Bồ hòn là một loại dược liệu xuất hiện trong rất nhiều bài thuốc dân gian. Quả bồ hòn có công dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, tăng cường miễn dịch, làm tan máu bầm và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh đường lý hô hấp. Cùng tìm hiểu những công dụng tuyệt vời của cây bồ hòn ngay trong bài viết sau đây.
1. Tổng quan về cây bồ hòn
Bồ hòn có tên khoa học là Sapindus saponaria L., thuộc họ Sapindaceae (Bò hòn). Cây bồ hòn còn được nhân dân ta gọi trại là cây bòn hòn. Bồ hòn là dạng cây gỗ to, cao khoảng 5 đến 10m hoặc hơn và thường rụng lá vào mùa khô. Bồ hòn có lá kép lông chim, mọc so le và có hoa lưỡng tính. Quả bồ hòn hình cầu, vỏ ngoài dày, có đường sống nổi rõ, quả khi chín thường nhăn nheo, màu vàng nâu và có hạt đen tròn. Mùa hoa thường rơi vào tháng 7-9 và mùa quả khoảng tháng 10-12.
Tại Việt Nam bồ hòn phân bố rải rác hầu hết các tỉnh thuộc vùng núi thấp (thường dưới 1000m) và trung du bao gồm các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Hà Tĩnh...Trước đây, cây bồ hòn thường được trồng ở một số nơi như đình chùa hay quanh làng bản để tạo cảnh quang, lấy quả và bóng mát. Bộ phận dùng của cây bồ hòn là quả và hạt. Quả được thu hái vào mùa thu, có thể để nguyên hoặc bỏ hạt phơi khô.
2. Thành phần hóa học có trong bồ hòn là gì?
Saponin chính là thành phần chính trong quả bồ hòn. Trong thịt quả bồ hòn có thể chứa tới 18% saponosid. Các saponin có trong bồ hòn là những saponin triterpen như sapindosid A, B, C, D, E, E1, X, Y, Y2...Bên cạnh đó, quả bồ hòn còn có mukuroyiosid Ia, Ib... Những loại saponin kể trên đều có hoạt tính bề mặt mạnh. Hiện có nhiều phương pháp chiết xuất saponin từ quả bồ hòn, trong đó cách đơn giản nhất là đun sôi bột quả với nước, sau đó cô đặc dịch chiết và kết tủa saponin bằng muối amoni sulfat. Ngoài ra, trong hạt bồ hòn còn có chứa 9–10% dầu béo.
3. Bồ hòn dược liệu có công dụng gì?
3.1 Công dụng của cây bồ hòn trong đời sống
Cây bồ hòn đã có nhiều ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Bồ hòn là loại cây thân gỗ nên thường được trồng với diện tích lớn để phủ xanh đồi trọc và cung cấp nguyên liệu gỗ cho sản xuất vật dụng. Các nhà sư cũng thường sử dụng những tràng hạt được xâu từ hạt bồ hòn.
Ngoài ra, saponin trong thịt quả bồ hòn có đặc tính tạo bọt, kháng khuẩn, không độc hại và thân thiện với môi trường. Vì vậy, nước bồ hòn từ lâu đã được ứng dụng để giặt giũ, tắm gội, dùng như chất tẩy trắng, đánh bóng đồ trang sức hoặc dùng để chống sâu bọ, côn trùng... Đặc biệt, nó có hiệu quả rất tốt trong trường hợp giặt đồ len, lụa vì các đồ này thường không chịu được độ kiềm của xà phòng. Có nhiều cách để làm nước bồ hòn nhưng đơn giản nhất là ngâm thịt quả bồ hòn khô, khoảng 10 quả cho 1 lít nước, sau đó đun sôi và ninh nhỏ lửa, tiếp đến để qua đêm rồi lọc lấy nước bồ hòn sử dụng. Bên cạnh đó, người ta còn có thể nghiền bồ hòn thành bột hoặc ủ enzyme để tiện cho việc sử dụng và bảo quản.
