Bạn có thể nhiễm bệnh lây qua đường tình dục (STDs) mà không hề hay biết. Nguyên nhân là do các triệu chứng nhẹ khiến bạn nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, bệnh vẫn âm thần diễn ra và nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
1. Bệnh lây qua đường tình dục (STDs) gây ra những biến chứng gì?
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (tên tiếng Anh là Sexually Transmitted Disease và viết tắt là STDs) diễn ra phổ biến. Mặc dù bạn không có triệu chứng, nhưng bệnh vẫn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn và sức khỏe của bạn tình.
Một số bệnh STD như: Chlamydia và lậu có thể gây vô sinh, đặc biệt đối với phụ nữ. Những bệnh này có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID), nhiễm trùng tử cung và các cơ quan sinh sản khác. PID có thể làm tăng nguy cơ phôi làm tổ ở ngoài tử cung và dẫn tới mang thai ngoài tử cung.
Đối với các bệnh STD khác, như giang mai và HIV có thể gây tử vong. Nếu không được điều trị trong nhiều năm, bệnh giang mai cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến não, hệ thần kinh và tim của người bệnh.
Một số chủng virus HPV có thể gây mụn rộp sinh dục (herpes) và bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, ung thư dương vật ở nam giới và ung thư hậu môn ở cả nam và nữ.
2. Bạn có thể lây nhiễm STDs mà không biết điều đó không?
Bạn có thể bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục và không có triệu chứng. Trong khi một số người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng như: Tiết dịch bất thường, nóng rát hoặc ngứa ở vùng sinh dục.
Tuy nhiên một số trường hợp bị nhiễm trùng lây qua đường tình dục và không có triệu chứng nào cả. Do đó, thực hành tình dục an toàn là rất quan trọng vì nhiễm trùng thường lây lan giữa các đối tác không có triệu chứng nhiễm trùng.
3. Khi nào bạn cần khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục?
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC), tần suất bạn nên đi khám và xét nghiệm phụ thuộc vào yếu tố dưới đây:
- Tuổi
- Giới tính. Phụ nữ nên đi kiểm tra thường xuyên hơn nam giới vì nguy cơ vô sinh cao hơn.
- Có nhiều hơn một bạn tình hoặc có bạn tình mới
- Phụ nữ có thai
- Nam có quan hệ đồng giới
- Quan hệ tình dục không an toàn (quan hệ tình dục không có bao cao su hoặc có tiếp xúc với máu, tinh dịch hoặc dịch âm đạo của đối tác)
- Dùng chung kim tiêm
4. Phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục
Để ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn nên tránh quan hệ tình dục với bất kỳ ai có vết loét ở bộ phận sinh dục, phát ban, xuất dịch tiết bất thường hoặc các triệu chứng khác. Chỉ quan hệ không cần các biện pháp bảo vệ khi bạn và bạn tình quan hệ chung thủy với nhau ít nhất sáu tháng kể từ khi hai bạn đã xét nghiệm âm tính với STDs.
Nếu không, bạn nên:
- Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Nếu bạn sử dụng chất bôi trơn, hãy chắc chắn rằng thành phần gốc nước (water-based). Sử dụng bao cao su cho toàn bộ quá trình hành vi tình dục. Bao cao su không hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm hoặc mang thai. Tuy nhiên, biện pháp cực kỳ hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách, do đó, bạn cần học cách sử dụng bao cao su đúng cách.
- Tránh dùng chung khăn tắm hoặc quần áo lót.
- Tắm sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.
- Tiêm đầy đủ vắc-xin viêm gan B.
- Thực hiện xét nghiệm HIV.
- Nếu bạn gặp vấn đề do lạm dụng ma túy hoặc rượu, hãy điều trị các tình trạng này, do những người say rượu hoặc dùng thuốc thường không thực hiện quan hệ tình dục an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com