Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Trẻ sơ sinh có cách phản ứng với một số va chạm theo cách của riêng mình. Và mỗi em bé có khả năng nhận biết giọng nói, mùi và khuôn mặt của mẹ mình một cách chính xác. Khi chăm sóc em bé hàng ngày, theo dõi sự phát triển của bé, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều điều thú vị ở bé, điều đó sẽ giúp bạn hứng thú hơn trong việc chăm sóc một em bé.
1. Các phản xạ ở trẻ sơ sinh
Phản xạ là một loại phản ứng không tự nhiên đối với kích thích từ bên ngoài. Một số cảm giác hoặc chuyển động sẽ tạo ra phản ứng cơ cụ thể. Sự xuất hiện và sức mạnh của một phản xạ là một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy sự phát triển và chức năng của hệ thần kinh ở trẻ.
Nhiều phản xạ ở trẻ sơ sinh sẽ mất đi khi trẻ lớn lên, trong khi một số phản xạ khác vẫn còn cho đến khi trẻ trưởng thành. Nếu một phản xạ đáng lẽ phải mất đi khi trẻ lớn hơn, nhưng phản xạ đó vẫn tồn tại có thể là dấu hiệu của tổn thương não hoặc hệ thần kinh của trẻ.
Phản xạ ở trẻ sơ sinh là phản ứng bình thường với chúng, nhưng lại là bất thường ở những đứa trẻ trong độ tuổi khác. Các phản xạ này bao gồm:
- Phản xạ Moro: Phản xạ này xảy ra khi đầu của bé thay đổi vị trí một cách đột ngột hoặc ngã về phía sau, hoặc bé giật mình vì điều gì đó. Lúc đó bé sẽ phản ứng bằng cách hất tay chân ra và vươn cổ, sau đó nhanh chóng đưa hai tay lại và bé có thể khóc lớn. Phản xạ Moro, có thể xuất hiện ở các mức độ khác nhau ở các trẻ khác nhau, đạt đỉnh điểm trong tháng đầu tiên và mất đi sau hai tháng.
- Phản xạ mút: Đây là một phản xạ sinh tồn có trước khi sinh, khi bạn siêu âm thai, rất có thể bắt gặp hình ảnh trẻ đang mút ngón tay. Sau khi sinh, khi núm vú của mẹ hoặc bình sữa được đặt vào miệng hoặc chạm vào xung quanh miệng của trẻ, trẻ sẽ tự động ngậm lấy đầu vú và mút (bú).
Phản xạ này thực sự diễn ra theo hai giai đoạn: Đầu tiên, mẹ đặt môi trẻ xung quanh quầng vú (vùng da tròn sắc tố bao quanh núm vú) và đưa núm vú vào giữa lưỡi và vòm miệng của trẻ. Sau đó đến giai đoạn thứ hai, lưỡi của trẻ sẽ di chuyển từ quầng vú đến núm vú. Toàn bộ quá trình này được hỗ trợ bởi áp lực âm, hoặc lực hút, giữ chặt vú trong miệng trẻ.
Phối hợp các chuyển động bú nhịp nhàng này với thở và nuốt là một nhiệm vụ tương đối phức tạp đối với trẻ sơ sinh. Vì vậy, mặc dù đây là một phản xạ, nhưng không phải em bé nào cũng bú tốt ngay từ lần đầu tiên. Tuy nhiên, khi luyện tập, phản xạ trở thành một kỹ năng mà tất cả trẻ đều có thể thực hiện tốt.
Khi việc rướn người, mút tay và đưa tay lên miệng trở nên có định hướng hơn, trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu sử dụng những chuyển động này để tự an ủi mình. Bé cũng có thể được an ủi khi bạn cho bé ngậm núm vú giả hoặc khi bạn giúp bé tìm ngón tay cái hoặc các ngón tay của mình để mút.
- Phản xạ giật mình: Trẻ phản xạ co tay và chân sau khi nghe thấy tiếng động lớn.
- Phản xạ bước: Trẻ sơ sinh chưa thể sử dụng đôi chân để nâng đỡ trọng lượng cơ thể mình. Nhưng nếu bạn ôm trẻ và để lòng bàn chân bé chạm vào một mặt phẳng, trẻ sẽ chuyển động chân như bước đi hoặc nhún nhảy một chút. Phản xạ này sẽ mất đi sau 2 tháng, sau đó lại tái diễn như việc bước đi mà trẻ học được khi được 1 tuổi.
- Phản xạ phòng vệ vùng cổ (Tonic neck reflex): Phản xạ này xảy ra khi đầu của bé đang được thả lỏng và nằm ngửa được chuyển sang một bên. Khi đó cánh tay ở phía đầu quay sang sẽ được đưa ra xa cơ thể và bàn tay hơi mở một chút. Cánh tay ở phía bên kia sẽ gập lại và nắm chặt. Phản xạ này còn được gọi là tư thế đấu kiếm vì trông bé lúc này giống như đang đấu kiếm. Phản xạ này thường mất đi khi trẻ được 5 - 7 tháng tuổi.
- Phản xạ gập lưng (Truncal incurvation hoặc galant reflex): Phản xạ này xảy ra khi một bên cột sống của trẻ sơ sinh được vuốt ve hoặc gõ trong khi trẻ đang nằm sấp. khi đó trẻ sẽ xoay hông về phía được chạm vào.
- Phản xạ nắm chặt: Phản xạ này xảy ra nếu bạn đặt ngón tay vào lòng bàn tay đang mở của trẻ sơ sinh. Bàn tay bé sẽ khép lại, nắm lấy ngón tay của bạn. Nếu bạn cố gắng loại bỏ ngón tay của bé, bé sẽ cố gắng nắm chặt hơn. Trẻ sơ sinh có khả năng nắm rất chặt, nếu như trẻ dùng cả hai tay để nắm lấy tay của bạn, bạn thậm chí có thể nhấc bé lên được. Tuy nhiên, bạn không nên thử vì trẻ có thể buông tay bất cứ lúc nào. Nếu bạn vuốt lòng bàn chân của bé, bạn sẽ thấy các ngón chân bé nhỏ cuộn chặt lại.
- Phản xạ quay đầu: Phản xạ này xuất hiện khi bạn vuốt má bé. Trẻ sơ sinh sẽ quay đầu về phía má được vuốt ve. Điều này giúp trẻ sơ sinh tìm thấy núm vú khi bạn cho bé bú. Lúc đầu, trẻ sẽ rướn người từ bên này sang bên kia, quay đầu về phía núm vú và sau đó tìm kiếm xung quanh. Điều này chỉ diễn ra trong khoảng 3 tuần, sau đó bé chỉ cần quay đầu và đưa miệng về phía núm vú để bú.
- Phản xạ nhảy dù (Parachute reflex): Phản xạ này xuất hiện khi trẻ lớn hơn một chút. Khi trẻ được giữ thẳng, sau đó xoay cơ thể trẻ hướng về phía trước một cách nhanh chóng giống như ngã. Trẻ sẽ dang tay về phía trước như để chống lại một cú ngã, mặc dù rất lâu sau trẻ mới biết đi.
Một số phản xạ khác xuất hiện ở trẻ sơ sinh và tồn tại đến khi trẻ trưởng thành, bao gồm:
- Phản xạ chớp mắt: trẻ sẽ chớp mắt khi có vật gì sắp chạm vào mắt hoặc khi xuất hiện ánh sáng đột ngột.
- Phản xạ ho: Trẻ ho khi đường thở bị kích thích.
- Phản xạ nôn: Trẻ nôn khi cổ họng hoặc sau miệng bị kích thích.
- Phản xạ hắt hơi: Trẻ hắt hơi khi đường mũi bị kích thích.
- Phản xạ ngáp: Trẻ ngáp khi cơ thể cần thêm oxy.
