Giai đoạn từ 0 đến dưới 1 tuổi là giai đoạn quan trọng và phát triển mạnh mẽ nhất của trẻ em do đó cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi này rất quan trọng. Lựa chọn thực phẩm không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn, sụt cân ở trẻ.
1. Chuối, đào và một số loại trái cây mềm khác
Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu phát triển kỹ năng cầm, nắm và đưa thức ăn vào miệng bằng các đầu ngón tay. Khi đó, trái cây tươi là lựa chọn hợp lý. Những loại trái cây này không chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng nguồn gốc thực vật cần thiết mà còn giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.
Cắt lát chuối, đào, dâu tây.... để trẻ tự dùng tay đưa trái cây vào miệng. Lưu ý không cắt lát quá lớn có thể gây nghẹn, bít tắc đường hô hấp.
Nếu trẻ không ngay lập tức ăn một loại trái cây mới, hãy kiên trì thêm nó vào các bữa ăn vì trên thực tế, trẻ cần tiếp xúc với những loại thực phẩm mới từ 6 đến 15 lần trước khi chấp nhận nó.
Trái cây tươi, mềm cũng thích hợp để làm sinh tố cho trẻ. Tuy nhiên, cần đảm bảo những loại trái cây trẻ ăn không để quá 2 giờ kể từ khi lấy ra khỏi tủ lạnh hoặc gọt vỏ.
2. Sữa và sữa chua
Trẻ dưới một tuổi là giai đoạn tập làm quen với các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ và đó là thời điểm thích hợp cho trẻ ăn thêm sữa ngoài
Sữa và sữa chua là nguồn protein và canxi tuyệt vời trong quá trình tạo xương, răng của trẻ. Một ly sữa nguyên chất (khoảng 244ml) cung cấp 8 gam protein và 39% nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể.
Nếu muốn thay đổi loại sữa cho trẻ cần khoảng 3-5 ngày để xác định những phản ứng của cơ thể với loại sữa mới này hoặc để chắc chắn hơn, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ trong việc lựa chọn sữa.
3. Cháo bột yến mạch
Những đứa trẻ chưa thành thạo trong việc sử dụng răng để nhai thì thức ăn dành cho chứng cần được cắt thành những miếng nhỏ và bột yến mạch là một lựa chọn hợp lý trong giai đoạn này.
Bột yến mạch dễ nuốt và chứa hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate, khoáng chất và các acid béo không bão hòa đơn.... Hơn thế nữa, bột yến mạch cung cấp lượng chất xơ dồi dào, hỗ trợ tốt cho đường tiêu hóa của trẻ.
4. Bánh kếp nguyên hạt
Đây nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ phong phú. Bánh kếp nguyên hạt chứa lượng lớn prebiotic thân thiện với đường tiêu hóa, giúp nuôi dưỡng các loại vi khuẩn có lợi.
5. Trứng
Trứng rất giàu protein và chất béo có lợi và một loạt các chất dinh dưỡng hỗ trợ sự phát triển chức năng của mắt và não bộ.
Ngoài ra trứng cũng là một loại thực phẩm dễ chế biến. Tuy nhiên cần lưu ý bởi đây là một trong tám loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến ở trẻ em. Cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp có các biểu hiện như nổi mề đay, nghẹt mũi, khó thở, ho hoặc mắc các vấn đề về tiêu hóa....
6. Đậu phụ
Đậu phụ là nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp sắt, canxi và protein. 56 gam đậu phụ có thể cung cấp gần 1 miligam sắt (tương đương 14% nhu cầu sắt của cơ thể trẻ) và 12% nhu cầu canxi hàng ngày.
7. Thịt gà
Những miếng thịt gà mềm như phần ức là nguồn bổ sung protein chất lượng cho sự phát triển về thể chất của trẻ. Để trẻ làm quen với thịt gà bằng cách xay nhuyễn và trộn cùng cháo ăn dặm sau đó có thể luộc hoặc xào trong trường hợp trẻ đã có thể tự nhai được.
8. Quả bơ
Bơ là thực phẩm chứa nhiều chất béo có lợi cho sự phát triển não bộ của trẻ. Khoảng 75 gam bơ có thể cung cấp 9 gam chất béo không bão hòa đơn. Bơ có thể được xay để ăn kèm với bánh mì hoặc ngũ cốc hay có thể trộn cùng các loại trái cây khác.
9. Nước
Thực phẩm không thể thiếu không chỉ đối với trẻ em mà đối với tất cả mọi người. Trẻ dưới 1 tuổi nên uống ít nhất 240ml nước mỗi ngày thậm chí là nhiều hơn trong trường hợp vận động nhiều, ốm hay sốt.
10. Bông cải xanh, đậu Hà Lan và cà rốt
Các loại rau củ quả như cải xanh, đậu Hà Lan và cà rốt chứa nhiều vitamin C và các chất xơ. Ngoài ra, cà rốt còn chứa lutein, một loại chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt. Trong khi đậu Hà Lan cung cấp protein hình thành nên cơ bắp của trẻ.
11. Các loại đậu, đỗ xay
130 gam đỗ xay cung cấp gần 39% nhu cầu về sắt cho cơ thể trẻ trong một ngày. Sử dụng đậu đỗ xay kèm theo một số loại thực phẩm giàu vitamin C như: Cải xanh, cà chua hoặc khoai lang sẽ giúp cơ thể trẻ hấp thu sắt tốt hơn. Ngoài ra, với những trẻ lười ăn thịt, chế độ ăn kết hợp này có thể cung cấp đủ sắt giúp phòng chống thiếu máu ở trẻ em.
12. Hummus
Hummus là sự kết hợp của đậu xanh và bơ làm từ hạt vừng. Bộ đôi này cung cấp lượng lớn protein, chất béo có lợi, vitamin và khoáng chất.
Hummus có thể được ăn kèm với bánh quy hoặc ngũ cốc giúp trẻ ngon miệng hơn.
Điểm chính trong việc lựa chọn thực phẩm cho trẻ dưới 1 tuổi là dễ nhai, mềm và bổ dưỡng điều quan trọng là cần kiên trì bởi trẻ cần từ 6 đến 15 lần “dùng thử” mới có thể đưa ra quyết định có chấp nhận ăn món này hay không. Trẻ mới chập chững biết đi cần khoảng 1.000 calo, 700 miligam canxi, 600 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D và 7 miligam sắt mỗi ngày để hỗ trợ sự tăng trưởng thích hợp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Bên cạnh đó cần thường xuyên theo dõi những bất thường xảy ra khi trẻ ăn những loại thực phẩm này để tránh tình trạng dị ứng, thậm chí ngộ độc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com