Công dụng của tỳ giải

Vị thuốc tỳ giải là một trong những vị thuốc Bắc được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Với tác dụng lợi thủy - thẩm thấp, tỳ giải dược liệu thường được dùng trong bệnh phong thấp gây đau lưng, mỏi gối, mụn nhọt hoặc tiểu tiện không thông...

1. Vài nét về vị thuốc tỳ giải

Tỳ giải dược liệu còn có tên gọi là Xuyên tỳ giải, Tắt giã, Phấn tỳ giải, Bì giải, Củ Kim cang, Bạt kế...; tên khoa học là Dioscorea tokoro Makino, thuộc họ Dioscoreaceae.

Cây tỳ giải là một loại cây leo, sống lâu năm với phần rễ phình to thành củ, mặt ngoài có màu vàng nâu, bên trong có màu trắng vàng, tính chất củ tỳ giải khá cứng, có vị đắng. Thân cây tỳ giải nhỏ, gầy, lá cây tỳ giải mọc so le, có hình trái tim với cuống lá dài, đầu lá tỳ giải nhọn, có 7 - 9 hoặc 11 gân lớn và các lá kèm biến thành tua cuốn. Hoa tỳ giải là hoa đơn tính, khác gốc, hoa có màu xanh nhạt, quả tỳ giải khá nhỏ, có dìa như cánh. Cây tỳ giải ra hoa vào mùa hè và thu.

vị thuốc tỳ giải
Đặc điểm nhận dạng của vị thuốc tỳ giải

2. Thu hái và chế biến vị thuốc tỳ giải

Bộ phận dùng của tỳ giải dược liệu là thân rễ hay còn gọi là củ. Củ tỳ giải to, vỏ trắng ngà, ruột có màu trắng, chứa nhiều chất bột, không mốc - mọt, không vụn nát được xem là tỳ giải dược liệu loại tốt.

Tỳ giải khai thác được sử dụng trong nước và một số còn có thể xuất khẩu. Tỳ giải được khai thác quanh năm nhưng tỳ giải dược liệu tốt nhất được thu hái vào mùa thu đông.

Đào củ tỳ giải về rửa sạch đất rồi đem đi phơi khô hoặc có khi thái củ tỳ giải thành từng miếng mỏng sau đó mới phơi cho nhanh khô. Các bào chế vị thuốc tỳ giải theo Trung Y là bỏ hết phần rễ con, rửa cho sạch đất cát, sau đó thái lát mỏng rồi phơi khô, dùng sống. Cách bào chế vị thuốc tỳ giải theo kinh nghiệm Việt Nam là ngâm nước vo gạo 1 đêm, sau đó rửa sạch bằng bàn chải, ủ mềm đều rồi bào hay thái mỏng, sau đó mới đem đi phơi khô. Tỳ giải dược liệu sau khi sơ chế cần được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh tác động của mối mọt.

3. Công dụng của tỳ giải

Vị thuốc tỳ giải chủ trị các tình trạng bệnh lý sau đây:

Tùy theo thể trạng, cơ địa của người bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh tình, thầy thuốc có thể kê đơn cho bệnh nhân dùng từ 4 – 20g vị thuốc tỳ giải mỗi ngày. Có thể sử dụng tỳ giải đơn độc hoặc dùng phối hợp với các vị thuốc khác để làm thuốc sắc hoặc chế hoàn (làm thành viên hoàn).

4. Độc tính của vị thuốc tỳ giải

Các hoạt chất saponin có trong vị thuốc tỳ giải khi sử dụng với liều cao, dùng kéo dài nhiều ngày có thể gây phá vỡ hồng cầu, gây ra các tác dụng phụ bất thường gồm có: say, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, choáng đầu óc, nếu có cơ địa quá mẫn còn có thể bị dị ứng với vị thuốc tỳ giải. Do đó cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc có chuyên môn để được tư vấn về những lợi ích và nguy cơ có thể gặp phải khi sử dụng vị thuốc từ củ cây tỳ giải để chữa bệnh.

vị thuốc tỳ giải
Cây tỳ giải cũng có một số độc tính khi sử dụng không đúng cách

5. Các bài thuốc từ tỳ giải dược liệu

5.1. Đau mỏi 2 chân, lở ngứa ngoài da do thấp nhiệt

  • Chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm 14g tỳ giải dược liệu, 14g ngưu tất, 14g đương quy, 12g hà thủ ô, 12g tra tử, 12g đỗ trọng dây, 12g xô thơm và cam thảo 4g.
  • Đem các nguyên liệu đi sắc chung với 5 bát nước, đến khi còn 2 bát thì ngưng và chia làm 3 lần uống trong ngày

5.2. Chứng tiểu rắt, tiểu đục do thấp nhiệt

  • Người bệnh chuẩn bị 16g vị thuốc tỳ giải cùng 12g mỗi vị ô dược, anh khoa khố, thạch xương bồ và 8g cam thảo.
  • Sau đó đem đi sắc uống tương tự như bài thuốc phía trên.

5.3. Mót tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu đục kèm theo chất nhờn

  • Đem tỳ giải, bàng kỳ, anh hoa khoa, thạch xương bồ với số lượng như nhau tán thành bột mịn và bảo quản trong lọ kín.
  • Khi cần sử dụng, người bệnh lấy 8-12g bột đem sắc với 3 ly nước, thêm 1g muối ăn vào và uống khi còn nóng.

5.4. Nhiễm trùng tiết niệu, tiểu nhiều lần kèm tiểu ít

  • Nguyên liệu bao gồm 12g tỳ giải, 12g nghiệt bì, 12g thử cô, 12g sơn thù, 12g thủy đề, 12g phục linh, 12g ngưu tất, hoài sơn 16g.
  • Đem tất cả đi sắc kĩ lấy nước và chia làm 3 lần uống, mỗi ngày dùng 1 thang thuốc như trên.

5.5. Mụn nhọt, ngứa da, rỉ dịch vàng do thấp nhiệt

  • Chuẩn bị: 20g tỳ giải, 12g mỗi vị bạch tiên bì và uy linh tiên, 16g mỗi vị ké đầu ngựa và kim ngân, 32g thổ phục linh, 6g cam thảo.
  • Đem tất cả nguyên liệu sắc lấy nước uống đều đặn mỗi ngày 1 thang. Cần sử dụng liên tục đến khi bệnh khỏi thì ngưng.

5.6. Sỏi tiết niệu, nước tiểu lắng cặn

Đem 12g tỳ giải, 12g cây vảy rồng, 12g ý dĩ, 12g ngưu tất nam, 12g ô dước đi sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang trong một thời gian để đánh tan sỏi

5.7. Phong thấp, đau nhức tay chân, thân mình không thể vận động

  • Chuẩn bị 12g vị thuốc tỳ giải, 12g cỏ xước, 12g sơn khương, 16g đan sâm, 8g hắc phụ, 8g chỉ xác.
  • Đem dược liệu tán thành bột mịn, sau đó trộn với mật ong và vo thành viên hoàn.
  • Mỗi lần sử dụng lấy 12g và uống chung với rượu nóng.

5.8. Tiểu nhỏ giọt, tiểu rắt do thấp nhiệt

Chuẩn bị các vị thuốc gồm có 8g tỳ giải, 2g sơn đồ, 6g huyết căn, 4g phục linh, 3g tâm sen, 4g sơn liên, 2g thạch xương bồ, 6g xa tiền tử, đem tất cả sắc lấy nước uống hàng ngày, mỗi ngày 1 thang.

5.9. Tiểu nhiều lần mất kiểm soát

Chuẩn bị vị thuốc tỳ giải, cây ruột già, mộc miên, hoàng kỳ, phục linh, anh hoa khố, lông cu li, đại vân, thỏ ty tử, lộc nhung: tất cả đem tán thành bột mịn và trộn chung với rượu hồ. Sau đó vo thành viên hoàn cỡ bằng hạt ngô, uống chung với rượu ấm khoảng 30 viên/lần.

5.10. Đau dây thần kinh tọa, kinh thận trúng phong

Đem một lượng bằng nhau của các vị thuốc tỳ giải, lông cu li, tu tiên, bạch linh, hà thủ ô, mã đề nước, thiên hùng đi tán thành bột mịn. Mỗi ngày sử dụng sẽ hòa 8g chung với nước cơm uống.

vị thuốc tỳ giải
Vị thuốc tỳ giải sau khi sơ chế có thể dùng trong một số bài thuốc cổ truyền

5.11. Nhọt độc, giang mai, đau đầu dữ dội

  • Chuẩn bị: 20g tỳ giải, 2.4g bách chiểu, 2g cam thảo, 2.4g xuyên quy, 20g hà thủ ô, 2.4g nghiệt bì, 2.4g hồ ma, 1.2g hồng hoa, 20g bạch hành, 1.8g khương hoạt, 20g hồi thảo, 6g quy bản, 2.4g mã kế, 2.4g thạch xương bồ, 2.4g mộc thông, 1.8g xuyên tiêu.
  • Đem sắc lấy nước đặc, hòa chung với một ít rượu uống, nếu bị bệnh ở phần trên thì uống sau bữa ăn, ngược lại uống lúc bụng đói.

