Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị nhanh chóng. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh và các biến chứng nặng là kiểm soát các bệnh lý liên quan và nâng cao kiến thức tự chăm sóc ban đầu khi xảy ra đột quỵ.
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ xảy ra khi dòng máu đến một phần của não bộ bị gián đoạn do mạch máu não bị vỡ hoặc bị chèn ép. Khi đó, các tế bào não sẽ bị chết vì thiếu nguồn cung cấp oxy liên tục, gây tổn thương vĩnh viễn cho não.
Đột quỵ có hai loại là nhồi máu não (còn gọi là tắc mạch máu não) và xuất huyết não (còn gọi là chảy máu não). Đột quỵ gây ra bởi xuất huyết não sẽ làm cho máu rò rỉ chảy ra khỏi lòng mạch, tràn vào trong não.
Đột quỵ do tắc mạch máu não xảy ra khi các mạch đưa máu đến não bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp dòng chảy bởi tác động của các cục máu đông hoặc hẹp động mạch.
- Tắc nghẽn động mạch: Chất béo, cholesterol và các chất khác có khả năng tích tụ trên thành mạch máu. Theo thời gian, chúng cứng lại và tạo thành một cấu trúc được gọi là mảng bám. Đây là nguyên nhân gây tắc nghẽn động mạch, thu hẹp dòng chảy của mạch máu.
- Cục máu đông: Các cục máu đông hình thành ở các mạch máu não vốn đã rất hẹp là nguyên nhân gây ra đột quỵ do đông máu tại chỗ (thrombotic stroke). Ngoài ra, đột quỵ còn có thể gây ra bởi các cục máu đông được hình thành ở các vị trí khác trong cơ thể, di chuyển đến mạch máu não, được gọi là embolic stroke. Đột quỵ cũng có thể xảy ra do các bong bóng khí hoặc chất lạ khác trong máu di chuyển vào mạch máu não.
Các triệu chứng tương tự đột quỵ nhưng kéo dài trong thời gian ngắn được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Nó thường không để lại biến chứng suốt đời nhưng là dấu hiệu cảnh báo xảy ra đột quỵ thực sự. Các triệu chứng của TIA có thể kéo dài từ vài phút đến 24 giờ.
Triệu chứng đột quỵ phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng. Chúng xảy ra với tính chất đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Trong đó, các triệu chứng phổ biến gồm có:
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
- Liệt hoặc yếu vùng mặt, cánh tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên của cơ thể)
- Trạng thái lơ mơ và khó nói hoặc hiểu lời nói
- Giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc kết hợp cả hai.
2. Các biện pháp chẩn đoán đột quỵ
Để chẩn đoán đột quỵ, chụp CT và MRI là bước đầu tiên được sử dụng. Mục đích nhằm nhận định loại đột quỵ mắc phải (xuất huyết não hay tắc mạch máu não). Từ đó, giúp xác định phương pháp điều trị đúng đắn.
2.1. Chụp cắt lớp vi tính (CT) não bộ
Chụp CT kết hợp thiết bị X-quang đặc biệt với các máy tính giúp quan sát hình ảnh các cơ quan trong cơ thể. Nó được sử dụng để chẩn đoán phân biệt đột quỵ do xuất huyết não và tắc mạch máu não. Ngoài ra, chụp CT có dựng hình mạch máu não (CTA) có thể được kết hợp để phát hiện và mô tả các đặc điểm của đột quỵ. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chụp CT có tiêm thuốc cản quang để đánh giá mạch máu não, quan sát mạch máu nuôi vùng tổn thương. Chụp CT tưới máu (CTP) giúp quan sát lưu lượng máu não. Sự kết hợp của CT, CTA và CTP giúp quyết định liệu pháp tốt nhất để điều trị bệnh nhân đột quỵ.
2.2. Chụp MRI não bộ
MRI sử dụng từ trường mạnh, xung điện và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan, mô mềm, xương và hầu hết tất cả các cấu trúc khác bên trong cơ thể. Chụp MRI mạch máu não (MRA) cũng được sử dụng để quan sát cấu trúc chi tiết mạch máu não. Lưu lượng máu trong mạch máu não được ghi lại bằng chụp MRI tưới máu (MRP). MRI não bộ được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương não do đột quỵ.
Để chẩn đoán xác định loại, vị trí và nguyên nhân gây đột quỵ và loại trừ các bệnh lý khác, một số xét nghiệm sau cần được bổ sung:
2.3. Xét nghiệm máu
Chỉ định xét nghiệm máu gồm nhiều loại khác nhau (phân tích tế bào máu, sinh hóa máu, đông máu,...). Chúng có tác dụng đánh giá tình trạng đột quỵ và cung cấp thêm thông tin trước khi chỉ định điều trị, đặc biệt là trước khi thực hiện các thủ thuật và chỉ định thuốc chống đông máu. Ngoài ra, các chỉ số sinh hóa như cholesterol, triglyceride, glucose máu,... còn giúp xác định các nguyên nhân gây ra các cục máu đông và tắc nghẽn mạch máu.
2.4. Điện tâm đồ (ECG, EKG)
Điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện khi chúng đi qua tim. Nó giúp xác định các bệnh lý ở tim có nguy cơ gây ra đột quỵ.
2.5. Siêu âm Doppler động mạch cảnh
Siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Siêu âm Doppler được thực hiện để kiểm tra mức độ hẹp và tắc nghẽn ở hai động mạch cảnh (có vị trí nằm ở hai bên cổ và đưa máu từ tim lên não). Siêu âm Doppler giúp tạo ra các hình ảnh chi tiết các mạch máu và thông tin về lưu lượng máu.
2.6. Chụp mạch máu não
Chụp mạch máu não là một xét nghiệm được thực hiện với một trong ba kỹ thuật hình ảnh X-quang, CT hoặc MRI, hoặc chất cản quang trong một số trường hợp nhằm tạo ra hình ảnh các mạch máu chính trong não. Nó giúp phát hiện các bất thường như cục máu đông hoặc hẹp động mạch.
3. Điều trị đột quỵ bằng cách nào?
Đột quỵ là một cấp cứu y tế, càng điều trị nhanh chóng, tỷ lệ sống và giảm thiểu các biến chứng càng cao. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại đột quỵ. Thông thường, nó tập trung vào khôi phục lưu lượng máu cho đột quỵ do tắc mạch máu não và kiểm soát chảy máu và giảm áp lực dòng chảy đối với đột quỵ do xuất huyết não.
Nếu nguyên nhân gây đột quỵ là cục máu đông, người bệnh thường được chỉ định thuốc làm tan huyết khối như chất hoạt hóa plasminogen mô (t-PA). Loại thuốc này được chỉ định trong vòng vài giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ. Ngoài ra, các loại thuốc khác như aspirin hoặc warfarin (coumadin), heparin hoặc clopidogrel (plavix) cũng có tác dụng làm tan cục máu đông.
Đột quỵ là một cấp cứu y tế, càng điều trị nhanh chóng, tỷ lệ sống và giảm thiểu các biến chứng càng cao. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại đột quỵ. Thông thường, nó tập trung vào khôi phục lưu lượng máu cho đột quỵ do tắc mạch máu não và kiểm soát chảy máu và giảm áp lực dòng chảy đối với đột quỵ do xuất huyết não.
Nếu nguyên nhân gây đột quỵ là cục máu đông, người bệnh thường được chỉ định thuốc làm tan huyết khối như chất hoạt hóa plasminogen mô (t-PA). Loại thuốc này được chỉ định trong vòng vài giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ. Ngoài ra, các loại thuốc khác như aspirin hoặc warfarin (coumadin), heparin hoặc clopidogrel (plavix) cũng có tác dụng làm tan cục máu đông.
Các phương pháp điều trị đột quỵ khác bao gồm:
- Phẫu thuật để hút lượng máu tràn ra ngoài mạch máu do xuất huyết não và sửa chữa các mạch máu bị vỡ.
- Điều trị can thiệp nội mạch: Can thiệp nội mạch là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để cải thiện lưu lượng máu trong các động mạch và tĩnh mạch của não. Trong trị liệu nội mạch, một ống thông được đưa vào vị trí mạch máu vỡ hoặc hẹp để cung cấp:
- Thuốc làm tan huyết khối.
- Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học
- Bóng nong mạch được sử dụng để mở rộng các mạch máu bị thu hẹp, stent và các ống nhỏ được sử dụng để giữ cho mạch máu được mở rộng liên tục trong thời gian dài. Thủ thuật này được thực hiện nhằm mục đích cải thiện lưu lượng máu trong các động mạch cảnh cung cấp cho não.
- Cuộn dây kim loại nhỏ để hàn gắn các động mạch não bị vỡ.
Sau đột quỵ, bệnh nhân cần được điều trị phục hồi chức năng và khắc phục các biến chứng nếu có. Ngoài ra, để ngăn ngừa đột quỵ tiếp diễn, người bệnh cũng cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh như cao huyết áp, cholesterol máu cao và bệnh tiểu đường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org