất nhiều trường hợp sản phụ đều gặp phải hiện tượng này. Nếu phát hiện và xử trí kịp thời, sức khỏe và tính mạng của phụ nữ sẽ được bảo vệ.

Trắc nghiệm: Những điều cần biết về kiêng cữ sau sinh

Sau sinh, cơ thể sản phụ sẽ có rất nhiều sự thay đổi, việc thực hiện tốt các kiêng cữ sau sinh và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục sức khỏe. Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về kiêng cữ sau sinh và thực hiện sao cho phù hợp nhất.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tạ Quốc Bản
Tạ Quốc Bản
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Sản phụ khoa
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

3. Nguyên nhân, triệu chứng băng huyết sau sinh

Triệu chứng phổ biến của tình trạng băng huyết sau sinh là: chảy quá nhiều máu đỏ tươi ở âm đạo sau sinh, đau bụng dưới, sốt,...

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tử cung không co hồi nhỏ lại (đờ tử cung) vì lao động nặng, mang đa thai nên tử cung quá căng, đa ối, em bé quá lớn; tử cung co bóp yếu do khối u lành tính hoặc nhau thai còn trong tử cung sau khi sinh,...

Tình trạng này phổ biến ở những phụ nữ trên 35 tuổi, bị thừa cân, sinh 4 con trở lên, mang đa thai, thai quá lớn, nhau tiền đạo, nhau thai bong non, có tiền sản giật, huyết áp cao, thiếu máu, mổ đẻ, đau đẻ trên 12 giờ,...


Mang đa thai có thể làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh
Mang đa thai có thể làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh

4. Bị băng huyết sau sinh có nguy hiểm không?

Các trường hợp băng huyết sớm hoặc băng huyết sau sinh 1 tháng đều rất nguy hiểm. Theo các chuyên gia, chảy máu sản khoa (băng huyết sau sinh), tăng huyết áp và nhiễm trùng là 3 nguyên nhân gây tử vong ở sản phụ ở các nước phát triển và đang phát triển. Ước tính, cứ mỗi 4 phút trên thế giới lại có 1 sản phụ tử vong vì băng huyết sau sinh.

5. Xử trí băng huyết sau sinh

Việc xử trí bao gồm hồi sức tích cực, co hồi tử cung và xử trí nguyên nhân. Cụ thể:

  • Xử trí ban đầu: Xoa đáy tử cung, thiết lập đường truyền tĩnh mạch kim lớn, xét nghiệm công thức máu, đông máu, nhóm máu,...;
  • Sử dụng thuốc co hồi tử cung: Oxytocin, Ergometrine,...;
  • Khâu vết rách cổ tử cung âm đạo: Kiểm tra kỹ vì có thể có nhiều vị trí chảy máu, cần tránh khâu vào cùng đồ;
  • Soát lòng tử cung: Lấy phần nhau thai - thai - màng nhau còn sót ra; đảm bảo sự toàn vẹn của tử cung;
  • Chèn tử cung: Sử dụng bóng chèn hiệu quả ở các trường hợp bị băng huyết do đờ tử cung và chảy máu từ đoạn dưới đường sinh dục;
  • Tắc mạch: Cho kết quả thành công ở 95% bệnh nhân băng huyết sau sinh; bệnh nhân có huyết động ổn định;
  • Phẫu thuật.

Người bệnh được tiến hành khâu vết rách cổ tử cung âm đạo
Người bệnh được tiến hành khâu vết rách cổ tử cung âm đạo

Hiện không có biện pháp xử trí nào hoàn toàn tối ưu trong điều trị băng huyết sau sinh nặng. Vì vậy, dự phòng băng huyết sau sinh là lựa chọn để bảo vệ sức khỏe cho sản phụ. Các biện pháp dự phòng gồm: quản lý tốt thai kỳ, phát hiện thai kỳ có nguy cơ cao, đỡ sinh đúng kỹ thuật, không để chuyển dạ kéo dài, theo dõi hậu sản trong vòng 6 giờ đầu tiên, đặc biệt là trong 2 giờ sau sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe