Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Hồng Chính - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông
Rau tề thái được biết là có tác dụng thanh nhiệt, minh mục (sáng mắt), tiêu viêm. Chính vì vậy, trong Y Học Cổ Truyền có bài thuốc điều trị mờ mắt, nóng gan từ rau tề thái rất hay, đó là hái rau tươi nấu cháo ăn hàng ngày. Món ăn này có tác dụng bổ gan, ăn dần sẽ giúp sáng mắt.
1. Rau tề thái là gì?
Rau tề thái còn có tên khác là cây tề, địa mễ thái, cải dại, cỏ tâm giác.
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây tề thái được thu hái lúc ra hoa. Trong lá non rau tề thái có chứa acid ascorbic, nhiều vitamin K1, acid amin, đường đơn, các dẫn chất choline và nguyên tố kim loại.
Theo Đông y, rau tề thái có vị ngọt nhạt, tính mát, đi vào tạng can và phủ vị. Thuốc có tác dụng:
- Thanh nhiệt, giảm ho, trừ suyễn, cầm máu, lợi tiểu, tiêu thũng;
- Bổ tỳ kiện vị;
- Thanh can minh mục.
Rau tề thái được dùng điều trị cho các trường hợp sau:
- Chảy máu cam;
- Thổ huyết (nôn ra máu);
- Khái huyết (ho ra máu);
- Niệu huyết (đi tiểu ra máu);
- Tiện huyết (đại tiện ra máu);
- Viêm sưng kết mạc mắt;
- Phù nề, đầy trướng;
- Vấn đề về kinh nguyệt;
- Nhiễm trùng bàng quang;
- Các vấn đề về tim mạch như suy tim nhẹ, huyết áp thấp,...
Liều dùng rau tề thái dạng cây tươi từ 50 - 100g, dạng khô từ 10 - 15g; có thể nấu hãm, ép nước hoặc phối hợp với các thuốc khác.
2. Tác dụng dược lý của rau tề thái
Theo nghiên cứu, rau tề thái có tác dụng dược lý giống như cựa lõa mạch, cao lỏng có tác dụng lên tử cung cô lập hay trên mẩu ruột đều gây co bóp rõ rệt. Trong rau tề thái chứa axit bursic có tác dụng cầm máu. Vì trong rau tề thái có colin và acetylcholin, cho nên khi tiêm cao lỏng vào dưới da động vật, lập tức gây hạ huyết áp và co thắt cơ hô hấp.
Năm 1957, một nghiên cứu đăng trên Thượng hải trung y dược tạp chí, đã báo cáo việc dùng nước sắc và cao lỏng rau tề thái thí nghiệm trên tử cung cô lập của chuột bạch, tử cung tại chỗ của thỏ, mèo và tử cung trường diễn của thỏ thì đều thấy có tác dụng hưng phấn. Thành phần gây hưng phấn tử cung được xác định tan trong nước, trong rượu loãng, nhưng không tan hoặc rất khó tan trong cồn nguyên chất, ete dầu hỏa, ete etylic và clorofom không có nước. Nghiên cứu cũng cho thấy thấy tề thái có tác dụng cầm máu và máu chóng đông lại.
Tiêm cao lỏng rau tề thái vào tĩnh mạch của chó đã được gây mê thì thấy có tác dụng hạ huyết áp, đồng thời hệ hô hấp được hưng phấn. Nếu như tiêm atropin trước thì hiện tượng hạ huyết áp có thể không xuất hiện, nhưng hiện tượng hưng phấn hô hấp không bị ảnh hưởng.
3. Một số bài thuốc dùng rau tề thái
Bài thuốc từ rau tề thái được các thầy thuốc sử dụng đó là:
- Chữa lỵ ra máu: Lấy 30g rau tề thái sao đen hay sao tồn tính sắc uống.
- Chữa phế ung, ngực đầy tức, khó thở hoặc toàn thân phù thũng: Sử dụng rau tề thái khô 20g, đại táo 5 quả, sắc ngày uống 1 thang.
- Chữa cổ trướng, đái sẻn ít: Sử dụng rau tề thái khô 100g, đình lịch tử 100g, đem tán nhỏ mịn, làm thành viên hoàn mật 10g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1 viên với nước sắc trần bì.
Một số món ăn có rau tề thái được dùng để chữa bệnh:
- Canh rau tề thái thịt lợn: Chuẩn bị 100g rau tề thái tươi, xương lợn 80 - 100g. Ninh xương lợn cho nhừ sau đó cho rau tề thái đã rửa sạch thái nhỏ vào, thêm gia vị vừa ăn. Món ăn này rất tốt cho các trường hợp chảy máu cam, đái ra máu, đau mắt đỏ...
- Canh rau tề thái trứng gà: Chuẩn bị rau tề thái tươi 200g, trứng gà 1 - 2 quả. Rau tề thái đem rửa sạch cắt ngắn, cho vào nồi nấu thành canh. Khi rau chín nhừ thì đập trứng gà vào và nêm gia vị cho vừa ăn. Món canh này thường dùng cho các trường hợp lao thận đái máu.
- Chè tề thái mứt táo ngó sen: Chuẩn bị rau tề thái 60g, ngó sen 20g, táo 5 quả, đem nấu thành dạng canh hoặc chè đặc, ăn cả cái lẫn nước. Món ăn này thường dùng cho các trường hợp chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Trong dân gian rau tề thái cũng dùng để nấu cháo, ép nước tươi uống hoặc làm bánh. Trong y học dân gian Trung Quốc dùng rau tề thái chữa bệnh đái đục với liều 8 - 12g, sắc uống trong ngày.
4. Rau tề thái có an toàn không?
Rau tề thái an toàn khi uống hoặc dùng cho da với lượng nhỏ. Rau tề thái có thể kém an toàn trong các trường hợp sau:
- Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Rau tề không an toàn khi dùng uống hoặc ngoài da trong thời kỳ mang thai vì nó có thể làm cho tử cung co bóp dẫn đến sảy thai.
- Vấn đề về tim: Rau tề thái có thể gây trở ngại cho việc điều trị bệnh tim. Tốt nhất là tránh sử dụng rau tề nếu bạn đang điều trị bệnh tim.
- Sỏi thận: Rau tề thái chứa các hợp chất hóa học gọi là oxalat, có thể hình thành sỏi thận. Nếu bạn đã từng bị sỏi thận trước đây, tốt nhất nên tránh sử dụng rau tề.
- Phẫu thuật: Rau tề thái có thể làm chậm hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương khi kết hợp với các loại thuốc được sử dụng trong và sau khi phẫu thuật. Bạn nên ngừng sử dụng rau tề thái ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
- Tình trạng tuyến giáp: Rau tề thái có thể gây trở ngại cho điều trị các bệnh về tuyến giáp, vì thế bạn nên tránh sử dụng.
Trên đây là một số thông tin về dược lý cũng như tác dụng của cây tề thái. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo, nếu muốn áp dụng điều trị, người dùng nên hỏi ý kiến thầy thuốc có chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.