Cách chữa trầm cảm không dùng thuốc là một phương pháp được khuyến khích áp dụng cho các trường hợp bị bệnh nhẹ, có các dấu hiệu buồn chán, suy sụp, tiêu cực ở mức kiểm soát được. Dưới đây là 6 bước thoát khỏi trầm cảm tại nhà giúp đẩy lùi bệnh hiệu quả.
1. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Cách chữa bệnh trầm cảm tại nhà hiệu quả nhất là xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Khi cơ thể được bổ sung đủ các kháng chất, dinh dưỡng, vitamin cần thiết thì sẽ giúp cho não bộ được hoạt động tốt hơn, giúp con người cân bằng được cảm xúc, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Vì thế, khi thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ nhanh chóng đẩy lùi được các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Bên cạnh đó, khi cơ thể được dung nạp đủ chất thì còn giúp tăng được sức đề kháng, nâng cao khả năng miễn dịch, từ đó có thể ngăn chặn các loại dịch bệnh khác.
Người bị trầm cảm nên chú ý một số điều sau trong chế độ ăn của mình:
- Bổ sung nhiều loại rau xanh, thực phẩm có chứa nhiều khoáng chất, vitamin,... cần thiết cho cơ thể
- Hạn chế ăn các loại đồ ăn cay nóng, chiên xào dầu mỡ, món ăn có nhiều gia vị, đường, thực phẩm béo, ...
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích, chất gây nghiện
- Ăn uống đúng giờ, đúng bữa, không được bỏ bữa
- Bổ sung thêm các loại dinh dưỡng từ hạt, ngũ cốc, sữa tươi, sữa chua,...
2. Thường xuyên vận động, rèn luyện thể thao
Hầu hết những người bị trầm cảm thường không muốn vận động, chỉ muốn ngồi yên một chỗ và ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh. Chính vì vậy, để giúp cho họ sớm mau chóng hồi phục thì người bệnh cần phải chủ động vận động bản thân. Tốt nhất là họ nên áp dụng các bài tập đơn giản ngay tại nhà để có cảm giác thoải mái, giúp căng giãn cơ, đầu óc thư giãn hơn, giảm bớt được áp lực trong lòng.
Theo các chuyên gia về tâm lý, khi người bị trầm cảm vận động và rèn luyện thể chất thì cơ thể sẽ hoạt động tốt hơn, thúc đẩy quá trình trao đổi chất ở não bộ, từ đó giúp cho người bệnh giảm bớt được áp lực, căng thẳng, u buồn, chán nản. Ngoài ra, việc vận động cơ thể còn giúp ngăn chặn được các loại virus, vi khuẩn gây hại đến sức khỏe.
Do đó, những người bị trầm cảm nên dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập đơn giản. Tốt nhất là nên tập vào buổi sáng, lựa chọn những nơi có ánh sáng dịu nhẹ, thoáng mát, không khí trong lành.
3. Chú ý đến giấc ngủ
Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và cảm xúc của con người. Khi cơ thể bị mất ngủ, không được nghỉ ngơi thì các chất dẫn truyền ở não bộ sẽ bị tác động, từ đó gây ra các dấu hiệu mệt mỏi, tiêu cực, căng thẳng. Đặc biệt là những người bị trầm cảm thường có tình trạng khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
Vì thế, để có thể cải thiện được tình trạng này, người bệnh cần phải xây dựng cho bản thân thói quen ngủ đủ 8 tiếng và đi ngủ trước 23 giờ hàng ngày. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên lựa chọn không gian ngủ được yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn, bày trí đơn giản, dịu mắt,.... Đồng thời, để hỗ trợ giấc ngủ được ngon hơn, người bệnh nên tìm đến các phương pháp tự nhiên và tuyệt đối không được lạm dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ.
4. Đặt mục tiêu mỗi ngày
Đa số các bệnh nhân bị trầm cảm thường có cảm giác buồn chán, mất hứng thú với các hoạt động xung quanh hàng ngày, xuất hiện cảm giác thất vọng, cảm thấy bản thân vô dụng. Vì thế, để cải thiện tốt tình trạng này, người bệnh nên tạo ra thói quen đặt mục tiêu mỗi ngày. Việc này sẽ giúp cho người bệnh xác định được các công việc mà mình cần phải thực hiện trong một ngày, tránh dẫn đến tình trạng ủ rũ, chán nản và ngồi yên một chỗ.
Người bệnh có thể lựa chọn các mục tiêu đơn giản để có thể dễ dàng hoàn thành trong khả năng của mình. Ví dụ như việc nấu ăn, chăm sóc cây cảnh, đọc sách, ... . Sau khi thấy sức khỏe bản thân được cải thiện thì có thể tăng dần mục tiêu trong ngày để tình trạng bệnh được tiến triển tốt nhất.
5. Thay đổi phản ứng cảm xúc cách hết trầm cảm
Biểu hiện đặc trưng nhất của những người mắc bệnh trầm cảm là cảm xúc tiêu cực, u sầu, buồn bã, ... Nếu các triệu chứng này kéo dài, người bệnh sẽ dần mất đi cảm giác hạnh phúc, không hứng thú với bất cứ điều gì. Chính vì vậy, để ngăn ngừa và điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả tại nhà, người bệnh cần áp dụng các phương pháp điều chỉnh cảm xúc như:
- Cố gắng tìm kiếm các điều mới mẻ và thú vị trong cuộc sống
- Nhìn nhận các vấn đề ở một góc độ tích cực hơn, không nên nhận xét, đánh giá một điều gì quá vội vàng
- Tự làm mới cuộc sống hàng ngày của mình bằng các sở thích đơn giản như nghe nhạc, đọc sách, xem phim, nấu ăn, ...
- Tiếp xúc với những nơi có nhiều ánh sáng để não bộ có thể tiếp nhận thêm được nhiều nguồn năng lượng, giúp khả năng tập trung được cao hơn.
- Chủ động tìm kiếm người thân, bạn bè để dễ dàng tâm sự, chia sẻ vấn đề của mình.
6. Ngồi thiền
Phương pháp cuối cùng trong 6 bước thoát khỏi trầm cảm tại nhà đó là ngồi thiền, một cách chữa trầm cảm không dùng thuốc.
Các chuyên gia tâm lý đã nhận định rằng, ngồi thiền là bài thuốc hữu hiệu giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Đồng thời, ngồi thiền sẽ giúp người bệnh cân bằng được cảm xúc. Mỗi ngày, người bệnh chỉ cần dành ra khoảng 30 đến 45 phút để ngồi thiền sẽ giúp cho cơ thể người bệnh được thư giãn, giảm bớt được các mệt mỏi, căng thẳng, cảm xúc tiêu cực rõ rệt.
Tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu của người bệnh mà có thể áp dụng các phương pháp ngồi thiền khác nhau. Đối với những người mới bắt đầu thì chỉ cần ngồi thiền cơ bản hoặc chỉ đơn giản là ngồi tĩnh lặng để có thể suy nghĩ đến những điều hạnh phúc, tích cực và dễ chịu nhất. Lời khuyên là người bệnh nên ngồi thiền vào buổi tối để có thể hỗ trợ tốt cho giấc ngủ trở nên trọn vẹn hơn.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc có thêm được kiến thức trong việc điều trị bệnh trầm cảm tại nhà. Đặc biệt với những người bị trầm cảm cấp độ 1 có thể áp dụng 6 bước thoát khỏi trầm cảm tại nhà trên và mang lại hiệu quả tốt, giúp cho người bệnh sớm trở lại trạng thái sức khỏe như bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.