Việc nắm rõ các mốc khám thai quan trọng là điều rất cần thiết không chỉ giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt cho từng giai đoạn của thai kỳ mà còn góp phần phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra. Dưới đây là 10 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần nhớ, cùng với những lưu ý cần thiết để đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ
1.1. Khám thai lần đầu tiên khoảng tuần thứ 5 - 8
Việc ghi nhớ các mốc khám thai quan trọng là điều cần thiết và quan trọng, đặc biệt là khám thai lần đầu. Lần khám thai đầu thường được thực hiện khi bà bầu mang thai khoảng 5 – 8 tuần. Trong lần khám này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số đánh giá sau:
- Kiểm tra cân nặng và chiều cao để tính chỉ số BMI của cơ thể, nhằm đánh giá tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát cân nặng trong thai kỳ để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
- Có thể thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra hormone bHCG trong trường hợp siêu âm chưa rõ túi thai hoặc có dấu hiệu thai bất thường.
- Bác sĩ sẽ tính tuổi thai và ngày dự sinh của em bé dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.
- Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra một số bệnh như: Bệnh sởi, bệnh thủy đậu, viêm gan B, bệnh giang mai, HIV/AIDS, yếu tố Rh, nhóm máu và đánh giá tình trạng thiếu máu.
Tại buổi khám này, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ về cách bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết trong thai kỳ, hướng dẫn xây dựng lối sống và nhắc nhở về các loại thuốc và thực phẩm cần tránh. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra và đánh giá nguy cơ sảy thai để có biện pháp dự phòng.
1.2. Lần khám thai thứ 2: Trong khoảng thời gian từ tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày
Lần khám thai thứ hai là một trong các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần lưu ý. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm để đánh giá sức khỏe của mẹ cũng như tình trạng phát triển của thai nhi.
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm Double test và siêu âm để kiểm tra các bất thường lớn có thể xảy ra ở tuổi thai này, chẳng hạn như thai vô sọ, thoát vị rốn hoặc bàng quang lớn.
Đặc biệt, siêu âm đo độ mờ da gáy sẽ được thực hiện để đánh giá nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down và một số bệnh bất thường về nhiễm sắc thể như bệnh Edward hoặc Patau. Nếu kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc bệnh di truyền, bác sĩ sẽ tư vấn các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác, chẳng hạn như xét nghiệm NIPT (xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn) hoặc sinh thiết gai nhau.
Xét nghiệm NIPT có ưu điểm nổi bật là không xâm lấn, hoàn toàn không gây hại cho thai nhi và có thể thực hiện từ tuần thứ 10 trở đi. NIPT được khuyến cáo chỉ định cho các đối tượng có nguy cơ cao và thậm chí có thể là lựa chọn đầu tay cho các mẹ bầu trong việc sàng lọc lệch bội ở quý 1.
Ngoài ra, đây là thời điểm thích hợp để tiến hành xét nghiệm đánh giá nguy cơ tiền sản giật, giúp thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao có thể dự phòng bằng thuốc.
1.3. Lần khám thai thứ 3: Từ tuần 16-22
Một trong các mốc khám thai quan trọng là lần khám thứ 3. Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các kiểm tra thường quy như cân nặng, huyết áp, siêu âm và xét nghiệm nước tiểu để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Nếu xét nghiệm Double test chưa được thực hiện, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Triple test. Loại xét nghiệm máu này được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 15 đến 18 của thai kỳ. Các xét nghiệm này nhằm sàng lọc các bệnh như ở quý 1 thai kỳ nhưng có độ nhạy thấp hơn so với Double test.
Nếu các xét nghiệm trước đó cho thấy thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện xét nghiệm chọc ối vào khoảng giữa tuần thứ 15 đến 18 của thai kỳ. Thai phụ cần lưu ý rằng thủ thuật này có nguy cơ gây sảy thai, tuy nhiên tỷ lệ này khá thấp, chỉ khoảng dưới 1%.
1.4. Lần khám thai thứ 4: Trong khoảng thời gian từ tuần 22-28
Để theo dõi thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá sau:
- Kiểm tra cân nặng.
- Đo huyết áp.
- Khám thai: Đo khoảng cách từ đáy tử cung xuống xương mu (còn gọi là đo chiều cao tử cung và vòng bụng sản phụ) để theo dõi sự phát triển của thai nhi, cũng như kiểm tra nhịp tim thai.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi: Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm 4D để kiểm tra hình thái của thai nhi, phát hiện các bất thường liên quan đến tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống và thận. Đồng thời, siêu âm cũng giúp kiểm tra vị trí bám của nhau thai và lượng nước ối.
- Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: Bằng nghiệm pháp dung nạp glucose để phát hiện kịp thời đái tháo đường thai kỳ, từ đó có thể can thiệp bằng cách thay đổi chế độ ăn, lối sống và có thể dùng thêm insulin nếu cần thiết.
- Tiêm vắc xin uốn ván: Tiêm mũi đầu tiên của vắc xin uốn ván VAT.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu rõ về quá trình sinh con?
Mang thai và sinh con là một giai đoạn quan trọng có quyết định rất lớn đến sức khỏe của người mẹ và em bé sau này. Các câu hỏi trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình sinh con.
Bài dịch từ: webmd.com
1.5. Lần khám thai thứ 5: Từ tuần 28-32
Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi huyết áp, cân nặng và thực hiện xét nghiệm nước tiểu cho bà mẹ để đánh giá xem có tình trạng cao huyết áp hoặc tiền sản giật hay không.
