Ảnh hưởng của tăng huyết áp đối với cơ thể

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thận, não, mắt, thậm chí bao gồm cả đời sống tình dục của người bệnh. Do đó, việc phát hiện và điều trị tăng huyết áp sớm chính là chìa khóa quan trọng giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai.

1.Thế nào là tăng huyết áp?

Tăng huyết áp là một căn bệnh có diễn biến phát triển âm thầm theo thời gian. Nếu không được kiểm soát sớm, nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn làm giảm tuổi thọ của người bệnh.

Tình trạng tăng huyết áp có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau. Tình trạng này gây áp lực lớn đến tim cùng các động mạch của cơ thể, khiến tim phải làm việc cật lực hơn trong suốt một thời gian dài. Điều này có thể khiến cho tim bạn bị giãn, phình to và dày thành tim hơn, dần dần dẫn đến suy tim.

Ngoài ra, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân thúc đẩy và phát triển tình trạng xơ vữa động mạch – 1 căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến các biến chứng về tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Bên cạnh đó, nguy cơ đột quỵ của bạn cũng tăng lên khi huyết áp của bạn ở trạng thái tăng quá cao, kèm theo các hệ luỵ tổn thương đến mắt và thận.

Bạn nên tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ về các phương pháp điều trị tăng huyết áp, bởi hầu hết các tình trạng đều có thể kiểm soát tốt thông qua việc sử dụng thuốc, từ đó giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các biến cố hay bệnh về tim mạch.

2. Cao huyết áp ảnh hưởng thế nào tới cơ thể?

Tăng huyết áp có thể âm thầm huỷ hoại cơ thể bạn trong nhiều năm trước khi các triệu chứng thực sự phát triển. Khi huyết áp cao không được kiểm soát sớm, có thể dẫn đến tàn tật, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí gây ra cơn đau timđột quỵ gây tử vong. Việc điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng tăng huyết áp của mình, từ đó làm giảm các biến chứng đe dọa tới tính mạng.

Dưới đây là những biến chứng sức khỏe có thể gây ra bởi tình trạng cao huyết áp không được kiểm soát, cụ thể:

2.1 Biến chứng động mạch

Thông thường, các động mạch khỏe mạnh trong cơ thể rất linh hoạt, đàn hồi và mạnh mẽ. Lớp lót trơn nhẵn bên trong động mạch giúp máu lưu thông tự do, cung cấp cho các mô và cơ quan quan trọng các chất dinh dưỡng và lượng oxy cần thiết.

Tăng huyết áp làm tăng dần áp lực của dòng máu chảy qua các động mạch, dẫn đến những tổn thương sau đây:

  • Tổn thương và thu hẹp động mạch: Huyết áp cao là nguyên nhân gây hỏng các tế bào của lớp lót bên trong động mạch. Khi các chất béo từ chế độ ăn uống của bạn đi vào trong máu, nó có thể tích tụ lại trong các động mạch bị tổn thương. Điều này cũng khiến cho thành động mạch trở nên mất dần tính đàn hồi và làm cản trở lưu lượng máu đi khắp cơ thể.
  • Phình động mạch: Theo thời gian, áp lực liên tục của dòng máu di chuyển qua một động mạch bị suy yếu dần, khiến cho một phần thành động mạch bị phình ra và tạo nên một chỗ phình, hay còn được gọi là chứng phình động mạch. Phình động mạch có thể bị vỡ và gây chảy máu, đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng. Tình trạng phình động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào, nhưng phổ biến hơn cả là ở những động mạch lớn nhất của cơ thể, tức là động mạch chủ.

2.2 Biến chứng tim mạch

Nếu không có biện pháp điều trị tăng huyết áp cụ thể thì có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm đối với tim mạch, bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành: Tình trạng này thường xảy ra khi các động mạch bị thu hẹp và tổn thương do huyết áp cao, gây khó khăn cho việc cung cấp máu đến tim của bạn. Khi máu không thể lưu thông tự do đến tim sẽ dẫn đến các triệu chứng như đau thắt ngực, nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim) hoặc đau tim.
  • Tình trạng dày thất trái: Huyết áp cao buộc tim của bạn phải làm việc vất vả hơn để có thể bơm máu đến phần còn lại của cơ thể. Điều này khiến cho tâm thất trái của tim bị dày lên, làm tăng nguy cơ suy tim, đau tim và đột tử.
  • Suy tim: Theo thời gian, áp lực căng thẳng lên tim do tăng huyết áp có thể khiến cơ tim bị suy yếu đi và hoạt động kém hiệu quả hơn trước. Điều này khiến cho sức khoẻ của tim bạn bắt đầu dần suy sụp. Đặc biệt, các cơn đau tim có thể làm trầm trọng hơn vấn đề này.

Tăng huyết áp không được kiểm soát sớmcó thể dẫn nhiều biến chứng nguy hiểm
Tăng huyết áp không được kiểm soát sớmcó thể dẫn nhiều biến chứng nguy hiểm

2.3 Biến chứng não

Để não bộ của bạn hoạt động bình thường và hiệu quả sẽ phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp máu nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp điều trị tăng huyết áp phù hợp và kịp thời thì người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng não sau đây:

  • Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Tình trạng này đôi khi còn được gọi là một cơn đột quỵ nhỏ (mini-troke). TIA thường là một sự gián đoạn ngắn hoặc tạm thời của quá trình cung cấp máu đến não. Động mạch cứng hoặc các cục máu đông do huyết áp cao có thể dẫn đến cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bị đột quỵ toàn phát.
  • Đột quỵ: Tình trạng đột quỵ thường xảy ra khi một phần não của bạn bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng, khiến cho các tế bào não bị chết đi. Huyết áp cao có thể gây tổn thương lớn đến các mạch máu, khiến chúng bị thu hẹp, vỡ hoặc rò rỉ. Ngoài ra, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân chính làm hình thành các cục máu đông trong các động mạch dẫn đến não bộ, đồng thời làm ngăn chặn lưu lượng máu lên não và tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Bệnh sa sút trí tuệ: Các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn có thể làm hạn chế lưu lượng máu vận chuyển lên não, gây ra một loại bệnh mất trí nhớ, được gọi là sa sút trí tuệ não mạch.
  • Suy giảm nhận thức mức độ nhẹ: Tình trạng này là một giai đoạn chuyển tiếp giữa các thay đổi trong nhận thức và trí nhớ, thường đi kèm với sự lão hoá và các vấn đề nghiêm trọng hơn do bệnh sa sút trí tuệ gây ra. Một số nghiên cứu cho thấy, tăng huyết áp là yếu tố chính dẫn đến suy giảm nhận thức mức độ nhẹ.

2.4 Biến chứng thận

Thận giữ chức năng lọc các chất lỏng dư thừa và các chất thải từ máu của bạn. Quá trình này đòi hỏi các mạch máu luôn khỏe mạnh và linh hoạt. Tuy nhiên, huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu và ảnh hưởng đến thận của bạn. Đặc biệt, bệnh tiểu đường kết hợp với tăng huyết áp có thể làm trầm trọng hơn những tổn thương ở thận của bạn.

Dưới đây là những vấn đề về thận do huyết áp cao gây ra, bao gồm:

  • Sẹo thận (xơ cứng cầu thận): Loại tổn thương này thường xảy ra khi các mạch máu nhỏ bên trong thận hình thành sẹo và không thể thực hiện được các chức năng như lọc chất lỏng và chất thải từ máu một cách hiệu quả. Bệnh xơ cứng cầu thận theo thời gian có thể dẫn đến tình trạng suy thận.
  • Suy thận: Huyết áp cao được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng suy thận. Khi các mạch máu bị tổn thương sẽ khiến cho thận không thể lọc hiệu quả các chất thải từ máu, từ đó tạo điều kiện cho lượng chất thải và chất lỏng tích tụ trong thận ở mức nguy hiểm. Trong trường hợp suy thận nặng, bạn có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.

2.5 Biến chứng mắt

Tăng huyết áp có thể làm ảnh hưởng xấu hoặc làm hỏng các mạch máu nhỏ cung cấp máu đến mắt của bạn. Điều này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm về mắt sau:

  • Bệnh võng mạc: Những tổn thương ở võng mạc có thể gây chảy máu trong mắt, làm mờ mắt và dẫn đến mất thị lực hoàn toàn. Thậm chí, những nguy cơ này sẽ tăng cao hơn nếu bạn mắc bệnh tiểu đường kết hợp với huyết áp cao.
  • Sự tích tụ các chất lỏng dưới võng mạc (bệnh màng mạch): Bệnh lý màng mạch có thể khiến cho thị lực của bạn bị méo mó, đôi khi để lại sẹo gây suy giảm thị lực.
  • Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh thị giác): Khi lưu lượng máu đến mắt bị tắc nghẽn có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác, dẫn đến tình trạng chảy máu bên trong mắt hoắc mất thị lực.

2.6 Rối loạn chức năng tình dục

Tình trạng không thể hoặc khó duy trì sự cương cứng (rối loạn cương dương) đang ngày càng trở nên phổ biến ở nam giới khi họ bước vào độ tuổi 50. Đặc biệt, những nam giới bị tăng huyết áp thậm chí có nhiều khả năng bị rối loạn cương dương hơn so với những người khác. Điều này là do lưu lượng máu của bạn bị hạn chế khi huyết áp tăng cao, làm ngăn chặn dòng máu chảy đến dương vật.

Ngoài ra, phụ nữ cũng có thể bị rối loạn chức năng tình dục do tăng huyết áp. Lưu lượng máu đến âm đạo giảm xuống có thể làm giảm ham muốn tình dục, gây khô âm đạo và khó đạt được cực khoái trong khi quan hệ.


Tăng huyết áp có thể âm thầm huỷ hoại cơ thể trong nhiều năm trước khi các triệu chứng thực sự phát triển
Tăng huyết áp có thể âm thầm huỷ hoại cơ thể trong nhiều năm trước khi các triệu chứng thực sự phát triển

3. Cấp cứu cao huyết áp

Huyết áp cao thường là một tình trạng mãn tính, theo thời gian có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng đối với sức khỏe sau nhiều năm. Đôi khi, tình trạng tăng huyết áp nhanh và nguy hiểm đến mức nó trở thành một vấn đề y tế cần được điều trị ngay lập tức và phải nhập viện.

Trong những tình huống này, huyết áp cao có thể dẫn đến các vấn đề sau:

  • Mất trí nhớ, khó tập trung, thay đổi tính cách, cáu kỉnh và mất ý thức;
  • Đột quỵ;
  • Tức ngực;
  • Tổn thương nghiêm trọng đối với các động mạch chủ của cơ thể;
  • Đau tim;
  • Khả năng bơm máu của tim bị suy giảm đột ngột, dẫn đến tình trạng phù phổi;
  • Mù loà;
  • Mất chức năng thận đột ngột;
  • Các biến chứng trong thai kỳ, chẳng hạn như tiền sản giật.

Bệnh huyết áp cao diễn biến thầm lặng, ít có triệu chứng nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh là vô cùng cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe