"Mức lương và chế độ đãi ngộ hợp lý giúp chúng tôi có động lực cống hiến vì chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của bệnh viện đến đời sống vật chất cũng như tinh thần" - bác sĩ V.T - công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec bộc bạch.
Thu nhập cao hơn
"Quân của tôi lên nộp đơn xin nghỉ việc, tôi hỏi lý do thì họ nói: "Em làm đây 10 năm mà lương có 12 triệu đồng/tháng, trong khi đó em về bệnh viện I (một bệnh viện tư nhân cũng đóng trên địa bàn tỉnh), họ trả 35 triệu đồng/tháng nên em phải đi thôi" - đó là chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) khi bàn về câu chuyện nhân viên y tế nghỉ việc, rời khỏi bệnh viện công.
Tương tự, những câu chuyện như không nuôi nổi vợ con với mức lương tháng 8 triệu đồng sau 10 năm hành nghề, bác sĩ phải xin thôi việc ở bệnh viện công đi làm cho bệnh viện tư. Hay bác sĩ học ít nhất 6 năm, lương mới ra trường chưa nổi 3 triệu đồng, không bằng lương công nhân, đã khiến không ít người ngao ngán: "Lương bác sĩ bệnh viện công quá là thấp".
Bác sĩ V.T - công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hiện nay ở bệnh viện trả cho y bác sĩ khá ổn định, tốt hơn nhiều so với bệnh viện công lập, đủ để chi tiêu cho cả gia đình mức trung bình khá.
Theo đó, y bác sĩ làm việc ổn định, được tập trung chuyên môn, ít kiêm nhiệm việc ngoài chuyên môn. Đặc biệt, mức thu nhập tốt nên ít lo đến các khoản thu nhập khác để đảm bảo cuộc sống.
"Tôi đã chứng kiến rất nhiều y bác sĩ ở viện công chuyển sang viện tư, đa số nghỉ việc, rời khỏi bệnh viện công là vì cuộc sống. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước quá thấp, nên họ bỏ đi.
Một bác sĩ ra trường khoảng 5 năm có mức thu nhập tầm 7-8 triệu/tháng, một điều dưỡng cũng với năm kinh nghiệm như vậy có thu nhập khoảng 5 triệu/tháng. Vậy thì mức thu nhập đó chỉ đủ tiêu cho bản thân, khi có gia đình thì họ lại phải cần đến các khoản ngoài lương. Tuy nhiên khoản ngoài lương và thưởng không cố định, không phải cơ quan nào cũng có" - bác sĩ V.T chia sẻ.
Chế độ đãi ngộ tốt hơn
Cũng theo bác sĩ V.T, chế độ đãi ngộ ở bệnh viện tư tốt và khiến nhân viên hài lòng. Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, nhân viên y tế được mua bảo hiểm nhân thọ, khám sức khỏe hàng năm, có nhiều chế độ phúc lợi như sinh nhật, thưởng các ngày lễ tết, lương tháng 13...
"Mức lương và chế độ đãi ngộ hợp lý giúp chúng tôi có động lực cống hiến vì chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của bệnh viện đến đời sống vật chất cũng như tinh thần" - bác sĩ T bộc bạch.
Chia sẻ với Lao Động, điều dưỡng T.H - công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cho biết, bệnh viện công có nhiều áp lực hơn viện tư. Cụ thể là phải kiêm nhiệm nhiều việc ngoài chuyên môn cũng như hệ thống sổ sách, báo cáo cồng kềnh.
Hơn nữa, Việt Nam là nước nhiệt đới, bệnh dịch hàng năm rất nhiều, công tác chống dịch vất vả, đặc biệt là y bác sĩ làm dự phòng, chế độ đãi ngộ quá ít ỏi. Vì vậy, nhiều sinh viên sau khi ra trường đã có kế hoạch xin việc ở bệnh viện tư.
"Gần đây, dư luận rất quan tâm đến vụ việc 4 bác sĩ đi làm xuyên tỉnh. Cá nhân tôi cho rằng, đi làm thêm trong giờ làm việc là sai quy chế, nhưng cũng là tiếng chuông nhỏ trong hồi chuông báo động về tình trạng lương và chế độ đãi ngộ thấp ở bệnh viện công khiến cán bộ y tế dần bỏ bệnh viện.
Suy cho cùng, người làm chuyên môn tốt nhất là không phải lo đến cơm áo gạo tiền thì mới tập trung vào chuyên môn. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, có thể dẫn đến tiêu cực" - điều dưỡng H chia sẻ.