Siêu âm sẽ được thực hiện trong quý 3 của thai kỳ nhằm phát hiện các bất thường khởi phát muộn ở thai nhi, như tắc ruột, giãn não thất hoặc nhiễm trùng bào thai, đồng thời theo dõi sự phát triển của thai nhi. Trong lần khám thai này, thai phụ cũng sẽ được tiêm mũi thứ 2 vắc xin uốn ván VAT. Do đó, đây là một trong các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua.
1.6. Lần khám thai thứ 6: Từ tuần 32-34
Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, siêu âm thai để ước tính kích thước của thai nhi, nhau thai và lượng nước ối, xác định ngôi thai, cũng như thực hiện xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm non-stress nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi.
1.7. Lần khám thai thứ 7: Từ tuần 34-36
Bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá tương tự trong lần khám thai thứ 6 để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Bộ xét nghiệm máu và nước tiểu cơ bản sẽ được thực hiện, cùng với việc nuôi cấy dịch âm đạo để tìm kiếm liên cầu khuẩn nhóm B.
1.8. Lần khám thai thứ 8,9,10: Từ tuần 36 đến tuần 39
Đây là một trong các mốc khám thai quan trọng vì thai phụ sắp bước vào quá trình chuyển dạ. Trong giai đoạn này, thai phụ cần đi khám thai mỗi tuần một lần. Tại các buổi khám, bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám thường quy như siêu âm, xét nghiệm máu để chuẩn bị cho cuộc sinh, xét nghiệm nước tiểu, thực hiện Non-stress test và kiểm tra cổ tử cung nhằm theo dõi tiến trình thai kỳ.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm để đánh giá khung xương chậu, từ đó xác định xem thai phụ nên sinh thường hay sinh mổ. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho thai phụ cách nhận biết các dấu hiệu sắp sinh để kịp thời nhập viện.
Việc thực hiện Non-stress test hay còn gọi là đo tim thai sẽ dựa trên sự thay đổi nhịp tim thai tương ứng với chuyển động của thai nhi. Xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ đánh giá xem thai nhi có nhận đủ oxy hay không.
2. Các lưu ý khi khám thai
Ngoài ghi nhớ các mốc khám thai quan trọng, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau để việc khám thai diễn ra nhanh chóng:
- Mặc quần áo thoải mái và mang dép bệt để khám thai thuận lợi.
- Nên nhịn ăn và không dùng chất kích thích để tăng tính chính xác của kết quả xét nghiệm.
- Khi khám thai trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, thai phụ nên uống nhiều nước và nhịn tiểu để hình ảnh siêu âm được rõ nét.
- Sang các mốc khám thai quan trọng tiếp theo, mẹ bầu nên tránh uống nước và đi tiểu trước khi khám thai vì lúc này thai nhi đã phát triển lớn hơn.
- Để đảm bảo khám thai an toàn, thai phụ nên vệ sinh cơ thể đặc biệt là vùng kín sạch sẽ.
- Lưu trữ tất cả hồ sơ và kết quả xét nghiệm để trong một tập hồ sơ để dễ dàng theo dõi và mang theo khi đi khám.
- Xin giấy xác nhận thăm khám tại cơ sở y tế để hưởng đầy đủ các quyền lợi thai sản.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ những tháng đầu của thai kỳ. Chương trình bao gồm đầy đủ các mốc khám thai quan trọng, siêu âm 3D và 4D định kỳ cùng với các xét nghiệm thường quy, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Các sản phụ sẽ không còn cảm thấy cô đơn khi bước vào cuộc chuyển dạ, vì có người thân đồng hành, giúp quá trình sinh con trở nên an tâm và tràn đầy hạnh phúc.
Mẹ và bé sẽ được chăm sóc toàn diện trước, trong và sau khi sinh. Mẹ sẽ thực hiện các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là sàng lọc tuyến giáp, xét nghiệm Rubella và xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con. Bé sẽ được xét nghiệm sàng lọc trước và sau sinh để tầm soát các bệnh lý bất thường và dị tật bẩm sinh ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đặc biệt, tại Vinmec, các bác sĩ sẽ phân tích kết quả và tư vấn di truyền sàng lọc trước sinh cho bé.
Ngoài ra, dịch vụ "đẻ không đau" được cung cấp trong suốt quá trình sinh và sau sinh thông qua kỹ thuật gây tê màng cứng không morphin và gây tê thần kinh thẹn giúp xóa tan nỗi sợ hãi của nhiều bà mẹ khi sinh nở. Trong suốt quá trình sinh, sản phụ sẽ được các hộ lý hướng dẫn cách rặn đẻ và thở đúng cách, giúp bé chào đời chỉ trong 10 - 15 phút. Sau khi sinh, bé sẽ được chăm sóc trong phòng vô trùng trước khi được đưa về với mẹ.
Sản phụ sẽ được nghỉ ngơi trong phòng bệnh cao cấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn quốc tế, một mẹ một phòng với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi và hiện đại. Các chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn cho mẹ về phương pháp nuôi dưỡng bé trước khi xuất viện. Sau sinh, cả mẹ và bé sẽ được tái khám với các bác sĩ Sản khoa và Nhi khoa.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã đã có kinh nghiệm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trước khi gia nhập Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bác sĩ Nhã có thế mạnh và kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, theo dõi và điều trị thai nghén, các bệnh lý thai, khám tầm soát thai kỳ, thực hiện các kỹ thuật mổ lấy thai và phẫu thuật nội soi để điều trị u nang buồng trứng cũng như thai ngoài tử cung.
Nếu hành trình đón con yêu của ba mẹ còn nhiều lo lắng và trăn trở, Vinmec luôn sẵn sàng đồng hành cùng gia đình trong các mốc khám thai quan trọng cũng như hành trình mang thai thiêng liêng.
Với đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và hệ thống chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản công nghệ cao, Vinmec cùng ba mẹ sẽ đón bé yêu bình an với chi phí hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.