3 đối tượng nên xét nghiệm HIV định kỳ

Xét nghiệm HIV giúp chẩn đoán sớm bệnh, nếu người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị sớm giúp nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài tuổi thọ, giúp người bệnh sống có ích cho xã hội và giảm nguy cơ lây bệnh.

1. Những đối tượng nên xét nghiệm HIV

Cách duy nhất để biết mình có bị nhiễm HIV không là làm xét nghiệm. Nếu bạn thuộc một trong 3 đối tượng sau thì nên xét nghiệm HIV định kỳ, tầm soát sớm bệnh:

  • Có quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc đường âm đạo mà không dùng bao cao su với người không phải là vợ/chồng của bạn, người có quan hệ đồng tính qua đường hậu môn
  • Có quan hệ tình dục không an toàn, nghĩa là không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su nhưng không đúng cách với người tiêm chích ma túy, hoặc với những người có quan hệ tình dục với nhiều người khác.
  • Có tiêm chích ma túy và dùng chung kim tiêm với người khác.

Những người có quan hệ tình dục không an toàn nên làm xét nghiệm HIV định kỳ
Những người có quan hệ tình dục không an toàn nên làm xét nghiệm HIV định kỳ

2. Kết quả xét nghiệm HIV

Khi làm xét nghiệm HIV, bác sĩ hoặc người có chuyên môn sẽ lấy mẫu máu hoặc dùng gạc lấy dịch trong miệng của bạn để xét nghiệm. Tùy vào loại xét nghiệm, kết quả có thể có trong 20 phút (với xét nghiệm HIV nhanh) hoặc trong vài ngày. Có các trường hợp kết quả xét nghiệm HIV sau:

2.1. Kết quả HIV âm tính

Xét nghiệm HIV nếu kết quả trả về là âm tính (Negative), có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm bạn không mang trong mình virus này hoặc xét nghiệm chưa phát hiện được vi rút trong cơ thể bạn.

Tuy nhiên có một số trường hợp kết quả âm tính nhưng không đúng với thực tế gọi là âm tính giả. Nghĩa là trường hợp này người xét nghiệm đã bị nhiễm HIV nhưng xét nghiệm lại cho kết quả âm tính, có thể do làm xét nghiệm trong thời gian “cửa sổ”.

Thời kỳ cửa sổ trong xét nghiệm HIV là khoảng thời gian từ lúc virus xâm nhập cho đến lúc cơ thể sản sinh được đủ lượng kháng thể. Thời gian này khi làm xét nghiệm sẽ cho kết quả âm tính trong khi người làm xét nghiệm thực sự đã bị nhiễm HIV và có thể lây truyền virus HIV cho người khác.

Khi nghi ngờ hoặc không yên tâm với kết quả xét nghiệm nên kiểm tra lại một lần sau khoảng 1 - 3 tháng để cho kết quả chính xác.


2.2. Kết quả HIV dương tính


Kết quả HIV dương tính (positive) nghĩa là bạn đã bị nhiễm HIV
Kết quả HIV dương tính (positive) nghĩa là bạn đã bị nhiễm HIV

Xét nghiệm tra về với kết quả xét nghiệm dương tính (Positive), có nghĩa là bạn đã bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên cũng có một số ít trường hợp cho kết quả dương tính giả. Nghĩa là thực tế bạn không bị nhiễm HIV nhưng kết quả trả về lại là dương tính.

Kết quả dương tính giả có thể do việc nhầm lẫn trong quá trình xét nghiệm hay do người làm xét nghiệm đang mắc các bệnh như xơ gan, suy gan, lao.... hoặc dùng một số loại thuốc ảnh hưởng tới khả năng nhận diện kháng thể khi xét nghiệm.

Khi nghi ngờ kết quả để có một kết quả chính xác bạn nên xét nghiệm lại và nên chọn làm ở những cơ sở y tế uy tín.

Với những người có nguy cơ mắc bệnh cao như đã nói ở trên thì việc xét nghiệm giúp phát hiện sớm bệnh, tăng hiệu quả điều trị, kéo dài tuổi thọ và tránh lây truyền HIV cho người khác. Nên thường xuyên làm xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng/lần nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe