Ngày 13/10, ThS Bùi Tuyết Minh (Thành viên Hiệp hội Múa trị liệu Hoa Kỳ) và Ths. Phùng Ngọc Hà (cô giáo trị liệu âm nhạc tại Bệnh viện Vinmec) đã cùng các phụ huynh có con tự kỷ cùng trải nghiệm trị liệu với âm nhạc và múa. Chương trình đã giúp các bậc cha mẹ biết cách giải tỏa căng thẳng để cân bằng và làm chủ cảm xúc trước khi hỗ trợ con .
Đây là chương trình đồng hành cùng cha mẹ trẻ tự kỷ với chủ đề “Chạm và kết nối” của Đơn nguyên Kỹ thuật cao điều trị tự kỷ bại não , Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City nhằm giúp cha mẹ có thể cảm nhận và hiểu được cơ chế tác động và hiệu quả của các loại hình nghệ thuật âm nhạc và múa với trẻ.
Trẻ tự kỷ khó khăn trong tương tác xã hội, cảm nhận và thể hiện cảm xúc của bản thân. Bên cạnh đó còn gặp vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp. Vậy làm thế nào để hiểu và bước vào thế giới của trẻ?
“Cha mẹ là bác sĩ và cô giáo tốt nhất cho trẻ tự kỷ” – các chuyên gia về trẻ tự kỷ đã khẳng định như vậy. Bởi ngoài những giờ học trên lớp, những người gần gũi con nhất là cha mẹ sẽ giúp con tiến bộ, nếu như được đào tạo và hướng dẫn bài bản.
Thông qua múa/ chuyển động, ThS Bùi Tuyết Minh đã tổ chức các hoạt động để phụ huynh cùng trải nghiệm:
- Lần lượt từng người giới thiệu tên của mình và tất cả những người còn lại bắt chước theo
- Đi vòng quanh và giao tiếp mắt với người bất kỳ
- Di chuyển tốc độ chậm - nhanh theo hiệu lệnh
- Hoạt động soi gương
- Chuyển đông cùng dải lụa, ...
Thông qua các hoạt động này, mọi người cảm nhận được từng nhịp thở, từng chuyển động của các bộ phận trên cơ thể, những thay đổi của cảm xúc để hiểu được bản thân mình, của người khác và quan trọng nhất đó là hiểu được con mình - trẻ tự kỷ để có tương tác phù hợp.
Hoạt động giao tiếp với nhau qua ánh mắt.
Âm nhạc trị liệu – Món quà dành cho tất cả chúng ta
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con mình không thể học được âm nhạc, càng chẳng bao giờ nghĩ con mình có thể đọc hay chơi được một bản nhạc. Tuy nhiên, Ths. Phùng Ngọc Hà đã giúp cho phụ huynh thấy được những điều tưởng chừng như không thể thành có thể. Cô đã cung cấp cho phụ huynh những kiến thức và phương pháp cơ bản về trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ.
Để có được kết quả đó thì nhà trị liệu và phụ huynh phải thực sự hiểu trẻ, kiên trì bền bỉ, giúp trẻ cảm nhận cảm xúc thông qua âm thanh để từ đó trẻ có thể chia sẻ thông điệp của chính mình bằng những giai điệu đầy màu sắc. Đó là cả một hành trình với sự nỗ lực không ngừng mà nhiều khi chính cô cũng phải rơi nước mắt khi thấy được những tiến bộ của con và lắng nghe những tâm tư tình cảm của cha mẹ - Th.s Phùng Ngọc Hà chia sẻ.
(Cô Hà hướng dẫn phụ huynh đọc 1 bản nhạc theo phương pháp trị liệu âm nhạc)
Mặc dù thời gian tuy ngắn ngủi nhưng nhiên chương trình đồng hành cùng cha mẹ với chủ đề “Chạm và kết nối” đã thực sự mang lại những kiến thức bổ ích cho phụ huynh và những phút giây lắng đọng sâu sắc trong lòng!
1. ThS Bùi Tuyết Minh tốt nghiệp chuyên ngành múa/chuyển động trị liệu tại Sarah Lawerence College, New York (Mỹ). Chị là thành viên của Hiệp hội Múa trị liệu Hoa Kỳ ( ADTA.org ) và là người tiên phong phát triển múa/chuyển động trị liệu về Việt Nam từ năm 2015. Chị đã và đang tổ chức và dẫn dắt rất nhiều dự án về sử dụng nghệ thuật hỗ trợ nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ tự kỷ và người già bị mất trí nhớ tại Việt Nam và Mỹ.
2. Ths. Phùng Ngọc Hà tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô là người tiên phong xây dựng nền móng trong việc sử dụng âm nhạc để trị liệu cho trẻ tự kỷ từ năm 2012 tại Việt Nam. ThS.Hà đã và đang tổ chức nhiều hội thảo, khóa học hướng dẫn phụ huynh và giáo viên sử dụng âm nhạc giúp trẻ tự kỷ giải tỏa căng thẳng và kết nối với mọi người thông qua thế giới âm thanh.