Bại não là gì? Nguyên nhân chính của bệnh bại não và cách phân loại

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Chinh - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bại não là một tình trạng bệnh lý về thần kinh nặng nề do não bộ bị tổn thương, bệnh để lại di chứng suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh bại não có nguyên nhân do đâu? Biểu hiện và thể bệnh như thế nào?

1. Bại não là gì?

Bại não là thuật ngữ chỉ một nhóm tình trạng bệnh lý gây nên bởi tình trạng tổn thương não bộ không tiến triển theo thời gian, gây nên bởi các nguyên nhân trước sinh, trong và sau sinh cho đến dưới 5 tuổi. Bại não gây ra tình trạng đa tàn tật về vận động, tinh thần, giác quan và hành vi... để lại hậu quả nặng nề cho chính bản thân trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội

Do một hoặc nhiều phần của não bộ bị tổn thương, người bệnh không thể vận động các phần cơ một cách bình thường. Ngoài ảnh hưởng đến vận động, nhiều trường hợp trẻ bị bại não còn kèm theo các tình trạng tàn tật khác cần phải được điều trị như: Chậm phát triển trí tuệ, rối loạn khả năng học tập, động kinh, thay đổi hành vi, những vấn đề về thị giác, thính giác và ngôn ngữ. Tỷ lệ bại não khoảng 2/1000 trẻ mới sinh, bệnh có tỷ lệ mắc ở trẻ trai cao hơn trẻ gái (1.35/1).

2. Nguyên nhân gây bại não

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bại não ở trẻ, được chia thành 3 nhóm chính sau:

2.1 Nguyên nhân trước sinh

2.1.1 Nhiễm trùng trong thai kỳ

Các nhiễm trùng ở phụ nữ có thai như nhiễm rubella, các virus trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây tổn thương não của bào thai và gây bại não sau này. Các nhiễm trùng khác như nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hệ tiết niệu – sinh dục của người mẹ cũng có thể gây nên sinh non, một nguy cơ khác của bại não.

2.1.2 Thiếu oxy não bào thai

Khi chức năng của nhau thai bị giảm sút (suy nhau thai) hoặc bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh (nhau bong non) hoặc chảy máu do rau tiền đạo (bánh rau bám vào đoạn dưới tử cung gây chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ) có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, dẫn đến tổn thương não thai nhi, là một nguyên nhân bại não.


Thiếu oxy não bào thai là một nguyên nhân dẫn đến bại não
Thiếu oxy não bào thai là một nguyên nhân dẫn đến bại não

2.1.3 Các nguyên nhân và bất thường khác

Các trẻ có bất thường cấu trúc hệ thần kinh cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị bại não.

Mẹ bị bệnh: Bệnh tuyến giáp, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật....

Di truyền: Yếu tố gia đình.

Dùng thuốc không hỏi ý kiến của bác sĩ khi mang thai, tiếp xúc với các hóa chất độc hại khi mang thai.

2.2 Nguyên nhân trong khi sinh

2.2.1 Sinh non, cân nặng thấp

Sinh non là trẻ sinh ra trước 37 tuần thai tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng trước khi có thai. Những trẻ sinh non đặc biệt trước 32 tuần và nhất là trước 28 tuần thai có nguy cơ bại não rất cao. Nguyên nhân là do trẻ sinh non có nguy cơ rất cao bị xuất huyết não, phù não gây tổn thương các tổ chức mong manh đang phát triển của não hoặc gây tổn thương não dạng nhuyễn hóa chất trắng quanh não thất.

Cân nặng khi sinh thấp: Một nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh dưới 1.500 gram có nguy cơ bại não cao gấp 30 lần so với trẻ sinh đủ tháng.

2.2.2 Ngạt trong quá trình chuyển dạ và sinh

Trẻ đẻ ra bị ngạt thường không khóc ngay, toàn thân tím tái hoặc trắng bệch cần phải cấp cứu. Tỉ lệ trẻ ngạt chỉ chiếm 10% trong tổng số các bệnh nhân bại não.

2.2.3 Sang chấn sản khoa

Các sang chấn sản khoa nhất là các trường hợp sinh khó phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ khi sinh như: Sử dụng giác hút, can thiệp forceps ...

2.3 Nguyên nhân sau sinh

2.3.1 Xuất huyết não

Xuất huyết não ở sơ sinh và xuất huyết não ở trẻ nhỏ do thiếu Vitamin K là bệnh hay gặp ở các nước đang phát triển như Việt Nam nếu không được điều trị tốt dễ gây di chứng bại não. Các bệnh lý về máu khác dẫn đến rối loạn đông máu cũng là yếu tố nguyên nhân góp phần tăng nguy cơ xuất huyết não ở trẻ, dẫn tới bại não.


Xuất huyết não ở sơ sinh là một nguyên nhân sau sinh dẫn đến bại não
Xuất huyết não ở sơ sinh là một nguyên nhân sau sinh dẫn đến bại não

2.3.2 Vàng da nhân

Hiện tượng vàng da sinh lý thường xuất hiện vào ngày thứ 2 - 4 sau sinh, vàng nhạt và thường không có kèm theo triệu chứng nào khác. Vàng da sinh lý thường kéo dài trong khoảng 1 tuần ở trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần ở trẻ sinh non tháng.

Khi nồng độ billirubin trong máu lên cao, gan không có khả năng chuyển hóa và đào thải do chức năng gan chưa trưởng thành ở trẻ sơ sinh sẽ gây lên vàng da bệnh lý. Trong trường hợp này, sắc tố bilirubin tăng cao trong máu có thể vượt qua hàng rào mạch máu – não và lắng đọng chủ yếu ở các nhân nền của não (do đó có tên là vàng da nhân) và làm tổn thương các cấu trúc này gây ra bại não.

Trẻ bị vàng da bệnh lý thường gặp ở trẻ có bất đồng nhóm máu mẹ - con ( nhóm máu ABO, Rh, và dưới nhóm...). Biểu hiện ở trẻ là vàng da đậm và vàng toàn thân, củng mạc mắt cũng vàng. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, trẻ có thể xuất hiện bỏ bú, tím tái và duỗi cứng chi (dấu hiệu tổn thương não).

2.3.3 Hạ đường huyết sau sinh

Gần đây, nguyên nhân gây tổn thương não do trẻ bị hạ đường huyết sau sinh được ghi nhận gặp tương đối nhiều. Khi đường trong máu hạ thấp, trẻ bị hôn mê, suy hô hấp, là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tổn thương não ở trẻ dẫn đến bại não.

2.3.4 Bại não mắc phải

Trẻ mắc các chứng bệnh gây tổn thương thần kinh trong những năm đầu tiên của đời sống, kéo dài cho đến trước 5 tuổi như: Viêm màng não mủ, viêm não, chấn thương sọ não, đuối nước...

3. Phân loại bại não theo thể lâm sàng

3.1 Bại não thể liệt cứng (spastic cerebral palsy)

Trẻ mắc thể này có biểu hiện các cơ co cứng, luôn ở trạng thái tăng trương lực cơ. Mọi hoạt động vận động của trẻ đều rất khó khăn. Trẻ khó cầm nắm, bò hoặc đi. Thể lâm sàng này lại được chia làm ba phân nhóm nhỏ:

  • Liệt cứng 2 chi dưới

Trẻ có bất thường co cứng rõ ở 2 chi dưới. Ở thể này, do các cơ khép đùi bị co cứng, chân trẻ luôn bị kéo vào trong làm cho trẻ có dáng đi bắt chéo hai chân rất đặc trưng.

  • Liệt cứng nửa người

Thường có biểu hiện liệt cứng một bên (phải hoặc trái). Thường thì chi trên bị ảnh hưởng nặng hơn chi dưới.

  • Liệt cứng tứ chi

Bệnh nhân thuộc nhóm này có biểu hiện liệt cứng cả 2 chi trên và 2 chi dưới cùng với các cơ trục thân. Cả các cơ ở mặt cũng bị ảnh hưởng làm cho trẻ bị tàn phế rất nặng.

3.2 Bại não thể múa vờn hay loạn động

  • Khoảng 6% bệnh nhân bại não thuộc thể này.
  • Thể loạn động đặc trưng bằng sự thay đổi thất thường của trương lực cơ (lúc tăng, lúc giảm).
  • Trẻ thường có các động tác bất thường không kiểm soát được. Các động tác này có nhịp điệu chậm, biên độ đôi khi rộng như đang múa nhưng trẻ không ý thức được điều này.
  • Do bất thường trong kiểm soát các cử động, bệnh nhân khó có tư thế vận động bình thường, các cơ ở mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng làm trẻ khó bú, khó nuốt, khó nói.

3.3 Bại não thể thất điều

  • Thể thất điều chiếm tỷ lệ khoảng 6%.
  • Ở thể này, cân bằng tư thế và phối hợp động tác bị ảnh hưởng, trẻ khó kiểm soát tư thế dáng đi lảo đảo, vùng thắt lưng hay đong đưa. Khả năng phối hợp vận động kém do đó trẻ khó thực hiện các động tác đòi hỏi sự nhịp nhàng như vỗ tay theo nhịp hay viết chữ.

3.4 Bại não thể phối hợp

Trẻ bị bại não thể phối hợp thường phối hợp 2 trong các thể bại não trên, thường gặp phối hợp thể co cứng với thể múa vờn, những trường hợp này thường bị tàn tật nặng nề.

Phân loại theo mức độ nặng:

  • Bại não mức độ nhẹ
  • Bại não mức độ nặng vừa
  • Bại não nặng

4. Các dấu hiệu phát hiện sớm trẻ bại não

  • Khi đẻ ra không khóc ngay hoặc khóc yếu.
  • Sau khi sinh thường mềm nhão, không vận động.
  • Đầu rũ xuống, không ngẩng lên được.

Khi đẻ ra trẻ không khóc ngay hoặc khóc yếu là dấu hiệu phát hiện sớm trẻ bại não
Khi đẻ ra trẻ không khóc ngay hoặc khóc yếu là dấu hiệu phát hiện sớm trẻ bại não

  • Khó bế ẵm, tắm rửa, thay quần áo cho trẻ vì người trẻ cứng đờ
  • Co giật: bất tỉnh, sùi bọt mép
  • Chậm biết giữ đầu cổ, chậm biết lẫy, ngồi, bò...
  • Có khiếm khuyết về sử dụng bàn tay trong cầm nắm và thực hiện các hoạt động
  • Không nhận biết mẹ hoặc những người thân, chậm kỹ năng giao tiếp sớm
  • Không quay đầu đáp ứng với âm thanh, đồ chơi có màu sắc, không nhìn vào mặt mẹ, người thân
  • Không biết hóng chuyện, biểu lộ tình cảm, không quay đầu theo tiếng động
  • Không thể hiện nét mặt, không dùng mắt để thể hiện vui thích
  • Mút, bú khó khăn, hay sặc sữa
  • Hay chảy rãi, khò khè, tăng tiết dịch mũi họng...
  • Có rối loạn cảm giác nông như nóng, lạnh, đau
  • Các biểu hiện khác: Lác mắt, sụp mi, giảm, mất khả năng nhìn, nghe kém, méo miệng...

Bệnh bại não là một bệnh lý phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây nên, thể bệnh đa dạng, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh giúp chúng ta có các biện pháp phòng ngừa chủ động, đồng thời phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã áp dụng phương pháp tế bào gốc điều trị thành công nhiều ca bệnh bại não tưởng chừng đã hết hy vọng. Toàn bộ quy trình tách ghép tế bào gốc điều trị bại não tại Vinmec được thực hiện rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Các cuộc phẫu thuật đều do các chuyên gia, bác sĩ phụ trách cùng hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại.

Ngoài ra, Vinmec cũng xây dựng quy trình ghép chuẩn để có thể chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội được chữa trị cho trẻ em bị bại não trên cả nước.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe