Công dụng chữa bệnh của cây kim vàng

Cây kim vàng là một vị thuốc mọc hoang ở vùng Nam Bộ. Vị thuốc này đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho đời sống hàng ngày của người dân. Vậy tác dụng của cây kim vàng là gì và cây kim vàng chữa bệnh gì?

1. Đặc điểm của cây kim vàng

Kim vàng còn có những tên gọi khác như Trâm vàng, Gai kim vàng, Gai kim bóng, Sơn đông... có tên khoa học là Barleria Lupulina Lindl, thuộc họ Ô rô (Acanthaceae)

Đặc điểm cây kim vàng:

  • Là loại cây bụi nhỏ có hoa;
  • Cành nhánh vuông, không có lông;
  • Lá nguyên, đơn, không có lông, dưới cuống lá có gai nhỏ và nhọn, dài khoảng 1 – 3cm;
  • Hoa có màu vàng, tràng hoa có 1 môi và 4 thùy. Cụm hoa mọc ở ngọn cành cây, mỗi cụm chứa 18 – 20 hoa nhỏ nhưng không nở đồng loạt. Thông thường, mỗi ngày hoa kim vàng chỉ nở 2 hoa, sau 7 ngày mới nở hết một cụm hoa.
  • Quả kim vàng thuộc dạng quả nang, hạt dẹt. Khi chín sẽ phát ra tiếng nổ nhẹ và phân tán hạt ra xung quanh cây mẹ;
  • Hạt cây kim vàng dạng dẹp, bao bọc xung quanh bởi lớp vỏ cứng màu đen.

Nguồn gốc của cây kim vàng là từ đảo Mauritius của nước Bồ Đào Nha. Ở Việt Nam, cây kim vàng thường mọc dại, thất hiện rải rác ở một số địa phương, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Nam bộ và rất hiếm gặp ở các tỉnh miền Bắc. Công dụng cây kim vàng chủ yếu là làm cảnh, làm hàng rào quanh nhà (vì có nhiều gai nhọn) hoặc làm thuốc chữa bệnh.

Tác dụng của cây kim vàng có được chủ yếu là từ phần lá vì bộ phận này có nhiều dược tính nên ứng dụng làm dược liệu chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Lá cây Kim vàng có thể thu hái cả năm. Sau khi người dân hái về sẽ đem rửa sạch rồi để cho ráo nước và hầu hết dùng ở dạng lá tươi. Do đó, lá thu hái nên sử dụng trong ngày hoặc bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.

Đối với dạng lá khô, người dùng cần rửa sạch lá tươi, sau đó cắt nhỏ và đem phơi nắng hoặc sấy khô. Lá kim vàng phơi khô cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, vị trí thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và tốt nhất là bọc trong bao bì kín để sử dụng được lâu dài.

công dụng của cây kim vàng
Công dụng của cây kim vàng được nhiều người quan tâm

2. Thành phần hóa học của cây kim vàng

Công dụng cây kim vàng rất tuyệt vời vì thành phần hóa học bao gồm hàm lượng rất cao của hoạt chất Scutellarein-7-Rhamnosyl Glucoside. Khi nếm, hoa kim vàng có vị ngọt còn lá thì có vị đắng, tuy nhiên hoàn toàn không có độc tính.

Theo Y Học Cổ Truyền, tác dụng của cây kim vàng bao gồm tiêu thũng, giảm đau, giải độc, thông kinh hoạt lạc. Do đó, chỉ định và công dụng cây kim vàng bao gồm:

  • Chữa trị tình trạng rắn cắn;
  • Chữa các vết côn trùng cắn hoặc các vết đốt, sưng của sâu bọ;
  • Điều trị chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu;
  • Điều trị chứng tê mỏi tay chân, đau nhức xương khớp;
  • Hỗ trợ trong giảm đau nhức hoặc chảy máu răng, viêm lợi;
  • Điều trị ho kéo dài, trị viêm họng và hen suyễn;
  • Điều trị bệnh đi tiểu ra máu;
  • Chữa các vết nứt da, mụn nhọt và một số bệnh ngoài da khác.

Để nhận được công dụng của cây kim vàng, người bệnh có thể chế biến bằng cách sắc nước uống hoặc giã nát để đắp ngoài da. Liều lượng khuyến cáo sử dụng là khoảng 10-20g mỗi ngày.

công dụng của cây kim vàng
Chữa đau ngang hông, đau lưng là công dụng của cây kim vàng

3. Cây kim vàng chữa bệnh gì?

Kim vàng là dược liệu có vị cay, đắng, tính ấm. Tác dụng của kim vàng chủ yếu là giảm đau, thông kinh hoạt lạc, tiêu thũng giải độc. Do đó, người dân có thể áp dụng các bài thuốc sau đây để nhận được những công dụng của cây kim vàng

3.1. