Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bước vào tuổi 40, mỗi người phụ nữ đều cảm thấy sự khác biệt do tuổi tác mang lại, đi cùng với những nỗi lo về tình trạng sức khỏe. Việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc là điều cần thiết.
1. Sàng lọc ung thư cổ tử cung
Trong xét nghiệm này, tế bào cổ tử cung được lấy mẫu và kiểm tra các thay đổi có thể dẫn đến ung thư (Pap test). Xét nghiệm này thường đi kèm xét nghiệm HPV - Vi rút u nhú ở người đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên.
Xét nghiệm Pap test và HPV được khuyến cáo thực hiện mỗi năm năm, nếu thực hiện cùng lúc. Nếu không, hãy làm Pap test riêng mỗi ba năm.
2. Kiểm tra vú lâm sàng
Kiểm tra vú lâm sàng, được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên khoa và được khuyến cáo thực hiện hàng năm.
3. Sàng lọc ung thư đại trực tràng
Như tên gọi, những xét nghiệm này được tiến hành để đánh giá sàng lọc nguy cơ ung thư của đại tràng và trực tràng, bằng cách:
- Nội soi đại tràng được ưu tiên tiến hành mỗi 10 năm hoặc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc khác từ tuổi 50. Người Mỹ gốc Phi được khuyên bắt đầu tầm soát từ tuổi 45.
Những biện pháp khác bao gồm các xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm Hồng cầu trong phân (FOBT) hàng năm hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch phân với độ nhạy với ung thư cao.
- Nội soi đại tràng sigma bằng ống soi mềm mỗi 05 năm
- Chụp X quang với thuốc cản quang (kỹ thuật chụp đối quang kép - double contrast barium enema) mỗi 05 năm
- Chụp cắt lớp mỗi 05 năm
- Xét nghiệm DNA phân (không xác định thời gian)
4.Xét nghiệm Tiểu đường
Đây là xét nghiệm nhằm đo lượng đường hiện hữu trong máu và cũng là nguồn nguyên liệu hoạt động chính của cơ thể, kết quả cho thấy lượng đường cao chính là dấu hiệu của tiểu đường. Phụ nữ được khuyến cáo làm xét nghiệm mỗi 03 năm sau tuổi 45.
5. Xét nghiệm Viêm gan C
Nhằm đánh giá xem người bệnh có nhiễm vi rut Viêm gan C không, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu và khuyến cáo thực hiện ít nhất một lần trong đời. Hãy xem xét các yếu tố rủi ro hàng năm để xác định xem có cần làm lại xét nghiệm không.
6. Xét nghiệm HIV
Xét nghiệm này hẳn không xa lạ với chúng ta, với mẫu máu được kiểm tra người bệnh có mắc HIV, một loại virus có thể gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) hay không. Xét nghiệm HIV được khuyến cáo thực hiện ít nhất một lần trong đời, và xem xét các yếu tố rủi ro hàng năm để xác định xem có cần làm lại xét nghiệm không.
7. Đánh giá mỡ máu
Bộ xét nghiệm này đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch bằng cách định lượng mức các loại cholesterol và triglyceride trong máu. Hãy xét nghiệm mỗi 05 năm bắt đầu từ năm 45 tuổi.
8. Chụp X-quang vú
Phụ nữ trên 40 tuổi phải đối mặt với nguy cơ ung thư vú tăng cao, chính vì vậy, chụp X quang tuyến vú được khuyến cáo thực hiện hàng năm để đánh giá nguy cơ ung thư vú.
9. Hóc môn tuyến giáp
Để kiểm tra xem tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm nội tiết tuyến giáp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org