Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Tăng huyết áp mắt là căn bệnh nguy hiểm có ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nguy cơ bị mù lòa. Vậy tăng huyết áp mắt là gì và nó được điều trị như thế nào?
1. Tổng quan về tăng huyết áp mắt
Tăng huyết áp mắt là một thuật ngữ được sử dụng khi nói đến các tình trạng áp lực bên trong mắt (hay còn gọi là áp lực nội nhãn) cao hơn so với mức bình thường. Áp lực mắt được đo bằng đơn vị milimet thủy ngân ( viết tắt là mmHg). Đối với người bình thường, áp lực mắt sẽ dao động trong khoảng từ 10 đến 21 mmHg. Tình trạng tăng huyết áp mắt sẽ xảy ra khi áp lực nội nhãn ở một hoặc cả hai bên mắt đều vượt quá 21 mmHg. Vì thế, tăng huyết áp mắt là sự khởi đầu của bệnh tăng nhãn áp.
Tính đến năm 2013, có khoảng 2,2 triệu người tại Hoa Kỳ mắc phải bệnh tăng nhãn áp và có hơn 120.000 người bị mù vì căn bệnh này. Chỉ riêng những thống kê này đã nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xác định và theo dõi chặt chẽ những người có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, đặc biệt là những người bị tăng huyết áp mắt .
Theo các nghiên cứu gần đây cho biết, những người bị tăng huyết áp mắt có nguy cơ ước tính trung bình khoảng 10% sẽ phát triển lên thành bệnh tăng nhãn áp trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, có thể giảm xuống 50% nguy cơ tiến triển bệnh nếu mức áp lực mắt được giảm xuống bằng các biện pháp sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật bằng laser. Điều này cũng cho thấy, việc điều trị sớm sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mất thị lực cho người bệnh.
Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, bao gồm:
- Những người có giác mạc mỏng thường có nguy cơ cao phát triển thành bệnh tăng nhãn áp hơn những người khác
- Tuổi càng cao thì áp lực nội nhãn càng tăng, vì vậy những bệnh nhân trên 65 tuổi sẽ có nguy cơ cao bị bệnh tăng nhãn áp.
- Người Đông Nam Á hoặc người Mỹ gốc Phi sẽ có áp lực nội nhãn trung bình cao hơn người da trắng, vì vậy họ dễ mắc phải các bệnh tăng nhãn áp hơn. Ngoài ra, những người Mỹ gốc Phi cũng được cho là có nguy cơ cao bị các tổn thương thần kinh thị giác và mắc phải bệnh tăng nhãn áp góc mở nguyên phát.
- Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ có mức áp lực nội nhãn trung bình cao hơn so với nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.
- Những người mắc các căn bệnh mãn tính như huyết áp cao và bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ cao bị bệnh tăng nhãn áp.
- Người bị cận thị nặng hoặc đang có các chấn thương ở mắt
- Người có tiền sử gia đình bị tăng nhãn áp hoặc tăng huyết áp mắt
2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp mắt
Có thể thấy, đối với những người bị tăng huyết áp mắt thì sự gia tăng của áp lực nội nhãn là một mối quan tâm hàng đầu, bởi đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bệnh tăng nhãn áp.
Sự mất cân bằng trong quá trình sản xuất và dẫn lưu chất lỏng bên trong mắt đã sinh ra tình trạng áp lực cao trong mắt, đồng thời làm cản trở hoạt động của các kênh hút chất lỏng từ mắt. Từ đó, một lượng chất lỏng bên trong mắt bị tăng lên và dẫn tới tăng áp lực.
Bạn có thể tưởng tượng áp lực cao bên trong mắt tựa như một quả bóng nước. Khi lượng nước được đưa vào quả bóng càng nhiều thì áp suất bên trong nó càng cao. Điều này cũng tương tự như sự tồn tại của lượng chất lỏng dư thừa bên trong mắt, đến một thời điểm nào đó, các chất lỏng này sẽ gây ra áp lực cao, làm tổn thương nghiêm trọng tới các dây thần kinh thị giác.
Ở những người có giác mạc dày sẽ có mức áp lực mắt cao hơn bình thường. Thực chất, áp lực mắt ở những người này có thể thấp hơn hoặc ở mức bình thường, nhưng do cơ địa giác mạc dày đã khiến cho kết quả đo lường bị thay đổi.
3. Triệu chứng của tăng huyết áp mắt
Đa số những người bị tăng huyết áp mắt thường không có các biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, việc thường xuyên đi kiểm tra mắt là một khâu vô cùng quan trọng để ngăn ngừa kịp thời bất cứ sự tổn thương do áp lực cao đối với dây thần kinh thị giác.
4. Chẩn đoán tăng huyết áp mắt
Trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tăng huyết áp mắt, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân cung cấp các tình trạng y tế của mình, chẳng hạn như bạn có bị tổn thương ở mắt hay không, hoặc tầm nhìn của bạn có bị hạn chế hay không?
Để đo áp lực nội nhãn cũng như loại trừ khả năng của bệnh tăng nhãn áp góc mở nguyên phát, hoặc xác định được nguyên nhân thứ phát của bệnh tăng nhãn áp, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm dưới đây:
- Đo thị lực: đây được xem là bước đánh giá ban đầu về thị lực của người bệnh, trong đó xác định xem mức độ mà bạn có thể nhìn thấy được một đối tượng cụ thể nào đó. Bác sĩ sẽ tiến hành đo thị lực bằng cách cho bệnh nhân đọc các chữ cái được gắn lên bảng ở một khoảng cách nhất định.
- Kiểm tra mắt bằng đèn khe (sinh hiển vi): cho hình ảnh phóng đại, giúp bác sĩ nhìn rõ được các cấu trúc của mắt như bờ mi, giác mạc, khoang trước và mống mắt. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp đo lường những tổn thương ở bán phần trước của nhãn cầu.
- Phương pháp Tonometry: được sử dụng để xác định những thay đổi về áp lực bên trong mắt. Phương pháp đo lường này sẽ được áp dụng cho cả 2 bên mắt ít nhất từ 2-3 lần. Bởi vì áp lực nội nhãn ở mỗi người có thể thay đổi vào các khung giờ khác nhau. Do đó, xét nghiệm này sẽ được thực hiện vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, chẳng hạn như buổi sáng hoặc tối. Nếu áp lực giữa 2 mắt có sự khác biệt chênh lệch nhau từ 3 mmHg trở lên thì khả năng cao người bệnh đã bị mắc tăng nhãn áp. Thậm chí, nếu áp lực nội nhãn liên tục tăng cao sẽ dẫn đến nguy cơ bị tăng nhãn áp góc mở nguyên phát sớm.
- Soi đáy mắt: giúp kiểm tra sự bất thường của các dây thần kinh thị giác.
- Nội soi mắt: giúp kiểm tra góc thoát nước của mắt. Để thực hiện được xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ được đeo kính áp tròng đặc biệt vào trong mắt. Đây là một xét nghiệm quan trọng, giúp bác sĩ xác định được các góc thu hẹp, mở hay đóng của mắt, đồng thời loại trừ các khả năng khác có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng áp lực nội nhãn.
- Kiểm tra tầm nhìn ngoại vi: bác sĩ sẽ sử dụng máy trường hình ảnh tự động để kiểm tra tầm nhìn ngoại vi của bệnh nhân. Xét nghiệm này có thể cần thực hiện lặp lại nhiều lần (cứ sau 2 tháng 1 lần) trong trường hợp tổn thương glaucomatous cao. Tuy nhiên, bạn chỉ cần làm xét nghiệm này 1 lần/ năm nếu nguy cơ tổn thương glaucomatous ở mức thấp.
- Kiểm tra nhịp tim hoặc độ dày giác mạc: xét nghiệm được thực hiện thông qua việc sử dụng một đầu dò siêu âm nhằm xác định chính xác chỉ số áp lực nội nhãn của người bệnh. Nếu áp lực nội nhãn mỏng có thể cho ra kết quả xét nghiệm áp suất thấp giả, và ngược lại, nếu áp lực nội nhãn dày có thể đem lại kết quả áp suất cao giả.
5. Điều trị tăng huyết áp mắt như thế nào?
Mục tiêu chính của điều trị tăng huyết áp mắt là giúp giảm áp lực mắt trước khi nó gây ra các biến chứng nghiêm trọng, nhất là mất thị lực. Những người trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc bị tổn thương thần kinh thị giác cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Theo đó, bệnh nhân có thể tự điều trị tăng huyết áp mắt tại nhà bằng thuốc kê đơn từ bác sĩ. Tuy nhiên, để việc điều trị đạt được hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ và thực hiện đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng thuốc. Việc sử dụng sai cách không những làm giảm tác dụng của thuốc mà còn khiến cho áp lực nội nhãn gia tăng thêm, gây tổn thương nghiêm trọng tới thần kinh thị giác, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn điều trị khác nhau. Một số trường hợp có áp lực nội nhãn vượt quá 21 mmHg sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc bôi. Đối với những bệnh nhân có áp lực nội nhãn là 28 mmHg hoặc cao hơn có thể được sử dụng thuốc điều trị nhất định. Những loại thuốc này thường ở dạng thuốc nhỏ mắt. Sau 1 tháng dùng thuốc, bệnh nhân cần phải tái khám để bác sĩ kiểm tra xem mức độ áp lực có thuyên giảm hay không và thuốc có gây ra các tác dụng phụ nào hay không? Các lần tái khám sẽ được lặp lại khoảng 3-4 tháng 1 lần. Khi áp lực nội nhãn đã được giảm xuống ở mức bình thường thì khoảng thời gian giữa các lần tái khám sẽ kéo dài hơn, ít nhất 1 lần/năm.
Ngoài phương pháp điều trị tăng huyết áp mắt bằng thuốc, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật bằng laser. Tuy nhiên, biện pháp này thường ít được khuyến cáo sử dụng vì nó có thể đem đến một số rủi ro cao hơn các phương pháp khác. Mặc dù vậy, trong trường hợp bệnh nhân không thể dung nạp thuốc điều trị tăng huyết áp mắt, phương pháp phẫu thuật vẫn có thể là một lựa chọn phù hợp.
Bệnh tăng huyết áp mắt là căn bệnh nguy hiểm nhưng còn khá xa lạ với nhiều người, vì thế việc thăm khám và điều trị sớm rất quan trọng. Khi thấy những dấu hiệu của bệnh hoặc thị lực bị suy giảm vì bất kỳ nguyên do nào bạn cũng nên đến các trung tâm y tế để thăm khám, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn.
Quý khách hàng có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám điều trị các bệnh về mắt hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.
Nguồn tham khảo: webmd.com