5.12. Bệnh gout

  • Người bệnh thể khí trệ trọc ứ: thường xuyên đau nhức tái phát, sưng khớp, xơ cứng, biến dạng khớp, rêu lưỡi đóng lớp trắng dày: Lấy 24g tỳ giải, 30g thục chi, 15g thương truật, 24g ý dĩ, 24g mao đông thanh, 10g xuyên sơn giáp, 12g đương quy, 15g rễ thược dược, 15g ngưu tất, 15g uy linh tiên, 6g vỏ quýt, 8g xuyên khung đem sắc chung với nhau lấy nước uống ngày 1 thang;
  • Bệnh gout thể tỳ hư trọc ứ: Các khớp xương đau nhức, nổi tophi, tê bì tay chân, hạn chế cử động, chất lưỡi hồng nhạt đóng rêu trắng: 24g Tỳ giải, 12g hán trung phòng kỷ, 24g hoàng kỳ, 12g bạch truật, 24g ý dĩ, 24g thổ phục linh, 12g tàm sa, 12g xích thược, mỗi ngày sắc uống 1 thang;
  • Tăng cường chuyển hóa axit uric, giảm đau nhức xương khớp, tiêu viêm, bổ gan thận: 12g vị thuốc tỳ giải, 12g địa hoàng, 12g thược dược, 12g thổ phục linh, 12g đỗ phụ, 12g phòng phong, 12g cỏ xước, 12g bạch giới tử, 12g sơn khương, 12g cam thảo, 12g hỏa sâm: đem tất cả dược liệu sắc cùng 5 chén nước và lấy 1 chén còn lại, đem gạn và lấy nước còn lại uống sau ăn tối;
  • Người bệnh gout lâu năm, đau nhức khớp dữ dội, tê bì tay chân: 16g tỳ giải, 12g bạch truật, 12g thủy đề, 12g bạch linh, 4g cam thảo, 16g bạch cát, 16g sinh địa và 3 quả đại táo cho tất cả vào ấm chuyên dụng sắc với 5 chén nước, sắc cạn còn 3 chén thì ngưng, chia thuốc ra uống 3 lần, vào các buổi sáng, trưa, tối.

5.13. Điều trị bệnh gai cột sống

Chuẩn bị 16g tỳ giải dược liệu, 12g khoan cân đằng, 20g hoài sơn, 20g cẩu tích, 16g đỗ trọng, 16g hộc huyết, 12g thỏ ty tử, 12g ngưu tất nam, 12g củ mài đem sắc các nguyên liệu với nước và uống mỗi ngày 1 thang.

5.14. Bệnh viêm bàng quang

Dùng cho bệnh viêm bàng quang mãn tính:

  • Tỳ giải và xa tiền tử mỗi vị 16g; thục địa, nga truật, hoàng bá nam, sa sâm, thạch hộc, ngưu tất mỗi vị 12g; kim ngân hoa 20g, tạo giác thích 8g;
  • Cách dùng: Sắc lấy nước thuốc uống 2 lần trong ngày vào buổi sáng và chiều, mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị, cải thiện các triệu chứng bệnh viêm bàng quang:

  • 30g tỳ giải, 30g rễ ý dĩ, 40g râu mèo;
  • Cách dùng: Đem các dược liệu trên sắc với nước và uống 1 thang mỗi ngày.

6. Kiêng kỵ khi sử dụng vị thuốc tỳ giải

Không dùng tỳ giải dược liệu này trong các trường hợp:

  • Âm hư hỏa vượng;
  • Thận hư dẫn đến chứng đau lưng;
  • Dị ứng với các thành phần hóa học có trong cây tỳ giải;

Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, bệnh nhân đang điều trị thuốc tây, người đang nhiễm bất kỳ bệnh lý nào cũng cần thông báo cho thầy thuốc biết rõ trước khi chỉ định các bài thuốc có cây tỳ giải.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan