Bạn có thể làm gì về răng nhạy cảm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Khi bạn có răng nhạy cảm, một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như đánh răng, ăn và uống, có thể gây đau nhói, tạm thời ở răng của bạn. Răng nhạy cảm thường là kết quả của men răng bị mòn hoặc chân răng bị lộ. Tuy nhiên, đôi khi, sự khó chịu của răng là do các yếu tố khác, chẳng hạn như sâu răng, răng bị nứt hoặc sứt mẻ, trám răng bị mòn hoặc bệnh nướu răng.

Một số người có thể cảm thấy đau buốt hoặc khó chịu sau khi cắn một miếng kem hay dùng thử một muỗng súp hoặc nước nóng. Tình trạng này tương đối phổ biến, nó có thể là dấu hiệu của sâu răng nhưng cũng thường xuất hiện ở những người có hàm răng nhạy cảm.

Răng nhạy cảm hay còn được gọi là quá mẫn cảm với ngà răng là cảm giác đau hoặc khó chịu ở răng do răng phản ứng với các kích thích nhất định, đặc biệt là nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

Răng nhạy cảm có thể là vấn đề mang tính tạm thời hoặc mạn tính, có thể ảnh hưởng đến một răng, một số răng nhất định hoặc toàn bộ hàm răng. Răng nhạy cảm có thể do một số nguyên nhân khác nhau, mang đến cho người bệnh nhiều phiền toái trong cuộc sống nhưng may mắn là hầu hết các trường hợp răng nhạy cảm có thể được điều trị dễ dàng thông qua việc thay đổi chế độ vệ sinh cá nhân răng miệng.


Răng nhạy cảm khiến bạn cảm thấy ê buốt khi tiếp xúc với đồ nóng hoặc lạnh
Răng nhạy cảm khiến bạn cảm thấy ê buốt khi tiếp xúc với đồ nóng hoặc lạnh

1. Nguyên nhân của răng nhạy cảm

Một số người có hàm răng nhạy cảm hơn những người khác đơn giản chỉ bởi vì lớp men răng của họ mỏng hơn. Men răng là lớp ngoài cùng bảo vệ răng, trong một số trường hợp, men răng có thể bị bào mòn do các lý do sau:

  • Đánh răng quá mạnh
  • Dùng bàn chải đánh răng quá cứng
  • Thói quen nghiến răng khi ngủ vào ban đêm
  • Thường xuyên ăn hoặc uống các loại thực phẩm có tính acid cao

Trong một số trường hợp, các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm. Ví dụ trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), acid từ dạ dày di chuyển ngược lên phía trên và có thể bào mòn lớp men răng theo thời gian. Hay trong bệnh viêm dạ dày hoặc hội chứng cuồng ăn cũng có thể khiến acid dần dần làm mòn men răng dẫn đến răng trở lên nhạy cảm hơn.

Các vấn đề về nướu cũng có thể khiến các phần của răng lộ ra, không được bảo vệ và khiến răng nhạy cảm.

Sâu răng, gãy răng hay sứt mẻ răng có thể khiến ngà răng lộ ra, dẫn đến tình trạng nhạy cảm quá mức của răng. Thông thường những trường hợp này chỉ gây ra tình trạng nhạy cảm ở một răng hoặc một vùng răng cụ thể bị ảnh hưởng thay vì toàn bộ hàm răng

Răng cũng có thể gặp phải tình trạng nhạy cảm tạm thời sau một số những can thiệp hoặc thủ thuật nha khoa như trám răng, bọc răng hay tẩy trắng răng. Trong trường hợp này, độ nhạy cảm của răng phụ thuộc và thủ thuật cũng như khu vực được áp dụng thủ thuật này. Răng cũng sẽ trở lại trạng thái bình thường sau vài ngày hoặc vài tuần.


Răng có thể trở nên nhạy cảm hơn sau khi can thiệp tẩy trắng răng
Răng có thể trở nên nhạy cảm hơn sau khi can thiệp tẩy trắng răng

2. Triệu chứng và chẩn đoán răng nhạy cảm

2.1. Triệu chứng răng nhạy cảm

Các triệu chứng của răng nhạy cảm tương đối đa dạng. Những người có răng nhạy cảm có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu khi răng tiếp xúc với một số tác nhân nhất định, đặc biệt là nhiệt độ. Người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc ê buốt ở chân răng khi tiếp xúc với một số thực phẩm như:

  • Thức ăn hoặc đồ uống quá nóng chẳng hạn canh hoặc súp mới nấu
  • Thực phẩm hoặc đồ uống quá lạnh
  • Không khí lạnh
  • Thức ăn và đồ uống ngọt
  • Thức ăn hoặc đồ uống có tính acid cao
  • Sử dụng nước lạnh khi đánh răng
  • Xỉa răng
  • Sử dụng nước súc miệng có cồn

Các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất theo thời gian mà không có lý do rõ ràng. Mức độ nặng, nhẹ của chúng cũng thay đổi tùy thuộc vào mỗi người.

