Acriptega là thuốc gì? Các tác dụng phụ

Hiện nay sự phát triển của các hoạt chất điều trị nhiễm HIV tạo ra kỳ vọng sống lâu dài cho người bệnh. Bên cạnh đó xu hướng hiện nay là sử dụng các sản phẩm kết hợp nhiều hoạt chất như thuốc Agriptera. Vậy Agriptera là thuốc gì và sử dụng như thế nào?

1. Acriptega là thuốc gì?

Thành phần Acriptega bao gồm 3 hoạt chất là Dolutegravir, Lamivudine, Tenofovir với hàm lượng như sau:

  • Dolutegravir: 50mg;
  • Lamivudine: 300mg;
  • Tenofovir disoproxil: 300mg.

Hoạt chất Lamivudine trong thuốc Agriptera có khả năng hấp thu nhanh chóng sau khi uống với mức sinh khả dụng khoảng 80 - 85%. Lamivudine thải trừ chủ yếu ở dạng không thay đổi qua thận và thời gian bán thải giao động từ 5 đến 7 giờ.

Tenofovir disoproxil fumarate có thể hấp thu nhanh và sau đó chuyển hóa thành Tenofovir. Mức sinh khả dụng đạt khoảng 25% khi uống lúc bụng đói, tăng lên khi dùng kèm một bữa ăn nhiều chất béo. Tenofovir trong Agriptera thải trừ chủ yếu thông qua thận, cả bằng cơ chế lọc cầu thận và hệ thống vận chuyển ống thận với khoảng 70 - 80% liều thải trừ dạng không thay đổi trong nước tiểu.

Dolutegravir cho khả năng hấp thu nhanh sau khi uống, Tmax trung bình khoảng 2-3 giờ. Thức ăn là yếu tố làm tăng mức độ nhưng làm chậm tốc độ hấp thu của Dolutegravir. Do đó, thuốc Agriptera khuyến cáo uống cùng với thức ăn trên bệnh nhân HIV kháng integrase. Thuốc chuyển hoá thông qua quá trình liên kết glucuronide và một phần nhỏ qua hệ thống CYP3A4. Dạng không thay đổi Dolutegravir thải trừ qua thận rất thấp (<1% liều), đa phần (khoảng 53% liều uống) được thải trừ ở dạng không thay đổi qua phân.

2. Công dụng của thuốc Acriptega

Thuốc Acriptega được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị nhiễm HIV-1 ở người trưởng thành và thanh thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên và cân nặng trên 40kg) với khả năng ức chế virus tới nồng độ HIV1 RNA < 50 bản sao/ml theo phác đồ kết hợp kháng retrovirus hiện nay trong thời gian ít nhất 3 tháng;
  • Bệnh nhân không thất bại về virus học trên phác đồ kháng retrovirus trước đó.

Lamivudine là một chất tương tự dideoxynucleoside còn Tenofovir disoproxil fumarate sau khi vào cơ thể chuyển hóa thành Tenofovir là một chất tương tự Nucleoside Monophosphate. Lamivudine và Tenofovir được phosphoryl hóa thông qua các enzyme tế bào để tạo thành Lamivudine triphosphate và tenofovir diphosphate. Hai hoạt chất này ức chế cạnh tranh với quá trình phiên mã ngược của virus HIV-1, từ đó kết thúc DNA. Do đó, 2 hoạt chất trong thuốc Agriptera có tác dụng chống virus HIV1 và HIV2, bên cạnh khả năng chống lại virus viêm gan B.

Hoạt chất còn lại trong thuốc Agriptera là Dolutegravir có tác dụng ức chế integrase của HIV thông qua cơ chế liên kết với vị trí hoạt động Integrase và ức chế bước chuyển của quá trình tích hợp Deoxyribonucleic acid retrovirus (DNA).

3. Acriptega cách dùng như thế nào?

Agriptera nên được chỉ định bởi một bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị nhiễm HIV-1. Khi sử dụng, người bệnh cần nuốt toàn bộ viên nén Agriptera với lượng nước vừa đủ.

Liều lượng của Agriptera:

  • Người trưởng thành và thanh thiếu niên (từ 12 tuổi, cân nặng ≥ 40kg): Liều khuyến là 1 viên nén Agriptera 50/300/300, 1 lần duy nhất mỗi ngày;
  • Agriptera không khuyến cáo sử dụng ở người bệnh có cân nặng dưới 40kg vì Agriptera được bào chế dạng kết hợp với liều cố định nên không thể giảm liều;
  • Agriptera là viên kết hợp liều cố định, do đó không thích hợp chỉ định cho người nhiễm HIV cần điều chỉnh liều dùng. Các chế phẩm đơn chất của Lamivudine, Tenofovir disoproxil fumarate và Dolutegravir hiện luôn có sẵn sẽ thích hợp hơn khi chỉ định cho những trường hợp cần dừng hoặc điều chỉnh liều của 1 trong các hoạt chất của Agriptera.

4. Acriptega tác dụng phụ là gì?

Trong quá trình sử dụng thuốc Agriptera, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn (ADR). Trong đó những ADR rất thường gặp bao gồm:

  • Rối loạn huyết học như giảm số lượng bạch cầu trung tính, thiếu máu (đôi khi rất nặng) hay giảm tiểu cầu;
  • Giảm nồng độ phosphat máu;
  • Chóng mặt, đau đầu và mất ngủ;
  • Ho hay triệu chứng ở mũi;
  • Rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi;
  • Da phát ban hoặc rụng tóc;
  • Đau khớp hay rối loạn chức năng cơ bắp;
  • Biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, khó chịu, sốt.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Agriptera:

  • Bất sản hồng cầu đơn thuần;
  • Nhiễm toan lactic;
  • Bệnh thần kinh ngoại vi;
  • Khó thở;
  • Viêm tụy, tăng amylase huyết thanh hay viêm gan;
  • Suy thận cấp, bệnh lý ống thận gần, tăng creatinin huyết thanh hoặc hoại tử ống thận cấp tính.

5. Chống chỉ định của thuốc Agriptega

Acriptega không được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người tiền sử từng dị ứng với Tenofovir, Lamivudine, Dolutegravir và thành phần tá dược trong viên thuốc Agriptera;
  • Chống chỉ định khi dùng kết hợp với Dofetilide.

6. Một số vấn đề thận trọng khi sử dụng Agriptega

  • Viên nén Acriptega không nên sử dụng cùng lúc với các sản phẩm chứa các hoạt chất Dolutegravir, Lamivudine, Tenofovir disoproxil fumarate hoặc các chất tương tự Cytidine (như emtricitabine và adefovir dipivoxil);
  • Khả năng lây truyền HIV: Điều trị với Agriptera không loại trừ hoàn toàn khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục hoặc đường máu, mặc dù nguy cơ có thể giảm. Do đó, người nhiễm HIV vẫn phải tiếp tục sử dụng các biện pháp dự phòng lây truyền HIV phù hợp;
  • Mức độ an toàn của hoạt chất Dolutegravir chưa được nghiên cứu trên bệnh nhân bệnh gan nặng. Do đó, chỉ nên sử dụng Acriptega trên bệnh nhân mắc bệnh gan khi lợi ích điều trị vượt trội so với những rủi ro cho sức khỏe, đồng thời cần theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn;
  • Bệnh nhân HIV đồng nhiễm virus viêm gan B hoặc viêm gan C cần lưu ý vì người mắc viêm gan B hoặc C mạn tính khi điều trị phác đồ kết hợp kháng retrovirus có nguy cơ gia tăng tác dụng bất lợi nghiêm trọng lên gan, thậm chí gây tử vong;
  • Các phản ứng quá mẫn liên quan đến Dolutegravir trong thuốc Agriptera đã được ghi nhận, đặc trưng với các biểu hiện như phát ban và đôi khi gây rối loạn chức năng các cơ quan;
  • Chức năng thận: Tenofovir đào thải chủ yếu qua thận thông qua sự kết hợp giữa cơ chế lọc cầu thận và bài tiết ở ống thận. Do đó, khả năng thanh thải thuốc Agriptera có thể suy giảm ở bệnh nhân có suy chức năng thận;
  • Nhiễm toan lactic là một biến chứng hiếm gặp nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạng liên quan đến các thuốc ức chế enzym sao chép ngược Nucleosid (nNRTI);
  • Viêm tụy: Điều trị bằng thuốc Acriptega cần được ngừng ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng lâm sàng hoặc kết quả xét nghiệm máu gợi ý viêm tụy;
  • Nhiễm trùng cơ hội: Người đang điều trị bằng thuốc kháng retrovirus như Agriptera có nguy cơ cao hình thành các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc các biến chứng khác nhiễm HIV.

Một số thận trọng của thuốc Agriptera đối với phụ nữ trong thai kỳ:

  • Một số nghiên cứu thực hiện trên động vật không cho thấy những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của Tenofovir disoproxil fumarate với sự sức khỏe của bà mẹ, quá trình phát triển của thai nhi, thời kỳ chuyển dạ sinh hoặc sự phát triển thai nhi sau sinh. Ở người, sự an toàn của Tenofovir đối với thai kỳ chưa được nghiên cứu đầy đủ;
  • Không có các báo cáo về nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai nhi khi bà bầu sử dụng Lamivudine. Tuy nhiên, điều này không giúp loại trừ hoàn toàn nguy cơ gây hại của Agriptera cho thai nhi;
  • Không có quá nhiều bằng chứng về việc sử dụng Dolutegravir ở phụ nữ mang thai. Do đó, những tác động của hoạt chất này đối với thai kỳ chưa được xác định hoàn toàn, do đó chỉ nên sử dụng Dolutegravir cho phụ nữ mang thai khi lợi ích cao hơn nguy cơ tiềm ẩn đối với bào thai.

Một số thận trọng của Agriptera với phụ nữ thời kỳ cho con bú:

  • Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng Tenofovir được bài tiết vào sữa mẹ, tuy nhiên chưa biết khả năng này ở người. Một hoạt chất khác trong thuốc Agriptera là Lamivudine được chứng minh có thể bài tiết vào sữa mẹ;
  • Chưa rõ khả năng Dolutegravir có bài tiết vào sữa mẹ hay không, mặc dù các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy hoạt chất này được tìm thấy trong sữa mẹ;
  • Các khuyến cáo hiện này đều cho rằng phụ nữ nhiễm HIV không nên cho con bú trong bất kỳ trường hợp nào để tránh lây truyền HIV cho con.

7. Tương tác thuốc của Agriptera

7.1. Tương tác của hoạt chất Lamivudine

Sử dụng đồng thời Lamivudine với Trimethoprim/Sulfamethoxazole có thể làm tăng 40% diện tích dưới đường cong của Lamivudine. Tuy nhiên trường hợp này không cần thiết phải điều chỉnh liều Acriptega. Ở chiều ngược lại Lamivudine không ảnh hưởng đến dược động học của Trimethoprim hoặc Sulfamethoxazole.

7.2. Tương tác liên quan đến Tenofovir

  • Didanosine: Khuyến cáo không sử dụng đồng thời sản phẩm có chứa Tenofovir disoproxil fumarate (như thuốc Agriptera) và Didanosine;
  • Các thuốc thải trừ qua thận: Tenofovir thải trừ chủ yếu qua thận, do đó khi dùng đồng thời Tenofovir disoproxil fumarate với các sản phẩm có thể gây suy giảm chức năng thận hoặc cạnh tranh bài tiết qua ống thận sẽ làm tăng nồng độ Tenofovir huyết thanh và/ hoặc các sản phẩm thuốc dùng đồng thời;
  • Tenofovir disoproxil fumarate tránh dùng đồng thời với thuốc gây độc cho thận, như kháng sinh Aminoglycosid, Amphotericin B, Foscarnet, Ganciclovir, Pentamidin, Vancomycin, Cidofovir hoặc interleukin-2;
  • Tenofovir phải uống cùng với thức ăn vì thức ăn làm tăng sinh khả dụng của Tenofovir.

7.3. Các tương tác liên quan đến Dolutegravir

  • Tất cả các yếu tố làm giảm nồng độ của Dolutegravir cần tránh khi có sự đề kháng integrase;
  • Dolutegravir thải trừ chủ yếu qua sự trao đổi chất của UGT1A1, do đó các thuốc gây cảm ứng enzym này có thể làm giảm nồng độ trong huyết tương của Dolutegravir và làm giảm hiệu quả điều trị của nó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe