Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Tăng sắc tố da là thuật ngữ mô tả các mảng da tối màu. Các mảng da tối màu này là kết quả của sản xuất melanin dư thừa, thường do tình trạng viêm, tổn thương do ánh nắng và thay đổi nội tiết tố.
Có nhiều phương pháp điều trị cho tình trạng tăng sắc tố, dưới đây là 1 số phương pháp phổ biến nhất:
1. Kem làm sáng da
Kem làm sáng da là phương pháp điều trị không kê đơn với các thành phần chọn lọc để giúp giảm sắc tố da. Tuy nhiên, chọn lựa loại kem với thành phần phù hợp và cách sử dụng phối hợp chúng với nhau vẫn cần có sự tư vấn của bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia về dược mỹ phẩm.
Thành phần thường gặp trong kem làm sáng da
- Hydroquinone
- Chiết xuất cam thảo
- N-acetylglucosamine
- Vitamin B3 (niacinamide).
Kem làm sáng da hiệu quả đối với các tăng sắc tố lớp nông của da. Tuy nhiên, chúng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để có hiệu quả so với các phương pháp điều trị chuyên nghiệp.
2. Sản phẩm có thành phần Acid
Các sản phẩm có chứa acid sẽ có tác dụng tẩy tế bào chết, làm bong lớp tế bào sừng trên cùng của da. Sau quá trình tẩy tế bào chết cho da, các tế bào da mới sẽ xuất hiện để thay thế cho những tế bào cũ. Quá trình này giúp làm đều màu da và làm cho da mịn màng hơn.
Các sản phẩm nhóm này thường đễ dàng tìm thấy ở các shop mỹ phẩm. Một số thành phần acid mỹ phẩm thường gặp là:
- Acid alpha hydroxy, ví dụ như glycolic, lactic, citric, malic hoặc acid tartaric
- Acid azelaic
- Acid kojic
- Acid salicylic
- Vitamin C (ở dạng Acid l-ascorbic)
Acid có tác dụng tốt đối với tình trạng tăng sắc tố nhẹ ở type da sáng màu.
3. Retinoids
Retinoids là dẫn xuất của vitamin A, là một trong những thành phần chăm sóc da không kê đơn lâu đời nhất được sử dụng đến nay. Cấu trúc phân tử nhỏ của nó cho phép thâm nhập vào sâu trong da và tác động đến các lớp dưới biểu bì.
1 số loại Retinoids cần kê toa. Hàm lượng retinoids ở các sản phẩm không kê toa thường thấp hơn và tác dụng yếu hơn so với các sản phẩm kê toa.
Trong trường hợp sử dụng các sản phẩm có chứa retinoids không kê toa mà không có hiệu quả, hãy hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để có thể sử dụng các sản phẩm có chứa retinoid tretinoin kê toa.
Retinoids không kê đơn có thể an toàn cho mọi type da. Tuy nhiên, vẫn nên được tư vấn với bác sĩ da liễu nếu bạn có làm da sậm màu và dự định sử dụng sản phẩm này lâu dài.
Renoids thường được sử dụng để điều trị nếp nhăn hơn là tăng sắc tố da. Điều này có nghĩa là retinoids không phải là phương pháp điều trị tăng sắc tố da tốt nhất.
4. Lột da hóa chất
Lột da hóa chất là sử dụng acid ở nồng độ cao hơn đề điều trị các vấn đề da. Các hóa chất làm giảm tình trạng tăng sắc tố bằng cách loại bỏ lớp biểu bì. Ngoài ra, chúng cũng có thể thâm nhập vào lớp giữa của da (lớp hạ bì) để mang lại những hiệu quả trẻ hóa da ngoạn mục.
Có nhiều loại lột da hoá chất không kê đơn bán ở shop mỹ phẩm. Tuy nhiên để có tác dụng và hiệu quả cao thì bạn nên dùng sản phẩm chuyên nghiệp tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
Sử dụng lột da hoá chất có thể xảy ra một số rủi ro như đỏ, kích ứng, phồng rộp da và tạo sẹo.
Nếu thường xuyên ra nắng, thì lựa chọn lột da hoá chất không phải là phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Lột da hóa chất làm cho làn da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Nếu không dùng đủ kem chống nắng và các biện pháp chống tia cực tím khác, ánh nắng mặt trời có thể làm cho tình trạng tăng sắc tố da tệ hơn.
Lột da hoá chất có thể sử dụng cho các trường hợp như:
- Đốm đen, đồi mồi
- Tàn nhang
- Nám
- Da không đều màu
Phương pháp này phù hợp đa số type da và tác dụng nhanh hơn so với các sản phẩm acid nhẹ.
5. Tái tạo da bằng laser
Có hai loại laser: xâm lấn và không xâm lấn. Laser xâm lấn là phương pháp tác động mạnh có tác dụng đến việc loại bỏ các lớp da. Còn với laser không xâm lấn sẽ nhắm mục tiêu vào lớp bì để thúc đẩy tăng trưởng collagen và làm săn chắc da.
Laser xâm lấn có tác dụng mạnh hơn, nhưng chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.
Laser xâm lấn phù hợp cho những người có làn da sáng. Đối với một số người, laser không xâm lấn có thể khiến da bị sẫm màu thay vì làm sáng. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ da liễu để đánh giá tình trạng da để giúp chọn ra phương pháp phù hợp hơn cho riêng làn da của bạn.
6. Liệu pháp xung ánh sáng (IPL)
Liệu pháp IPL là phương pháp điều trị bằng ánh sáng không xâm lấn. IPL có tác dụng kích thích tăng trưởng collagen trong lớp bì. Phương pháp này thường phải tiến hành nhiều lần.
IPL được sử dụng cho các vấn đề về sắc , nhất là các đốm sắc tố nông sẽ đáp ứng tốt hơn với phương pháp này. IPL cũng có thể giúp cải thiện nếp nhăn, dãn mao mạch và lỗ chân lông to.
IPL lý tưởng cho những người có type da sáng màu.
7. Phương pháp siêu mài mòn
Phương pháp này áp dụng tại các cơ sở thẩm mỹ để điều trị tăng sắc lớp biểu bì (sắc tố nông)
Trong quá trình thực hiện, bác sĩ da liễu sẽ sử dụng dụng cụ cầm tay với bàn chải hay đầu mài mòn. Đầu mài mòn được quét trên da nhẹ nhàng để loại bỏ lớp biểu bì.
Phương pháp siêu mài mòn phù hợp với làn da có tình trạng sẹo và type da sáng màu.
8. Mài mòn da
Phương pháp tác động đến lớp biểu bì và 1 phần lớp bì, thường sử dụng để làm mờ nếp nhăn và cải thiện 1 số vấn đề như: sẹo mụn, đồi mồi, sẹo thủy đậu, sẹo chấn thương, tổn thương da do ánh nắng.
Quy trình thực hiện cũng tương tự phương pháp siêu mài mòn. Hiệu quả đạt được nhanh hơn, tuy nhiên có thể gây tình trạng tăng sắc tố tạm thời khoảng 8-10 tuần.
Cho dù lựa chọn phương pháp điều trị nào, thì điều quan trọng là phải bảo vệ làn da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời. Việc sử dụng kem chống nắng hàng ngày như là một điều kiện bắt buộc để đảm bảo hiệu quả của phương pháp điều trị. Thêm vào đó, nên lựa chọn kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF tối thiểu từ 30 trở lên, thoa đủ lượng kem chống nắng và dùng them các sản phẩm chống nắng khác để làn da được bảo vệ tốt nhất có thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com