2. Trẻ sơ sinh nhận biết mẹ bằng nhiều giác quan
Bộ não của trẻ sơ sinh cho phép bé học hỏi từ khi mới sinh bằng cách sử dụng các giác quan. Trẻ sơ sinh có thể nhận ra mẹ mình thông qua:
- Giọng nói: Trẻ sơ sinh nhận ra giọng nói của mẹ mình ngay từ khi chào đời. Có nghĩa là trẻ đã nghe và ghi nhớ giọng của mẹ từ khi còn trong bụng mẹ, mặc dù trẻ không hiểu và nhớ được những gì mẹ mình nói.
- Mùi hương: Trẻ sơ sinh phản ứng với mùi hương của mẹ ngay sau khi sinh. Trong vòng vài ngày, trẻ bú mẹ có thể ngửi thấy sự khác biệt giữa sữa của mẹ và sữa của người khác.
- Khuôn mặt: Trẻ sơ sinh có thể nhìn và phân biệt được các khuôn mặt và thích khuôn mặt của mẹ mình hơn.
3. Bạn nên nói chuyện với trẻ sơ sinh nhiều hơn
Một trong những điều dễ dàng nhất mà bạn có thể làm để giúp bé phát triển về trí tuệ là nói chuyện trực tiếp với bé ngay từ ngày đầu tiên. Bạn có thể mô tả những gì bạn đang làm hoặc chỉ ra những gì bạn thấy. Những cuộc trò chuyện này không chỉ giúp bạn liên kết với bé, mà nó còn đem lại nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ.
Những lợi ích đó không phải một sớm một chiều có thể đạt được. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng sẽ phản ứng khi bạn nói chuyện với trẻ, chẳng hạn như quay đầu, giao tiếp bằng mắt với bạn, ngọ nguậy cơ thể hoặc đá vào chân.
Nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ có cha mẹ nói chuyện với chúng nhiều khi trẻ còn nhỏ, trẻ sẽ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ cao hơn và vốn từ vựng phong phú hơn, điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập sau này của trẻ.
Trẻ sơ sinh không nhận được lợi ích tương tự khi nghe người khác nói chuyện trực tiếp với nhau hoặc bằng cách thụ động nghe phương tiện truyền thông, chẳng hạn như sách nói. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên tắt tất cả các màn hình (bao gồm tivi, điện thoại, máy tính) xung quanh trẻ em dưới 18 tháng.
4. Phạm vi phát triển của trẻ là rất rộng
Thật khó để không lo lắng khi trẻ đang phát triển với tốc độ khác với các bạn cùng tuổi. Nhưng vì trẻ sơ sinh phát triển theo thời gian biểu riêng, nên có rất nhiều điều được coi là bình thường. Trẻ sinh non thường mất nhiều thời gian hơn để đạt được các mốc phát triển.
Ví dụ: trong khi hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu biết đi khi chúng từ 12 đến 15 tháng, vẫn có những đứa trẻ khác không thành thạo kỹ năng này cho đến khi chúng được 16 hoặc 17 tháng tuổi.
5. Trẻ sơ sinh di chuyển theo nhiều cách khác nhau
Trẻ sơ sinh di chuyển theo nhiều cách khác nhau. Các cách di chuyển của trẻ thường xuất hiện theo trình tự sau: trẻ lăn qua, lật người, sau đó trẻ tập ngồi, trườn, bò, đứng dậy, đi bộ và chạy. Tuy nhiên một số em bé sẽ di chuyển xung quanh bằng cách lăn hoặc bò như kiểu biệt kích.
Miễn là bé đang học cách phối hợp các bộ phận của cơ thể và sử dụng chân và tay như nhau, cũng như phát triển theo các mốc phù hợp với lứa tuổi , thì bạn không cần phải lo lắng. Nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về
khả năng vận động hoặc sự phát triển của bé.
Để giúp trẻ đạt được những mốc phát triển tốt nhất, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthychildren.org, medlineplus.gov
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong