Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Viêm gan B là bệnh do virus viêm gan B gây ra. Bệnh có thể để lại biến chứng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vắc xin. Vậy đối tượng nào cần trì hoãn việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B?
1. Bệnh viêm gan B là căn bệnh như thế nào?
Viêm gan B là bệnh do virus viêm gan B tấn công gan, gây nhiễm trùng và gây viêm gan từ cấp tính đến mãn tính. Bệnh lây truyền qua đường máu và các chất dịch khác từ cơ thể người bị nhiễm bệnh. Đường lây truyền viêm gan B chính ở Việt Nam là lây từ mẹ sang con, lây qua đường tình dục, qua tiêm chích khi các dụng cụ y tế bị nhiễm virus viêm gan B.... Khả năng lây nhiễm viêm gan B so với bệnh HIV là cao hơn từ 50 đến 100 lần.
Tại Việt Nam tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B được đánh giá là một trong các nước cao nhất thế giới và tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh hiện nay.
2. Vắc-xin viêm gan B là gì?
Vắc xin phòng viêm gan B giúp ngăn ngừa virus gây bệnh viêm gan B và các tác nhân gây xơ gan, ung thư gan. Vắc xin phòng viêm gan B được khuyến cáo sử dụng cho mọi đối tượng có nguy cơ tiếp xúc với virus viêm gan B. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng rộng rãi vắc xin này cũng góp phần kiểm soát tình trạng lây lan bệnh viêm gan B trong cộng đồng. Khi bệnh viêm gan B không tăng thì đồng nghĩa tỉ lệ viêm gan D cũng không tăng và được kiểm soát do viêm gan D không thể xảy ra nếu không bị nhiễm viêm gan B.
3. Chỉ định tiêm phòng vắc-xin viêm gan B
Vắc xin viêm gan B được chỉ định cho những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:
- Nhóm người có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
- Nhân viên làm việc trong nghề y như: Bác sĩ, nha sĩ, y tá, hộ lý, kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên hay tiếp xúc với máu và bệnh phẩm.
- Nhân viên hoặc những người trong trại dưỡng lão.
- Người đến vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm.
- Người có nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
- Công an, bộ đội, những người có nguy cơ phơi nhiễm virus trong ngành nghề của họ.
- Gia đình tiền sử virus viêm gan B, đặc biệt là trẻ nhỏ có mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (+).
- Những bệnh nhân nhận truyền máu hoặc chế phẩm từ máu bị nhiễm virus viêm gan B.
- Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
- Bệnh nhân đang chạy thận.
- Bệnh nhân ghép tạng.
4. Ai cần trì hoãn việc tiêm vắc- xin viêm gan B?
Người dị ứng bất kỳ thành phần nào của vắc xin, đặc biệt những trường hợp có biểu hiện mẫn cảm với vắc xin phòng viêm gan B ở lần tiêm trước đều được chống chỉ định tiêm phòng. Ngoài ra, vắc xin này cũng chống chỉ định với người đang điều trị các bệnh bẩm sinh như tim mạch, bệnh thận, bệnh gan, bệnh đái tháo đường hoặc người có cơ thể suy yếu, bệnh cấp tính...
Vắc xin phòng viêm gan B không được khuyến khích tiêm cho bà bầu, tuy nhiên đối với thai phụ có nguy cơ cao thì có thể tiêm được. Tất cả các vắc - xin chứa virus bất hoạt đều không tìm thấy tác hại đối với thai nhi. Tuy nhiên, chỉ tiêm vắc - xin ngừa viêm gan B khi thật sự cần thiết và mang lại lợi ích vượt trội so với nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi. Người mẹ đang cho con bú thì không được tiêm vắc xin phòng viêm gan B.
Cũng như những vắc xin khác, tiêm vắc xin viêm gan B cần trì hoãn đối với những đối tượng đang bị bệnh cấp tính. Đối với những bệnh nhân đã bị nhiễm virus mà không biết, có thể thời kỳ ủ bệnh của viêm gan B đã diễn ra trong một thời gian dài nên việc tiêm vắc - xin viêm gan B có thể không ngăn ngừa được lây nhiễm viêm gan B.
Các yếu tố như độ tuổi, nam giới, béo phì, hút thuốc có liên quan đến đáp ứng miễn dịch đối với các vắc xin viêm gan B, vì thế cần cân nhắc liều tiêm bổ sung ở những đối tượng này.
Đối với các bệnh nhân bị bệnh xơ cứng, các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn do hệ miễn dịch bị kích thích, vì vậy cần cân nhắc giữa lợi ích của việc tiêm chủng ngừa viêm gan B với nguy cơ làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh xơ cứng rải rác.
5. Lịch tiêm phòng vắc xin viêm gan B
Để việc tiêm chủng vắc xin đạt hiệu quả tốt cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Với mỗi đối tượng khác nhau, độ tuổi khác nhau thì liều vắc xin và thời gian tiêm là hoàn toàn khác nhau.
5.1. Trẻ sơ sinh
Trước khi tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, các bác sĩ cần kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ. Nếu người mẹ không bị mắc bệnh viêm gan B thì trẻ nên được tiêm trong 24 giờ đầu sau khi sinh, đây được gọi là liều sơ sinh. Với trẻ nhỏ, mũi thứ 2 được nhắc lại khi bé tròn 2 tháng. Hiện nay, vắc xin phòng viêm gan B có trong mũi vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1 được tiêm vào tháng thứ 2, 3, 4 theo lịch tiêm chủng mở rộng.
Nếu người mẹ đang mắc bệnh viêm gan B, trong vòng 24 giờ sau sinh, trẻ cần được tiến hành tiêm huyết thanh kháng viêm gan B. Người mẹ cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh, bởi vì bệnh viêm gan B sẽ lây nhiễm từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ.
5.2. Đối với người lớn
Đối với người lớn, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm kháng thể kháng viêm gan B (Anti-HBs hay HBsAb) trước khi tiêm. Nếu kết quả kháng thể HBsAb < 10 UI/ml thì sẽ chỉ định tiêm phòng.
Phác đồ thường được khuyến cáo tiêm 03 mũi : Mũi 0, 1, 6 sau mũi đầu tiên.
6. Đã tiêm phòng viêm gan B rồi có bị lây bệnh nữa không?
Tuy việc tiêm phòng vắc xin đem lại hiệu quả cao trong phòng bệnh nhưng cơ thể không thể đạt 100% miễn dịch. Vẫn có khoảng 2,5-5% người đã tiêm phòng vắc xin vẫn bị mắc viêm gan B. Lý do thường gặp là suy giảm hiệu quả vắc xin vì không tuân thủ đúng phác đồ tiêm, cơ thể suy yếu miễn dịch, kháng thể giảm do không tiêm nhắc lại nhiều năm, chất lượng vắc xin giảm do bảo quản không đúng cách hoặc hết hạn, quy trình tiêm chủng không đúng.
Vì vậy, ngoài việc tuân thủ phác đồ tiêm, lựa chọn vắc xin phù hợp, chúng ta cũng nên lưu ý lựa chọn những cơ sở tiêm chủng uy tín, an toàn, tuân theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế để việc tiêm chủng vắc xin phòng viêm gan B đạt hiệu quả cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.