Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Cổ tử cung là đoạn mở đầu trước khi vào buồng tử cung và cũng là nơi khá dễ bị sang chấn do thủ thuật, nhất là trong quá trình chuyển dạ sinh con qua ngã âm đạo. Theo đó, rách cổ tử cung cần phải can thiệp xử trí ngay sau khi chuyển dạ kết thúc nhằm ngăn chặn các biến chứng cũng như hạn chế dự hậu về sau.
1. Rách cổ tử cung là gì?
Tử cung là cơ quan tạo thành bởi các lớp cơ trơn dầy, là nơi làm tổ của trứng đã thụ tinh và phát triển cho tới khi thai trưởng thành. Tử cung có dạng hình nón cụt, đáy rộng ở trên và chóp nhỏ quay xuống dưới, gồm có ba phần: thân tử cung, eo tử cung và cổ tử cung.
Cổ tử cung bình thường dài từ 2 đến 3cm, rộng 2cm. Lúc chưa sinh, cổ tử cung và lỗ ngoài tròn đều, mật độ chắc. Sau khi sinh một lần, cổ tử cung dẹt lại, lỗ ngoài hơi rộng ra, không còn tròn như lúc chưa sinh và mật độ mềm hơn. Khi sinh càng nhiều lần, lỗ ngoài cổ tử cung sẽ càng rộng ra theo chiều ngang.
Trong quá trình chuyển dạ, dưới tác động của các cơn co tử cung, cổ tử cung từ dạng hình trụ trở thành một phiến mỏng. Đó là hiện tượng xóa cổ tử cung và sẽ kết hợp với hiện tượng mở cổ tử cung, thành lập đoạn dưới tử cung, tạo điều kiện cho thai dễ tống xuất ra ngoài. Lúc này, vì bất kỳ một lý do nào khiến phần đáy chậu giãn nở quá mức hay có sự can thiệp thủ thuật trong lúc đỡ sinh sẽ rất dễ dẫn đến biến chứng rách cổ tử cung.
Rách cổ tử cung có thể chỉ là một thương tổn đơn độc hoặc có khi kèm theo với rách âm đạo và tầng sinh môn. Bên cạnh đó, phân loại rách cổ tử cung còn tùy theo vị trí rách trên mặt phẳng tròn đi qua cổ tử cung hoặc vị trí cao hay thấp đối với chỗ bám với ống âm đạo. Nếu vị trí rách cổ tử cung nằm ở dưới hoặc trên chỗ bám với thành âm đạo, mức độ tổn thương thường nhẹ, chảy máu ít. Ngược lại, nếu vị trí rách nằm ngay trên cổ tử cung, mức độ tổn thương thường nặng, chảy máu nhiều, đôi khi còn dẫn đến choáng giảm thể tích và ảnh hưởng tính mạng.
2. Các nguyên nhân của rách cổ tử cung
Các bất thường về giải phẫu và bất tương hợp trong sinh lý chuyển dạ là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ rách cổ tử cung. Trong đó, kích thước đầu thai nhi quá lớn làm chèn ép vào cổ tử cung, sản phụ rặn quá sớm khi cổ tử cung chưa mở hết, chuyển dạ kéo dài quá lâu, thăm khám nhiều lần... sẽ khiến cho cổ tử cung trở nên mềm yếu và rất dễ bị tổn thương, nứt toát dù lực tác động không quá nặng nề.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại dụng cụ nhằm hỗ trợ chuyển dạ như dùng giác hút, kẹp gắp giúp mau chóng đưa đầu thai nhi ra ngoài cũng khó tránh khỏi các sang chấn vào cổ tử cung.
Ngoài ra, một cuộc chuyển dạ sinh thường theo ngã âm đạo sẽ có tiên lượng nguy cơ cao xảy ra rách cổ tử cung khi người phụ nữ đã từng có tiền căn bệnh lý trên cổ tử cung, ví dụ viêm nhiễm, xơ cứng cổ tử cung do sẹo cũ, rách cũ, mổ cắt cụt hay từng can thiệp đốt điện trên cổ tử cung nhiều lần.
3. Chẩn đoán rách cổ tử cung như thế nào?
Sau chuyển dạ sinh thường, cơn đau do các cơ gò tử cung và tinh thần tập trung cao độ kèm với tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ, tê tủy sống khiến cho người bệnh hầu như không cảm giác gì về phần phụ bên dưới. Theo đó, rách cổ tử cung chỉ nhận biết được nhờ vào dấu hiệu chảy máu liên tục sau chuyển dạ. Lượng máu chảy ra ít hay nhiều còn tùy theo thương tổn rách, vị trí, độ sâu và mối liên quan với các tạng xung quanh. Lúc này, tình trạng rách cổ tử cung cần phân biệt với băng huyết là dù máu vẫn còn chảy ra liên tục nhưng tử cung vẫn co hồi tốt, sờ thấy khối gò vùng hạ vị.
Tuy nhiên, để xác định chắc chắn, bác sĩ cần thăm khám bằng cách dùng mỏ vịt, bộc lộ toàn bộ các thành âm đạo và cổ tử cung. Đồng thời, dùng kẹp hình tim gắp từng phần cổ tử cung xoay quanh bốn cùng đồ theo các hướng để phát hiện tổn thương giữa hai kẹp. Cầm máu tại chỗ để quan sát, đánh giá rõ đặc điểm vết rách để có hướng xử trí kịp thời hiệu quả.
Nếu quan sát thấy có vết rách đang chảy máu hoặc máu đã ngừng diễn tiến, người bệnh cần gây tê và can thiệp tại chỗ bằng cách khâu lại bằng chỉ khâu tự tiêu. Để thực hiện điều này, cần có một bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm và một đến hai nữ hộ sinh phụ đưa dụng cụ cũng như hỗ trợ tổng trạng cho sản phụ. Nếu máu chảy nhiều do rách cổ tử cung phức tạp kèm các bộ phận liên quan, sản phụ có dấu hiệu của choáng giảm thể tích, choáng mất máu thì ưu tiên hồi sức chống sốc, bù dịch đẳng trương, bù máu trước; sau đó, thủ thuật có thể can thiệp thực hiện tại phòng mổ với đầy đủ phương tiện theo dõi, gây mê – hồi sức.
Sau khi can thiệp, sản phụ cần được tiếp tục theo dõi tình trạng chảy máu âm đạo và sinh hiệu tại phòng lưu khoa sinh hoặc phòng hồi sức cho đến khi các chỉ số ổn định. Nếu còn chảy máu, bác sĩ cần phải thám sát lại và đôi khi cần phải khâu lại. Theo dõi thể tích máu mất, xét nghiệm số lượng hồng cầu, nồng độ hemoglobin và nếu cần thiết thì phải truyền máu. Ngoài ra, do các nguy cơ lây nhiễm trong quá trình can thiệp thủ thuật, sản phụ cần được chỉ định kháng sinh phổ rộng đường toàn thân trong 5 ngày và hướng dẫn cách theo dõi dịch âm đạo sau khi ra viện.
Tóm lại, rách cổ tử cung là một biến chứng sau sinh thường, nhất là trên cổ tử cung đã từng can thiệp. Khi đó, khâu rách cổ tử cung cần tiến hành sớm, giảm thiểu đau đớn và mất máu cho sản phụ. Tuy nhiên, hơn hết vẫn là dự phòng tránh để xảy ra rách cổ tử cung, hướng dẫn sinh thường khi thỏa các điều kiện và nhất là khả năng, kinh nghiệm theo dõi sản phụ sau đó nhằm đảm bảo cuộc chuyển dạ an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.