3.2 Công dụng của bồ hòn trong y học
- Quả bồ hòn: nước sắc từ thịt quả bồ hòn có công dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, tăng cường miễn dịch, làm tan máu bầm, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và các bệnh đường lý hô hấp như viêm amidan, đau họng, ho gà, viêm phế quản, viêm phổi... Theo y học dân gian, người dân Ấn Độ thường dùng vỏ quả bồ hòn trộn với mật ong rồi làm thành viên hoàn để hỗ trợ điều trị viêm phổi. Ngoài ra, quả bồ hòn còn có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề da liễu. Người ta thường lấy vỏ quả bồ hòn tán nhỏ thành bột nhão rồi bôi lên các vết côn trùng đốt, trị ghẻ, lở, nấm da. Gội đầu bằng nước bồ hòn cũng giúp giảm gàu và nấm tóc. Dùng nước bồ hòn như sữa rửa mặt cũng hỗ trợ trị mụn nhờ đặc tính kháng khuẩn của các thành phần trong thịt quả.
- Lá bồ hòn thường được sắc uống để trị ho gà hay giã nát và đắp lên vết côn trùng đốt giúp giảm sưng, đau.
- Vỏ cây bồ hòn: tại một số vùng, người dân thường lấy vỏ cây bồ hòn giã nát rồi ngâm nước tắm cho động vật để diệt bọ, rận, chấy.
- Rễ bồ hòn: nước sắc từ rễ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều trị cảm mạo, làm tan đờm, giảm ho,...
- Hạt bồ hòn: nhân quả bồ hòn có tác dụng chữa hôi miệng, sâu răng.
Ngoài ra phần trên mặt đất của bồ hòn còn có hoạt tính diệt tinh trùng ở chuột và người. Do đó, người ta đang bào chế và thử nghiệm một dạng kem bào chế từ saponin toàn phần của bồ hòn để dùng tại âm đạo với tác dụng ngừa thai.
4. Lưu ý khi sử dụng bồ hòn là gì?
Saponin trong quả bồ hòn có thể gây ra độc tính. Tuy nhiên may mắn là cơ thể người lại hấp thu kém nên lượng saponin này sẽ đi ra khỏi cơ thể mà không gây hại. Thành phần saponin thể hiện độc tính đối với cá cao hơn ở người, do đó khi dùng một lượng lớn có thể làm choáng váng hoặc giết chết cá.
Nước bồ hòn có đặc tính tẩy rửa mạnh nên cần tránh nuốt hoặc để tiếp xúc trực tiếp với mắt. Khi muốn sử dụng bồ hòn dược liệu để điều trị bệnh, bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng. Nếu thấy ngứa, đỏ da sau khi sử dụng thì nên ngừng ngay lập tức. Nước bồ hòn tuy khá lành tính, phù hợp với trẻ em và cả những người có làn da nhạy cảm nhưng phụ nữ có thai ở thời kỳ đầu thì không nên sử dụng.
5. Bài thuốc từ quả bồ hòn
- Bài thuốc để chữa sâu răng, hôi miệng: tán nhân quả bồ hòn (5 – 10g) thành bột, sau đó ngậm và nhổ nước
- Bài thuốc diệt sâu bọ, côn trùng: giã nát vỏ cây bồ hòn tươi, hòa với nước và đem phun.
- Bài thuốc chữa hắc lào: dùng vỏ quả bồ hòn (20g) và củ riềng già (10g), tất cả tán nhỏ, ngâm với 20ml cồn 90° và dùng bôi ngoài da.
- Bài thuốc chữa ghẻ lở, hắc lào: Quả bồ hòn bỏ hạt nấu thành dầu, rồi tán một lượng bằng nhau hạt củ đậu và diêm sinh. Sau đó hòa lẫn vào để bôi sau khi đã rửa sạch vùng da bị bệnh với nước ấm.
- Bài thuốc chữa tắc họng, khó nuốt: vỏ quả bồ hòn đồ, phơi, tán nhỏ sau đó thổi vào họng.
Bồ hòn là loại dược liệu có nhiều công dụng trong đời sống và y học dân gian. Tuy nhiên chúng ta không nên sử dụng bừa bãi mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.