Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Mờ mắt đột ngột là một tình trạng xảy ra khá phổ biến, nó có thể bắt nguồn từ một vấn đề bất kỳ nào đó liên quan đến mắt, chẳng hạn như giác mạc, dây thần kinh thị giác hoặc võng mạc. Tình trạng mờ mắt có thể tiến triển từ từ do các bệnh lý lâu dài gây ra và cần được điều trị sớm nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm tới thị lực.
1. Những nguyên nhân phổ biến gây mờ mắt đột ngột
Một số nguyên nhân chính gây ra hiện tượng mờ mắt đột ngột, cần được điều trị càng sớm càng tốt để giúp ngăn ngừa những tổn thương mắt và mất thị lực vĩnh viễn bao gồm:
1.1 Bong võng mạc
Bong võng mạc xảy ra khi mô võng mạc tách ra xa phía sau của mắt và mất đi nguồn cung cấp máu cũng như dây thần kinh của nó.
Khi bị bong võng mạc, bạn sẽ nhìn thấy các đốm sáng nhấp nháy hoặc các đốm đen trước mắt, sau đó xuất hiện một vùng bị mờ hoặc không có tầm nhìn ở mắt. Nếu không được điều trị khẩn cấp, thị lực tại khu vực bị ảnh hưởng có thể mất đi vĩnh viễn.
1.2 Đột quỵ
Tình trạng mờ hoặc mất thị lực ở cả 2 bên mắt có thể xảy ra khi bạn bị đột quỵ, làm ảnh hưởng đến phần não kiểm soát thị lực. Cơn đột quỵ liên quan đến mắt có thể gây ra mờ hoặc mất thị lực chỉ ở 1 bên mắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác của đột quỵ, chẳng hạn như mất khả năng nói hoặc yếu một bên cơ thể.
1.3 Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA)
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) là một cơn đột quỵ kéo dài dưới 24 giờ. Nguyên nhân chính gây ra TIA thường bao gồm tăng huyết áp, nghiện rượu, nghiện hút thuốc lá, béo phì, kháng insulin, rối loạn chuyển hóa lipid máu, bệnh tiểu đường, sử dụng thuốc hoặc ít vận động thể chất. Khi bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể gây ra triệu chứng điển hình như nhìn mờ ở 1 hoặc cả 2 mắt.
1.4 Thoái hoá điểm vàng (thể ướt)
Điểm vàng của mắt là vùng trung tâm của võng mạc. Khi bị thoái hoá điểm vàng (thể ướt) sẽ làm phát triển các mạch máu bất thường, khiến máu và các chất lỏng khác rò rỉ vào điểm vàng.
Tình trạng thoái hoá điểm vàng (thể ướt) có thể gây ra mờ và mất thị lực ở phần trung tâm của trường thị giác. Không giống như thoái hoá điểm vàng khô, loại bệnh này có thể xảy ra một cách đột ngột và tiến triển rất nhanh chóng.
1.5 Bệnh tăng nhãn áp góc đóng
Bệnh tăng nhãn áp góc đóng xảy ra khi hệ thống thoát trong mắt bị tắc nghẽn. Trong tình huống này, áp lực bên trong mắt có thể tăng lên rất nhanh, khiến cho mắt bị đỏ và đau nhức dữ dội.
Bệnh tăng nhãn áp góc đóng là một trường hợp y tế khẩn cấp, cần được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt hoặc uống để giảm áp lực bên trong mắt. Trong một số trường hợp cụ thể, bệnh nhân có thể phải thực hiện thủ thuật laser để mở mống mắt chu biên hoặc phải phẫu thuật cắt bè củng – giác mạc
1.6 Tổn thương giác mạc
Giác mạc là một lớp phủ ở ngay phía trước của mắt. Khi giác mạc bị trầy xước hoặc bị thương có thể dẫn đến tình trạng mài mòn giác mạc. Bên cạnh triệu chứng mờ mắt, bạn cũng có thể cảm thấy như có vật gì đó ở bên trong mắt mình.
1.7 Đường huyết cao
Lượng đường trong máu quá cao có thể khiến cho mắt có tình trạng mờ mắt đột ngột.
1.8. Xuất huyết tiền phòng
Xuất huyết tiền phòng là tình trạng máu đọng lại bên trong phía trước nhãn cầu. Nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là do chảy máu xảy ra sau khi mắt bị chấn thương. Ngoài ra, khi xuất huyết sẽ làm cho áp lực bên trong mắt của bạn tăng cao có thể khiến mắt bạn cảm thấy rất đau nhức.
1.9. Viêm mống mắt
Mống mắt là phần mắt có màu sắc. Tình trạng viêm mống mắt xảy ra khi cơ thể bạn có phản ứng tự miễn dịch hoặc nhiễm trùng khiến mống mắt bị viêm.
Viêm mống mắt có thể tự xảy ra hoặc là một phần kết quả của tình trạng tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh u hạt (sarcoidosis) hoặc viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, nó cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng, chẳng hạn như mụn rộp.
Khi bị viêm mống mắt, bạn sẽ có cảm giác đau đớn ở mắt và nhạy cảm với ánh sáng, hay còn được gọi là chứng sợ ánh sáng.
1.10. Viêm giác mạc
Viêm giác mạc là một tình trạng về mắt xảy ra do nhiễm trùng. Ngoài ra, việc sử dụng kính áp tròng quá lâu hoặc vệ sinh kính không đúng cách cũng có thể là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
1.11 Lỗ hoàng điểm
Điểm vàng (hoàng điểm) là trung tâm của võng mạc, chịu trách nhiệm về tầm nhìn trung tâm của bạn. Khi hoàng điểm bị rách hoặc vỡ có thể dẫn đến triệu chứng mờ mắt. Thông thường, lỗ hoàng điểm sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến một bên mắt.
1.12 Viêm dây thần kinh thị giác
Dây thần kinh thị giác sẽ kết nối mắt với não của bạn. Tình trạng viêm dây thần kinh thị giác xảy ra do phản ứng tự miễn dịch hoặc bệnh đa xơ cứng. Các nguyên nhân khác bao gồm bệnh lupus hoặc nhiễm trùng. Thông thường, tình trạng viêm dây thần kinh thị giác chỉ làm ảnh hưởng đến một bên mắt.
1.13 Viêm động mạch thái dương
Viêm động mạch thái dương là một tình trạng viêm ở các động mạch có kích thước trung bình. Các mạch máu xung quanh thái dương khi bị viêm có thể gây ra đau đầu nhói ở trán, làm cho tầm nhìn của bạn bị mờ hoặc biến mất.
2. Một số triệu chứng khác kèm theo mờ mắt đột ngột
Cùng với tình trạng mờ mắt đột ngột, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khác từ nhẹ cho đến nghiêm trọng, bao gồm:
- Sợ ánh sáng;
- Đỏ mắt;
- Đau mắt;
- Song thị;
- Có các đốm nổi trước mắt, hay còn gọi là hiện tượng ruồi bay trước mắt.
Một số triệu chứng phổ biến hơn, chẳng hạn như:
- Tiết dịch mắt, có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng;
- Nhức đầu và buồn nôn, thường xuất hiện với chứng đau nửa đầu Migraine hoặc tăng nhãn áp cấp
- Khó nói, yếu một bên cơ thể kèm theo đột quỵ hoặc TIA.
Những dấu hiệu cảnh báo sau đây cho thấy bạn đang mắc phải một tình trạng nghiêm trọng về mắt, có thể gây tổn thương mắt vĩnh viễn và mất thị lực, bao gồm:
- Thay đổi đột ngột trong tầm nhìn;
- Đau nhức mắt;
- Chấn thương mắt;
- Có các dấu hiệu của đột quỵ như xệ mặt, yếu một bên hoặc khó nói;
- Thị lực bị giảm đáng kể, đặc biệt là chỉ ở một bên mắt;
- Mất một vùng thị lực, hay còn gọi là khiếm khuyết trường thị giác;
- Mờ mắt đột ngột khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu do các bệnh như HIV hoặc một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hoá trị liệu.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào được liệt kê ở trên, bạn nên đến khám bác sĩ ngay lập tức để được đánh giá và điều trị bệnh.
3. Phương pháp điều trị mờ mắt đột ngột
Việc điều trị mờ mắt sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh ảnh hưởng đến thị lực của bạn. Cụ thể:
- Bong hoặc rách võng mạc: Cần được điều trị bằng phẫu thuật khẩn cấp để tránh mất thị lực vĩnh viễn.
- Đột quỵ: Cần được điều trị kịp thời và thích hợp cho loại đột quỵ mà bạn đang gặp phải. Đây được xem là một bước quan trọng, giúp ngăn ngừa sự tổn thương nghiêm trọng đến các tế bào não.
- Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua: Các triệu chứng của bệnh sẽ tự hết trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng thuốc chống đông máu để làm giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
- Thoái hóa điểm vàng thể ướt: Để cải thiện thị lực, bạn có thể sử dụng liệu pháp tiêm thuốc vào mắt. Ngoài ra, biện pháp điều trị quang đông bằng laser cũng có thể giúp làm chậm quá trình mất thị lực tuy nhiên không thể phục hồi được thị lực của bạn. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể sử dụng các thiết bị nâng cao thị lực đặc biệt nhằm giúp bạn nhìn thấy rõ hơn.
- Tổn thương giác mạc: Điều này có thể tự lành lại sau vài ngày. Bạn có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Mờ mắt do lượng đường trong máu cao: Để giải quyết được vấn đề này, bạn cần kiểm soát tốt được lượng đường trong máu của mình thông qua các biện pháp làm giảm mức đường huyết.
- Xuất huyết tiền phòng: Khi không có chấn thương nào khác và nhãn áp của bạn không tăng cao, bạn nên nghỉ ngơi trên giường và đeo miếng che mắt. Nếu tình trạng xuất huyết tiền phòng trở nên nghiêm trọng hơn và áp lực trong mắt tăng cao, bạn cần phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ máu sẫm đọng lại phía trước nhãn cầu.
- Viêm mống mắt: Tình trạng này thường có thể tự khỏi hoặc được điều trị bằng steroid. Tuy nhiên, nó có thể tái phát trở lại và thành căn bệnh mãn tính không thể điều trị được, dẫn đến mất thị lực và có thể cần phải sử dụng thuốc điều chỉnh hệ miễn dịch để ngăn ngừa điều này.
- Viêm giác mạc: Tùy theo nguyên ngân viêm giác mạc mà có thể điều trị thuốc tiêm, uống, nhỏ mắt tra mắt,...
- Lỗ hoàng điểm: Tình trạng này không thể tự khỏi và cần phải thực hiện phẫu thuật để sửa chữa lỗ thủng.
- Đau nửa đầu Migraine có thoáng báo: Khi mắc phải tình trạng này, bạn nên sử dụng thuốc thông thường để điều trị chứng đau nửa đầu.
- Viêm dây thần kinh thị giác: Bạn có thể ngăn ngừa và điều trị tình trạng này bằng thuốc steroid.
- Viêm động mạch thái dương: Tình trạng này cần được điều trị bằng steroid lâu dài để tránh các vấn đề về thị lực vĩnh viễn.
Khi việc điều trị bị trì hoãn, một số nguyên nhân gây ra hiện tượng mờ mắt đột ngột có thể dẫn đến giảm thị lực. Tuy nhiên, nếu điều trị kịp thời và thích hợp sẽ giúp bạn đạt được kết quả điều trị cao, không gây ra biến chứng đối với hầu hết nguyên nhân gây mờ mắt đột ngột.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com