2.2. Chẩn đoán răng nhạy cảm

Quá trình chẩn đoán răng nhạy cảm cũng tương đối dễ thực hiện. Nếu bệnh nhân lần đầu tiên gặp phải tình trạng ê buốt răng, các bác sĩ sẽ kiểm tra trực quan răng qua thăm khám hay xem xét sức khỏe, độ nhạy cảm của răng cũng như kiểm tra các vấn đề khác như sâu răng, trám lỏng hoặc vấn đề về lợi để xác định nguyên nhân của tình trạng răng nhạy cảm

Ngoài ra, các nha sĩ cũng có thể chỉ định chụp X-quang răng để loại trừ một số nguyên nhân khác như sâu răng.


Người bệnh có thể tiến hành chụp X-quang răng để loại trừ các nguyên nhân khác
Người bệnh có thể tiến hành chụp X-quang răng để loại trừ các nguyên nhân khác

3. Điều trị răng nhạy cảm

3.1. Thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày

Nếu tình trạng nhạy cảm răng nhẹ, người bệnh có thể được khuyến cáo áp dụng các phương pháp sau đây trong việc vệ sinh răng miệng hàng ngày:

  • Chọn loại kem đánh răng được dán nhãn dành riêng cho răng nhạy cảm. Những loại kem đánh răng này không chứa bất kỳ thành phần gây kích ứng nào cho răng, bên cạnh đó, một số loại kem đánh răng còn chứa các thành phần giảm mẫn cảm giúp ngăn ngừa sự khó chịu có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh đối với răng nhạy cảm
  • Lựa chọn và sử dụng những loại nước súc miệng không chứa cồn vì chúng ít gây kích ứng đối với những người răng nhạy cảm.
  • Sử dụng bàn chải đánh răng mềm và đánh răng nhẹ nhàng cũng rất có ích đối với sức khỏe răng miệng nói chung và tình trạng răng nhạy cảm nói riêng.
  • Việc thay đổi một số thói quen trong vệ sinh răng miệng hàng ngày cần sự kiên trì từ người bệnh. Kết quả sẽ xuất hiện sau một vài tuần nếu họ áp dụng đầy đủ các phương pháp trên.

Trong trường hợp các phương pháp điều trị tại nhà bao gồm thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày không mang lại hiệu quả, bạn có thể trao đổi với nha sĩ về các loại kem đánh răng được sử dụng theo đơn để điều trị răng nhạy cảm.

Ngoài ra các nha sĩ cũng có thể áp dụng một số loại gel fluoride hoặc thuốc giảm mẫn cảm. Những phương pháp này còn có thể giúp củng cố men răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng của bạn.

3.2. Điều trị y tế cho răng nhạy cảm

Trong trường hợp răng nhạy cảm do các vấn đề sức khỏe khác, các bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị các nguyên nhân này trước khi chúng làm cho men răng bị mòn và hỏng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể điều trị bằng thuốc giảm nồng độ acid trong khi đó chứng cuồng ăn cần được điều trị dưới sự giám sát của các bác sĩ tâm thần.


Răng nhạy cảm do bệnh trào ngược dạ dày có thể điều trị bằng thuốc giảm nồng độ acid
Răng nhạy cảm do bệnh trào ngược dạ dày có thể điều trị bằng thuốc giảm nồng độ acid

Những vấn đề liên quan đến lợi có thể điều trị bằng cách đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm và giữ vệ sinh răng miệng tốt hơn. Trong trường hợp viêm lợi nghiêm trọng dẫn đến răng nhạy cảm quá mức và khó chịu dữ dội, nha sĩ có thể khuyến cáo người bệnh sử dụng phương pháp ghép lợi bằng cách lấy các mô từ vòm miệng đặt lên chân răng để bảo vệ răng.

Người bệnh có thể tự rèn luyện bản thân để ngừng nghiến răng vào ban đêm. Giảm căng thẳng và hạn chế sử dụng caffeine trước khi đi ngủ là cách tốt nhất giúp hạn chế tình trạng nghiến răng. Trong trường hợp các phương pháp trên không mang lại hiệu quả, một dụng cụ bảo vệ răng miệng có thể được cân nhắc sử dụng để ngăn chặn việc nghiến răng làm hỏng răng của bạn.

Tình trạng răng nhạy cảm mang lại nhiều phiền toái cho người bệnh trong cuộc sống. Tuy nhiên chúng hoàn toàn có thể được điều trị bằng những loại kem đánh răng hay nước súc miệng dành riêng cho răng nhạy cảm.

Ngoài ra bạn cũng nên đi khám răng tại các phòng khám chuyên khoa để tránh những nguy cơ về sức khỏe cũng như các biến chứng của răng nhạy cảm nếu phát hiện một trong các triệu chứng sau:

  • Đau răng không rõ nguyên nhân
  • Nhạy cảm cục bộ ở một răng hoặc một khu vực răng nhất định
  • Cảm giác đau tăng dần
  • Răng đổi màu
  • Đau răng dữ dội khi cắn hoặc nhai

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe