Ai không nên xông hơi trị cảm cúm?

Xông hơi trị cảm là một biện pháp được sử dụng từ lâu đời trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh cảm cúm. Tuy đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết khi nào nên và không nên xông hơi trị cảm.

1. Xông hơi trị cảm có tác dụng gì?

Thời tiết lạnh là một điều kiện thuận lợi cho virus phát triển gây ra các bệnh lý như cảm cúm và cảm lạnh. Khi nhiễm virus, xông hơi là một biện pháp được áp dụng để giảm bớt các triệu chứng cũng như sự khó chịu cho người bệnh. Một số tác dụng của xông hơi có thể kể đến như:

  • Hơi nóng bốc lên từ nồi xông giúp làm giãn nở mạch máu ngoại vi, kích thích lưu thông khí huyết và kích thích tuyến mồ hôi đào thải các chất độc trong cơ thể. Theo đông y các tà khí gây bệnh như hàn, thấp, phong tà có thể được đưa ra ngoài thông qua mồ hôi, từ đó giúp trị cảm.
  • Xông hơi khi bị cảm cúm thường sử dụng một số loại thảo dược có tinh dầu như sả, hương nhu, húng quế, cúc tần, đại bi, bạc hà, tía tô, kinh giới... các loại tinh dầu nói chung đều có tác dụng tiêu diệt một số loại vi sinh vật gây bệnh, giúp thư giãn cơ thể.
  • Những loại lá khi chúng ta sử dụng lại có những công hiệu khác nhau như: Sả kích thích tiêu hóa, sát khuẩn, trừ đờm; Bạc hà sát khuẩn vùng hầu họng, chống viêm, thông mũi họng, giảm đau đầu; Tía tô, kinh giới có công dụng khu phong tán hàn, chống viêm; Hương nhu có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, hành khí, giảm đau, trừ thấp, giảm nhức đầu; Đại bi có tác dụng sát khuẩn, tiêu đờm, trị ho...

Xông hơi khi bị cảm cúm thường sử dụng một số loại thảo dược có tinh dầu như sả, hương nhu, húng quế...
Xông hơi khi bị cảm cúm thường sử dụng một số loại thảo dược có tinh dầu như sả, hương nhu, húng quế...

2. Cách xông hơi tại nhà trị cảm

Chúng ta có thể xông hơi tại nhà trị cảm theo các bước sau:

  • Đầu tiên, chuẩn bị một số loại lá có sẵn và tùy theo triệu chứng để chọn lá phù hợp, có thể chọn các thảo dược như sả, tía tô, hương nhu, bạc hà, cúc tần, ngải cứu... mỗi loại 1 nắm to. Rửa sạch cho lá vào nồi trừ bạc hà, rồi đổ sâm sấp nước.
  • Tiếp theo, đun sôi khoảng 5-10 phút rồi mới cho bạc hà vào đun sôi lại thì tắt bếp. Bạc hà có nhiều tinh dầu nếu đun lâu sẽ mất hết tinh dầu.
  • Chọn nơi kín gió, chuẩn bị một chăn mỏng trước đó. Cởi bỏ quần áo rồi chùm chăn kín đầu, mở nồi xông từ từ để cơ thể có thể thích nghi với môi trường nóng. Xông khoảng 5-10 phút có thể bỏ chăn ra để thích nghi nhiệt độ hoặc khi cảm thấy nóng quá nên bỏ bớt chăn để tránh tăng nhiệt cao quá. Tiếp tục xông tới khi thấy ra mồ hôi và thấy thoải mái thì nên dừng.
  • Lau khô người, mặc quần áo và uống nước xông để nguội hay nước ấm để tránh mất nước. Nằm nghỉ ngơi sau khi xông.

>>> Xem thêm: Thuốc Tamiflu có tác dụng gì?

3. Ai không nên xông hơi trị cảm?

Tuy việc xông hơi trị cảm không phải phương pháp gì xa lạ với chúng ta, nhưng vẫn cần lưu ý một số đối tượng không nên xông hơi như:

  • Những người đang bị sốt cao, đang bị ra nhiều mồ hôi hay bị tiêu chảy gây mất nước, người bị mất máu thì không nên xông. Việc xông vô tình làm cho tình trạng tồi tệ hơn, gây mất nước, tụt huyết áp.
  • Người bị huyết áp cao hay huyết áp dao động, mắc cách bệnh lý tim mạch, giảm cảm giác nóng lạnh, người suy nhược, già yếu, mới ốm dậy không nên xông.
  • Phụ nữ đang mang thai, đang trong kỳ kinh nguyệt.
  • Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi.
  • Người có bệnh lý về tâm thần hoặc bệnh ngoài da nặng cũng không nên xông.
  • Không xông cho những người bị cảm do nắng, đang bị mệt lả hay buồn nôn.

Xông hơi trị cảm không phải phương pháp gì xa lạ
Xông hơi trị cảm không phải phương pháp gì xa lạ

4. Những lưu ý khi xông hơi trị cảm

Để việc xông hơi trị cảm đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cần tránh những tác dụng không mong muốn sau đây:

  • Chỉ nên lau khô người sau khi xông hơi, không tắm ngay sau khi xông hơi vì lỗ chân lông đang mở khi gặp lạnh sẽ đóng lại, không thoát mồ hôi và tà khí ra ngoài nên sẽ làm giảm tác dụng của việc xông. Nên tắm rửa hay làm sạch cơ thể trước khi xông.
  • Cách nấu nồi xông giải cảm tương đối đơn giản, tuy nhiên do nhiệt từ hơi nước có thể gây bỏng do đó chỉ nên để nhiệt độ xông hơi cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 7-8 độ C, chú ý trong quá trình xông không để hơi nóng quá gần da gây bỏng và không được xông quá 30 phút.
  • Do khi xông cơ thể sẽ bị mất nước nên cần uống bù nước ấm sau khi xông, chú ý không uống nước lạnh vì gây mất cân bằng nhiệt trong cơ thể.
  • Trong quá trình xông, nếu cảm thấy khó thở, choáng váng, bủn rủn... cần ngừng xông ngay. Uống nước ấm và nằm nghỉ để theo dõi tiếp, nếu tình trạng nặng lên mà không cải thiện sau khi nghỉ cần phải đưa tới bệnh viện.
  • Xông hơi trị cảm được áp dụng khi người bệnh nhiễm các loại virus thông thường và có thể hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, cũng không nên xông quá nhiều lần vì gây mất nước và điện giải không tốt. Nếu các biểu hiện bệnh không giảm mà nặng lên thì người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám đầy đủ, tìm nguyên nhân gây bệnh.

Tóm lại, xông hơi trị cảm là một biện pháp được sử dụng từ lâu đời trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh cảm cúm. Để tránh việc xông hơi gây ảnh hưởng tới cơ thể thì không nên làm dụng và phải thực hiện đúng cách, luôn có người hỗ trợ khi xông để xử lý kịp thời nếu có biểu hiện bất thường xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe