Những người mắc bệnh tim là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng bởi độ cao, nhất là khi trên máy bay, đi leo núi, đi khinh khí cầu. Độ cao làm tăng cung lượng tim, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở và sức co bóp của tim, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch nếu không chuẩn bị biện pháp đối phó.
1. Không khí loãng ở độ cao bao nhiêu?
Càng lên cao, không khí càng loãng, mật độ oxy càng thấp. Do đó, hệ tim mạch phải làm việc nhiều hơn để có thể đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ thể.
Đối với các tòa nhà cao tầng, trung bình từ tầng thứ 10 trở đi, không khí sẽ bắt đầu loãng dần. Tuy nhiên, sự thích nghi của cơ thể do ảnh hưởng của độ cao chỉ bắt đầu xuất hiện khi ở độ cao trên 1500m so với mực nước biển. Thông thường đối với người khỏe mạnh, khi lên cao trong 6 đến 8 giờ đầu (như khi leo núi) sẽ nhận thấy những dấu hiệu thích nghi của hệ tim mạch. Theo đó, do nồng độ oxy trong không khí giảm nên cơ thể phải bù lại bằng cách tăng nhẹ cung lượng tim và cung lượng thở để có thể đảm bảo duy trì khả năng cung cấp oxy cho các cơ quan sống. Bên cạnh đó, các tế bào cơ tim cũng tăng khả năng sử dụng oxy bằng nhiều cơ chế khác nhau. Đây chính là yếu tố rất quan trọng cần đặc biệt chú ý đối với những đối tượng mắc bệnh tim mạch.
Những người được sinh ra và lớn lên ở độ cao trên 5000m (ở các vùng núi cao), do sự thích nghi từ nhỏ đối với nồng độ loãng của không khí nên kích thước đường kính lồng ngực lớn hơn so với những người sống ở vùng đồng bằng. Đồng thời, thất phải cũng phát triển hơn, giúp cơ thể có khả năng đáp ứng và duy trì mức áp lực động mạch phổi cao.
2. Ảnh hưởng của độ cao đối với bệnh tim mạch
Khi lên đến độ cao trên 1500m so với mực nước biển, cơ thể bắt đầu có biểu hiện thích nghi để đáp ứng nhu cầu oxy bằng cách tăng hoạt động của hệ tim mạch Vì vậy, ảnh hưởng của độ cao vô tình gây hại cho những người mắc bệnh tim, nguy cơ dẫn đến những biến cố tim mạch nguy hiểm.
2.1. Thay đổi chức năng sinh lý tim mạch
- Độ cao có liên quan đến hiện tượng giảm dần áp suất khí quyển, nhiệt độ không khí và độ ẩm. Giảm áp suất khí quyển dẫn đến tình trạng loãng oxy trong không khí, gây ra thiếu oxy trong mô. Cơ thể con người phải thích nghi bằng nhiều phản ứng sinh lý khác nhau để giúp duy trì nồng độ oxy mô, tăng thông khí phế nang, cung lượng tim, kích thước hồng cầu, khả năng mang oxy của tế bào hồng cầu và các phản ứng chuyển hóa khác ở cấp độ vi mô tế bào
- Ảnh hưởng của độ cao làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim (cả khi nghỉ ngơi) và thông khí phút (là thể tích khí hô hấp trong một phút)
- Thiếu oxy phế nang và giảm oxy máu động mạch gây ra co mạch tuần hoàn phổi, tăng sức cản mạch máu phổi và áp lực động mạch phổi
- Thích nghi với độ cao dẫn đến giảm thể tích thất trái trong cả kỳ tâm trương và tâm thu
2.2. Suy tim
Những bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thận mãn tính, thiếu máu cơ tim, thiếu máu và huyết khối sẽ dễ dẫn đến suy tim do ảnh hưởng của độ cao.
