Từ xa xưa, sử dụng thuốc đông y để điều trị các bệnh đường hô hấp như ho khan, ho có đờm, ho dai dẳng lâu ngày không khỏi vẫn luôn được nhiều người bệnh lựa chọn. Vậy dùng thuốc đông y chữa ho có đờm được không? Cần lưu ý gì khi thuốc đông y chữa ho cho trẻ?
1. Điều trị ho có đờm theo quan điểm đông y
Ho là phản ứng có lợi của cơ thể nhằm đẩy những dị vật tại đường hô hấp ra ngoài khỏi cơ thể. Ho có thể là triệu chứng của bệnh cơ quan khác không thuộc đường hô hấp, hoặc là bệnh của các cơ quan khác nhưng có ảnh hưởng đến chức năng của hệ hô hấp gây ho.
Ho có đờm trong Đông y được gọi là khái thấu. Khái thấu có 2 nguyên nhân lớn là do ngoại cảm và nội thương. Muốn điều trị được khái thấu trước tiên phải xác định được nguyên nhân: nội thương là do tạng phủ (cơ quan nội tạng) hoạt động không điều độ, mất bình thường gây nên. Còn ngoại cảm được hiểu là do cảm nhiễm ngoài tác động gây nên
Theo quan niệm Đông y, bệnh ho thường là hệ quả của việc khi cơ thể bị nhiễm phong hàn, nhiễm lạnh hoặc phong nhiệt tạo ra thể đàm, đảm nhiệt, bị tích tụ độc tố trong cơ thể, và gây mất cân bằng âm dương. Để điều trị khỏi bệnh, chính khí cần điều dưỡng cho mạnh, cải thiện phế, bồi bổ cơ thể. Đồng thời, cần tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch để bệnh được loại bỏ triệt để.
1.1. Khái thấu nguyên nhân do ngoại cảm
Thế khái thấu phong hàn
- Người bệnh thường ho, chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, đờm lỏng, sợ lạnh, không có mồ hôi, đau xương, đau đầu, đau mình, rêu lưỡng có màu trắng, mạch phù. Nguyên nhân là do phong hàn phạm vào phế kinh, gây trở ngại cho khí quản, khiến cho phế khí không được lưu thông dẫn đến phản xạ ho, chảy nước mũi, ngạt mũi, do hàn bế tắc bên ngoài nên sợ lạnh, đau mình, đau đầu đau xương, nhưng lại không có mồ hôi.
- Phép chữa: Tán hàn, sơ phong, hóa đờm, thống phế khí.
- Thuốc dùng: Bài Hạnh tô tán có gia giảm. Trong bài dùng tía tô, gừng để sơ phong tán hàn; hạnh nhân, tiền hồ, cát cánh để hóa đờm, thông phế, trị ho; gia ma hoàng để tán hàn giải biểu; bán hạ, trần bì để hóa đờm, táo thấp.
- Nếu ho nhiều, đờm vàng đặc, nặng tiếng, họng đau, khát nước nhiều, mạch phù sác là ngoài lạnh trong nóng, áp dụng cách điều trị bên trên kèm theo phải thanh nhiệt ở lý, tán hàn ở biểu như các vị thuyền thoái, cát cánh, tang diệp, bạc hà.
Thể phong nhiệt khái thấu
- Các triệu chứng: Ho, đờm vàng đặc, họng đau khát nước, chảy nước mũi, người nóng, sợ gió, đổ mồ hôi, đau đầu, đau mình; lưỡi vàng hoặc trắng, mạch phù sác. Các triệu chứng trên là do phong nhiệt phạm vào phế làm cho phế khí không được thanh, vinh vệ không được điều hòa gây nên.
- Phép chữa: Sơ phong, thanh nhiệt, tuyên thông phế khí.
- Sử dụng bài thuốc: Tang cúc ẩm gia giảm. Trong bài thuốc này dùng các vị cay mát như tang diệp, cúc hoa, bạc hà, liên kiều để giải biểu thanh phong nhiệt; hạnh nhân, cát cánh, lô căn để thanh nhiệt hóa đờm; gia ngưu bàng tiền hồ để tuyên thông phế khí.
