Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Áp xe má là áp xe khu trú ở vùng má, áp xe má có thể do răng bị sâu nhiễm trùng trong một thời gian dài. Khi bị áp xe má, người bệnh có triệu chứng đau hoặc không đau tại khu vực áp xe má.
1. Áp xe má là gì?
Áp xe là một tổ chức viêm nhiễm, khu trú thành một khối mềm, bên trong chứa mủ cấu tạo từ vi khuẩn, các mảnh vụn và xác bạch cầu. Khi bị áp xe, tại chỗ là một khối mềm, lùng nhùng, vùng áp xe nóng đỏ, sưng nề, chạm vào thấy đau. Áp xe má là gì? Áp xe má là áp xe khu trú ở vùng má, áp xe má có thể do răng sâu nhiễm trùng trong một thời gian dài. Các triệu chứng áp xe má có thể bao gồm:
- Người bệnh có triệu chứng đau hoặc không đau tại khu vực áp xe má.
- Trường hợp nhiễm trùng răng khiến viêm tấy lan tỏa vùng sàn miệng, bệnh nhân có thể bị sốt, ăn uống khó, mệt mỏi, đau nhức, mất ngủ.
- Vị trí áp xe má bị sưng đỏ.
- Đau có thể lan sang vùng má, vùng mang tai, vùng dưới hàm.
- Do đau nên việc há miệng hạn chế
- Tiết nước bọt ra nhiều, mùi hôi thối, khó thở và khó nuốt.
2. Nguyên nhân áp xe má
Nguyên nhân gây áp xe má chủ yếu là do vấn đề răng miệng. Các nguyên nhân cụ thể như sau:
- Do răng: Răng viêm quanh cuống, răng có viêm quanh răng không được điều trị kịp thời hoặc áp xe do biến chứng răng khôn khi mọc.
- Áp xe má do nguyên nhân khác: Các nguyên nhân khác gây áp xe má có thể là do tai biến điều trị, chấn thương hoặc nhiễm trùng các vùng lân cận.
3. Phác đồ điều trị áp xe má
Khi bị áp xe má, việc chẩn đoán chính xác và điều trị là phương pháp tốt nhất để phòng tránh các biến chứng. Nguyên tắc điều trị áp xe má là dẫn lưu mủ và điều trị răng nguyên nhân. Phương pháp điều trị cụ thể như sau:
- Điều trị toàn thân: Dùng kháng sinh và nâng cao thể trạng.
- Điều trị tại chỗ: Điều trị đường trong miệng khi áp xe tiến triển về phía niêm mạc miệng. Lúc này, bác sĩ sẽ vô cảm rồi rạch niêm mạc ở chỗ thấp nhất và phồng nhất của ổ áp xe nhằm bộc lộ rõ ổ áp xe để dẫn lưu mủ. Sau đó thì cần bơm rửa và đặt dẫn lưu.
- Điều trị răng nguyên nhân: Điều trị đường ngoài mặt áp dụng khi áp xe tiến triển về phía dưới da vùng má. Phương pháp này bác sĩ cũng sẽ vô cảm để rạch da vùng dưới hàm nhằm bóc tách da và mô dưới da. Sau đó dùng kẹp Korche thâm nhập vào vùng áp xe để dẫn lưu mủ, bơm rửa và đặt dẫn lưu.
- Khi bị áp xe má cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm nhất để bác sĩ điều trị dứt điểm tránh các biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.