2.3. Bệnh tim thiếu máu cục bộ
Khi bị thiếu oxy do ảnh hưởng của độ cao, tim thích nghi bằng cách tăng nhịp tim, mức độ tăng tỷ lệ thuận với độ cao. Khi nhịp tim tăng lên, nhu cầu oxy của tế bào cơ tim cũng tăng theo. Chính vì vậy, đối với những bệnh nhân bị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, tình trạng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn, cần phải hết sức thận trọng và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
2.4. Tăng huyết áp
Bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp rất dễ bị ảnh hưởng bởi độ cao. Hơn nữa, tác dụng của một số nhóm thuốc trị tăng huyết áp có thể bị thay đổi khi bệnh nhân lên cao.
2.5. Rối loạn nhịp tim
Những người đi máy bay, leo núi có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim do sự gia tăng hoạt động giao cảm bởi độ cao, giảm SaO2 (độ bão hòa oxy trong máu động mạch), tăng hoạt động của tâm thất phải và thay đổi nồng độ kali ở màng tế bào.
2.6. Tăng huyết áp phổi
Dưới tác dụng sinh lý của tình trạng thiếu oxy, việc sử dụng oxy bổ sung nên được xem xét trong những chuyến bay hoặc những hoạt động ở độ cao từ 1500m trở lên ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp phổi độ III, IV và đối với những người có PaO2 luôn dao động ở mức thấp hơn 60 mmHg.
2.7. Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh có nguy cơ bị thiếu oxy nặng hơn so với người khỏe mạnh, vì sự gia tăng sức cản mạch máu phổi do ảnh hưởng của độ cao có thể làm xấu đi tình trạng của các shunt. Tuy nhiên, nếu chỉ hàm lượng oxy trong máu giảm thì không nguy hiểm vì cung lượng tim và hematocrit máu sẽ tăng đủ để duy trì khả năng cung cấp oxy cho toàn bộ cơ thể.
2.8. Các bệnh lý về mạch máu não
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Độ cao có nguy cơ dẫn đến bệnh lý thiếu máu não ở bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng thiếu oxy và do tình trạng giảm phản ứng của mạch máu não
- Đột quỵ do xuất huyết: Tăng huyết áp động mạch do ảnh hưởng của độ cao làm tăng nguy cơ phình và vỡ động mạch não, dị dạng tĩnh mạch và động mạch, đồng thời tăng nguy cơ bị xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp
3. Làm thế nào để tránh những ảnh hưởng của độ cao?
Mặc dù các hoạt động du lịch liên quan đến độ cao (như leo núi, thám hiểm trên cao bằng khinh khí cầu,...) có thể ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tim mạch, nhưng những lời khuyên sau đây sẽ giúp bệnh nhân có một chuyến đi an toàn hơn:
- Chỉ nên thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng khi ở độ cao trên 1500m để tránh gây thêm áp lực cho tim
- Bệnh nhân suy tim không nên di chuyển quá 500m mỗi ngày khi ở những nơi quá cao, vì sự thay đổi đột ngột về độ cao có thể làm nặng thêm các triệu chứng tim mạch
- Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nặng, như có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tăng huyết áp chưa kiểm soát tốt, đặt stent mạch vành không nên tham gia vào các hoạt động thể thao liên quan đến độ cao như leo núi, nhảy dù,...
- Kiểm tra và trao đổi về tác dụng của các loại thuốc tim mạch đang sử dụng với nhân viên y tế trước khi đi du lịch và đảm bảo mang theo và dùng đầy đủ tất cả các loại thuốc theo chỉ định trong chuyến đi
Ảnh hưởng của độ cao đến sức khỏe tim mạch thường không quá nguy hiểm. Hầu hết những người mắc bệnh tim có thể đi du lịch an toàn đến những vùng cao nếu đảm bảo thực hiện những biện pháp chuẩn bị an toàn trước khi đi và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Người bệnh tim nói riêng và nhóm người có nguy cơ mắc bệnh tim nói chung nên khám sàng lọc tim mạch tại các trung tâm y tế để đánh giá chính xác nhất tình trạng sức khỏe tim mạch của mình. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai Gói sàng lọc tim mạch - Khám tim mạch cơ bản, với những ưu điểm vượt trội sau:
- Đội ngũ y - bác sỹ là các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, tận tụy và hết lòng vì lợi ích của bệnh nhân
- Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp
- Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả
- Không gian khám chữa bệnh hiện đại, văn minh, sang trọng và tiệt trùng tối đa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: acc.org; cardiosmart.org