Thể khô táo (thu táo)
- Khái thấu xuất hiện vào mùa thu khô táo (bệnh cảm phải khí táo mùa thu), có cả phong hàn, phong nhiệt, có các triệu chứng ho khan, ít đờm miệng khô, họng rát, gai sốt, sợ gió, đờm vàng tía hoặc có dây ít máu, rêu lưỡi vàng, đầu lưỡi đỏ, không có mồ hôi, mạch phù khẩn. Khô táo gây nên ho, ít đờm, miệng khô họng rát là phong nhiệt. Nếu sợ lạnh, không có mồ hôi, đau mình là phong hàn.
- Ở thể này, Đông y đưa ra phép chữa: Dưỡng phế, nhuận táo, thuộc ôn táo (khô ẩm) thì sơ phong thanh nhiệt; thuộc lương táo (khô mát) thì sơ phong tán hàn.
- Thuốc dùng bài: Tang hạnh thang gia giảm. Trong bài dùng các vị cay mát như tang diệp, đậu đen để sơ phong, sa sâm, quả lê để dưỡng ẩm nhuận phế; hạnh nhân, bối mẫu để hóa đờm, chữa ho. Ho do ôn táo gia mạch môn, qua lâu, lỗ căn; do lương táo thì bỏ tang diệp, quả lê gia phòng phong, kinh giới, tự uyển, khoản đông hòa .
- Trường hợp bệnh lâu không khỏi hoặc bệnh tái phát thì dùng bài chỉ thấu tán gia giảm.
1.2. Khái thấu do nội thương
Hay còn gọi là ho do mất điều hoà chức năng các tạng phủ. Khái thấu nếu do nội thương, bệnh lâu khỏi, dễ phát triển thành mãn tính thì phải xem xét nguồn gốc gây bệnh và ở tạng phủ nào mà điều chỉnh tạng phủ lấy ví dụ như dưỡng phế, kiện tỳ, thanh hỏa, bổ thận, nạp khí...
Phế bị tổn thương hoặc các tạng phủ khác bị hư tổn, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến phế gây nên khái thấu nội thương, hoặc do tạng phủ bị thương tổn, vinh vệ không tốt cũng dễ bị nhiễm ngoại tà gây nên khái thấu. Nội thương khái thấu trên lâm sàng thường thấy có 3 loại gồm :
Khái thấu thấp đờm
- Người bệnh ho nhiều, nhiều đờm màu trắng đặc, lồng ngực tức, lưỡi trắng nhợt, chán ăn mệt mỏi. Nguyên nhân là do thấp đờm gây trở ngại đến khí quản và phổi nên tạo phản xạ ho, đau tức ngực, buồn bực, chán ăn là hiện tượng tỳ bị thấp đờm gây nên.
- Phép chữa: Táo thấp hóa đờm, kiện tỳ vị. Khi bệnh tăng thì hóa đờm táo thấp là chính, khi bệnh giảm thì dưỡng vị kiện tỳ là chính.
- Thuốc dùng bài: Bình vị tán gia vị. Trong bài dùng gia ngưu bàng, trần bì, ý dĩ, hạnh nhân, để hóa đờm thông phế, khi bệnh thuyên giảm uống bài lục quân từ tháng tức hóa đờm kiện tỳ thang.
Can hoả phạm phế
- Người bệnh ho nhiều hơi tức ngược lên ngực, khó chịu. Nguyên nhân do can khí uất kết, khí hóa thành hỏa, can hỏa phạm vào phế nên ho, khí nghịch lên, đau khi ho, mạch huyền sác, miệng khô họng rát cùng do can hỏa và phế hỏa gây nên .
- Phép chữa: tả hỏa, thanh can; nhuận phế hóa đờm.
- Thuốc dùng bài: thanh phế hóa đờm thang gia giảm. Trong bài dùng hoàng cầm, chi tử để thanh can hỏa. Hoàng cầm đi với tang bì để thanh phế hỏa; qua lâu, bối mẫu, mạch môn dưỡng âm, nhuận phế, tiêu đờm, chữa ho.
Phế hư khái thấu
- Đây là trường hợp ho tương đối lâu, mãn tính, thường ho khan, ít đờm, hoặc trong đờm có máu, thể trạng gầy yếu mệt mỏi, kém ăn, miệng khô họng ráo, sốt nhẹ về chiều, hai bên mép và lưỡi đỏ, lòng bàn chân bàn tay nóng, ít ngủ, ra mồ hôi trộm, mạch tế sác.
- Nguyên nhân do phế âm kém, phế khí yếu và ngược lên nên ho khan, ít đờm, âm hư, thủy dịch thiếu dẫn đến sinh táo nhiệt miệng khô họng ráo, các triệu chứng như sốt về chiều, ngủ ít, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ, mạch tế sác là do âm hư hỏa vượng.
- Phép chữa: Dưỡng âm thanh phế, hóa đờm trị ho.
- Sử dụng bài thuốc: Sa sâm mạch đông thang gia giảm. Trong bài dùng sa sâm, mạch môn, ngọc trúc, thiên hoa phấn dưỡng âm, sinh tân dịch, nhuận phế, chữa ho; biển đậu, cam thảo để kiện tỳ, bổ trung, gia hạnh nhân, bối mẫu để tăng thêm hiệu lực chữa ho hóa đờm. Nếu trong đờm có máu thì gia thêm tang bì, ngó sen, tam thất để chỉ huyết (cầm máu). Nếu sốt về chiều, nóng trong nhiều gia sài hồ, hoàng liên, địa cốt bì.
2. Những bài thuốc đông y chữa ho có đờm
2.1. Bài số 1
Bài thuốc tận dụng đặc tính làm dịu đau họng của các thảo dược có đặc tính cay nhẹ như tía tô, trần bì. Ngoài ra khi kết hợp với các thảo dược khác với nhau sẽ tăng khả năng kháng khuẩn, tránh tổn thương vòm họng, làm dịu cổ họng, giảm cơn ho.
Nguyên liệu: Trần bì (vỏ quýt) 10 gam, Xương bồ 12 gam, Ngân hoa 10 gam, Liên kiều 12 gam, Tang diệp 20 gam, Mạch môn 12 gam, Cỏ mực 20 gam, Thiên môn 16 gam, Tía tô 16 gam
Thực hiện:
- Các dược liệu đem rửa sạch, phơi khô dưới điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Cho tất cả vào siêu thuốc đun lửa nhỏ với 500ml nước, để từ 25 đến 30 phút.
- Khi thấy lượng nước thuốc chỉ còn 1⁄2 thì tắt bếp để nguội bớt, dùng uống dần trong ngày.
2.2. Bài số 2
Bài thuốc khái thấu này có vị ngọt dịu đến từ mơ muối, cam thảo và trần bì nên phù hợp với đa số người bệnh, đặc biệt với những sợ vị đắng. Tác dụng mang lại gồm long đờm, giảm ho, dịu cổ họng, bổ phế, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ hệ hô hấp.
Nguyên liệu: Bạch dược 16 gam, Nam dương sâm 16 gam, Sâm đại hành 16 gam, Quất hồng bì 12 gam, Mơ muối 12 gam, Cam thảo 12 gam, Rễ chanh 12 gam, Thủy ngọc 10 gam, Xa tiền thảo 16 gam, Bạch mao căn 16 gam,
Thực hiện:
- Các dược liệu đem rửa sạch, phơi khô. Các loại thảo dược tươi cần sao khô trước và phơi ngoài nắng.
- Cho tất cả vào siêu thuốc đun lửa nhỏ với 400ml nước. Khi thuốc cô lại còn một nửa, thì rót ra bát để nguội uống 2 lần 1 ngày.
- Kiên trì sử dụng 1 đến 2 tuần để có được hiệu quả.
2.3. Bài số 3
Bài thuốc trị ho đông y này đặc biệt phù hợp với bệnh ho do cảm lạnh, sốt cao, đau mỏi người, ho có đờm đặc, khàn tiếng. Vị cay của quế và hà thủ ô, kinh giới sẽ giúp thông mũi, làm dịu họng, bổ phế. Cam thảo làm gia tăng thêm vị ngọt cho bài thuốc. Ngoài ra, bạch truật đem lại hiệu quả cao trong bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức đề kháng.
Nguyên liệu: Tục huyền 12 gam, Khương giới 16 gam, Độc diệp thảo 12 gam, Mã kế 16 gam, Đương quy 16 gam, Vỏ quế 8 gam, Thiên niên kiện 10 gam, Giao đằng 16 gam, Bạch cự 10 gam, Xà hưu thảo 12 gam, Ngũ mai tử 10 gam, Xương bồ 16 gam, Cát cánh 16 gam, Cam thảo 12 gam.
Thực hiện:
- Rửa sạch và đun sắc với 3 bát nước to trong vòng 45 – 1h.
- Sau khi nước cạn chỉ còn 1 bát, đổ ra và chia đều uống trong ngày.
- Ngày sử dụng 1 thang mỗi ngày uống 3 lần.
2.4. Bài số 4
Bài thuốc có tác dụng giảm ho, giảm sưng họng, tiêu viêm, kháng khuẩn. Phù hợp điều trị ho gió, ho khan, lâu ngày không khỏi. Một số trường hợp sốt cũng có thể sử dụng bài thuốc ho đông y này.
Nguyên liệu: Ngân hoa 10 gam, Liên kiều 12 gam, Bồ công anh 20 gam, Lá húng chanh 16 gam, Phòng phong 10 gam, Kinh giới 16 gam, Bạn hạ 10 gam, Tía tô 16 gam, Trần bì 10 gam, Huyền sâm 12 gam, Cam thảo 12 gam
Thực hiện:
- Làm sạch các loại dược liệu và phơi khô. Sau đó tiến hành đun với 400ml nước.
- Đun cho đến khi nước cô đặc lại chỉ còn 1⁄2, đổ ra bát và chia đều uống trong ngày.
- Sử dụng ngày 3 lần.
2.5. Bài số 5
Bài thuốc sử dụng nhiều dược liệu quý như huyền sâm, đinh lăng, sa sâm,... nên có tác dụng bồi bổ chính khí, đào thải ngoại tà và tăng cường thể lực; đồng thời giảm nhanh các cơn ho dai dẳng, làm tiêu đờm, long đờm, bổ phế, chống sưng viêm do nhiễm khuẩn và làm giảm kích ứng cổ họng, làm ấm cổ họng. Một số trường hợp ho kèm sốt cũng có thể sử dụng bài thuốc trị ho đông y hiệu quả này.
Nguyên liệu: Sinh khương 5 gam; Thảo khương 8 gam; Phục linh 10 gam, Thổ bối mẫu 10 gam, Trần bì 10 gam; Huyền sâm 12 gam, Sa sâm 12 gam, Cam thảo bắc 12 gam; Nam dương sâm 16 gam, Dương cửu 16 gam, Bạch dược 16 gam và Tang diệp 20 gam
Thực hiện:
- Rửa sạch thuốc và tiến hành đun sắc các nguyên liệu với khoảng 500 – 750ml nước nước trong một giờ
- Sau đó tắt bếp và chắt lấy nước cốt chia làm 3 lần uống
- Hâm nóng thuốc trước khi uống và kiên trì sử dụng mỗi ngày 1 thang để giảm ho, tiêu đờm nhanh chóng
2.6. Bài số 6
Bài thuốc trị ho hiệu quả cho những trường hợp bị ho đờm do nhiễm phong hàn, cảm lạnh hoặc người ho dai dẳng do sức đề kháng bị suy yếu. Bài thuốc có tác dụng loại trừ đờm, hóa ứ tắc, hoạt huyết, giảm đau rát, trừ phong hàn, làm ấm cổ họng.
Nguyên liệu: Gừng tươi 5 gam; Xà hưu thảo 10 gam, Cam thảo 10 gam, Đại táo 10 gam, Thủy ngọc 10 gam, Bạch phi 10 gam; Độc diệp thảo 12 gam, Trần bì 12 gam; Giả tô 16 gam, Ngải diệp 16 gam, Sâm bố chính 16 gam, Đương quy 16 gam
Thực hiện:
- Các dược liệu đem rửa sạch, để ráo bớt nước
- Cho tất cả vào siêu thuốc đun lửa nhỏ với 800ml nước
- Khi thấy lượng nước thuốc chỉ còn 2 bát ( khoảng 400ml) thì tắt bếp để nguội bớt, dùng uống dần trong ngày.
- Chia nước thuốc thành 3 phần, mỗi lần uống 1 phần, chỉ dùng trong ngày. Nước hâm nóng thuốc trước khi uống và không để qua đêm.
2.7. Một số thuốc đông y chữa ho cho trẻ
Theo các chuyên gia y tế và những bà mẹ đã thực hiện các phương pháp trị ho cho trẻ bằng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên được đánh giá rất an toàn và hiệu quả cao. Vì thế, khi trẻ bắt đầu ho hoặc có dấu hiệu viêm họng thì có thể làm một số bài thuốc y học cổ truyền sau.
Tỏi và mật ong hấp cách thủy trị ho hiệu quả
Với bài thuốc này, bạn có thể thực hiện bằng cách đơn giản nhất đó là chuẩn bị 1 vài tép tỏi bao gồm cả vỏ; đập giập; cho vào bát và thêm vào 1 chút mật ong. Tiếp theo mang hỗn hợp này hấp cách thủy trong vòng 15 phút; bắc ra ngoài. Cho trẻ uống 3 lần 1 ngày; mỗi lần uống khoảng 2 thìa cà phê. Sử dụng đầy đủ liên tục trong khoảng 3 ngày sẽ thấy tác dụng rõ rệt: Long đờm; dịu cổ họng; trị ho đờm cho trẻ khỏi hẳn.
Húng chanh có thể điều trị cảm cúm cho trẻ hiệu quả
Theo các bác sĩ Y học cổ truyền thì các bà mẹ nên dùng dùng húng chanh, quất, mật ong kết hợp. Chỉ cần lấy vài lá húng chanh rửa sạch, giã nhỏ với một ít đường phèn hấp vào nồi cơm, rồi chỉ cần cho trẻ uống 2 – 3 lần trong ngày để điều trị các hiện tượng ho hay viêm họng ở trẻ. Với bài thuốc đơn giản này trẻ sẽ mong chóng lành bệnh.
Sử dụng lá hẹ để trị ho rất tốt
Thay vì dùng thuốc tây thì nên điều trị ho cho trẻ dưới 1 tuổi bằng bài thuốc dân gian rất hiệu quả. Vì lá hẹ không chỉ là gia vị phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình mà còn là bài thuốc tốt của người dân Việt. Được xem như là một loại thuốc kháng sinh tự nhiên có hiệu quả rất cao có khả năng trị khỏi các triệu chứng như: viêm họng, đau rát họng, hen suyễn, cảm sốt, đái dầm,...ở trẻ em và cả người lớn. Cách làm như sau:
- Chuẩn bị cho một ít lá hẹ và đường phèn vừa đủ vào nồi rồi đem chưng cách thủy.
- Sau khi cách thủy thì bạn chắt lấy nước cho bé uống mỗi ngày.
- Nếu là người lớn nên ăn cả lá hẹ thì tốt hơn, bạn có thể cho thêm gừng để điều trị chứng cảm lạnh ở trẻ em rất tốt. Cách này được nhiều người áp dụng.
Bạn cũng có thể dùng củ cải trắng chữa ho
Củ cải trắng cũng có tác dụng chữa ho lâu ngày rất tốt. Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn bỏ vào bát sứ; thêm một ít nước lọc và một ít mật ong đem hấp cách thủy cỡ 10-15 phút; lọc lấy nước cất rồi để nguội rồi cho trẻ uống, mỗi lần 2-3 thìa cà phê; uống 3 lần/ một ngày hoặc.
3. Những lưu ý khi sử dụng bài thuốc trị ho có đờm
Khi áp dụng các bài thuốc kể trên, người bệnh cần khám bác sĩ để được kê đơn với liều lượng các vị gia giảm phù hợp với thể trạng, đồng thời được hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng thuốc.
- Người bị khái thấu (ho có đờm) cần uống nhiều nước để làm loãng dịch đờm, giúp tiêu đờm. Ngoài ra, nên ăn những thức ăn mềm, dạng loãng giúp dễ nuốt và không làm đờm đặc thêm.
- Thời tiết giao mùa thu đông rất dễ mắc các bệnh phong hàn, cảm mạo, do đó, cần chú ý giữ ấm cơ thể và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường đề kháng cho cơ thể.
- Các bài thuốc trị ho gia truyền đông y đòi hỏi thời gian áp dụng lâu dài và tính kiên trì sử dụng của người bệnh. Với mỗi cơ địa và tình trạng bệnh khác nhau mà mỗi người bệnh sẽ có phác đồ điều trị và thời gian dùng thuốc riêng.
- Với các đối tượng nhạy cảm bị ho như trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người đang cho con bú nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia hoặc trực tiếp tới thăm khám tại các phòng khám y học cổ truyền uy tín.
- Để thuốc có tác dụng nhanh và triệt để, chỉ dùng thuốc thôi là chưa đủ. Người bệnh cần kết hợp việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và luyện tập một số bài tập thể dục bổ trợ phù hợp.
- Khi thời tiết lạnh, chuyển mùa, giao mùa cần đặc biệt chú ý bảo vệ phần nhạy cảm như cổ, tai, tay, chân bằng quần áo ấm, khăn, mũ, găng tay,...
- Chỉ sử dụng thuốc uống trong ngày, không sử dụng nước thuốc đã để qua đêm.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và làm việc điều độ, hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.