Một trong những nguy cơ đe dọa sức khỏe của thai nhi trong thời kỳ mang thai là lây nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma từ mẹ thông qua nhau thai. Nhiễm toxoplasmavirus khi mang thai có thể làm tổn thương hệ thống miễn dịch và gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng.
1. Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gây bệnh gì?
Ký sinh trùng Toxoplasma là ký sinh trùng đơn bào, thường tìm thấy ở mèo hay các động vật máu nóng, động vật có vú. Trong đó, mèo là vật chủ chính, ký sinh trùng Toxoplasma thường tồn tại nhiều trong ruột mèo và theo phân mèo đi ra ngoài môi trường.
Khi ký sinh trùng Toxoplasma xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa (ăn thức ăn chưa nấu chín, hoa quả chưa rửa kỹ...), nó sẽ tấn công các cơ quan trong cơ thể, chủ yếu là não, hệ cơ... Ký sinh trùng Toxoplasma không lây từ người sang người. Tuy nhiên, mèo là loài vật nuôi phổ biến nên số lượng người nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma rất lớn. Có tới khoảng 1/3 dân số thế giới ít nhất một lần phơi nhiễm với loài ký sinh trùng này.
2. Nhiễm toxoplasmavirus trong thai kỳ nguy hiểm thế nào?
Với người khỏe mạnh, cơ thể có hệ miễn dịch tốt có thể chống lại tác động của ký sinh trùng Toxoplasma, bạn sẽ không có các triệu chứng gì cả. Một số người có thể bị nổi hạch ở vùng cổ hoặc gáy. Hạch sưng to rồi giảm dần và biến mất trong khoảng 6 tuần. Rất ít khi người khỏe mạnh bị các nhiễm trùng nặng liên quan đến tim, phổi.
Trong khi đó nhiễm toxoplasmavirus ở phụ nữ mang thai lại rất nguy hiểm, nó có thể gây ra những biến chứng lây truyền sang bào thai, gây sảy thai hoặc thai chết lưu, trẻ sinh ra có nguy cơ bị não úng thủy, động kinh. Thời gian mẹ bầu bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma càng sớm thì mức độ ảnh hưởng càng nặng nề.
Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma trong thời kỳ mang thai có thể không có triệu chứng gì hoặc có các hạch sưng to và gặp các vấn đề về mắt. Có thể kiểm tra các ảnh hưởng của ký sinh trùng Toxoplasma gây ra cho thai nhi thông qua siêu âm. Trẻ bị nhiễm trùng bẩm sinh có thể bị các vấn đề về não, mắt, rối loạn máu, chậm phát triển. Kể cả khi em bé sinh ra bình thường thì bạn cũng cần theo dõi sự phát triển của bé vì các ảnh hưởng có thể biểu hiện rõ ràng hơn sau này.
3. Mức độ lây nhiễm toxoplasmavirus từ mẹ bầu sang thai nhi
Trung bình, nguy cơ mẹ bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma có thể lây nhiễm sang con lên tới 30%, kể cả khi người mẹ không có bất cứ triệu chứng cụ thể nào. Mức độ lây nhiễm tăng dần theo thời gian mẹ nhiễm ký sinh trùng, cụ thể:
- Tỷ lệ lây nhiễm là 15% nếu người mẹ bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma trong 3 tháng đầu của thai kỳ;
- Tỷ lệ lây nhiễm là 30% nếu người mẹ bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma trong 3 tháng giữa của thai kỳ;
- Tỷ lệ lây nhiễm là 60% nếu người mẹ bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Nếu nhiễm bệnh Toxoplasmosis bẩm sinh khi còn trong bụng mẹ, trẻ sinh ra có thể bị dị dạng, tổn thương các cơ quan nội tạng, đặc biệt là não bộ và mắt.
Một số trẻ không có biểu hiện rõ rệt khi chào đời mà chỉ phát triển bệnh khi bước vào độ tuổi thiếu niên như nghe kém, chậm phát triển, thị lực giảm...
4. Nhiễm Toxoplasmavirus trong thai kỳ được điều trị như thế nào?
Người bình thường khỏe mạnh nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma có thể không cần điều trị nếu không có triệu chứng hay ảnh hưởng gì. Nếu cần thì có thể dùng kháng sinh với liều lượng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Phụ nữ mang thai nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi. Dựa trên tình trạng cụ thể của người mẹ mà các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Spiramycin có thể coi là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ thai nhi chưa bị nhiễm trùng. Nếu thai nhi bị nhiễm trùng nghiêm trọng, phát hiện các dị dạng thông qua siêu âm hay xét nghiệm thì bạn có thể được đề nghị phá thai.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.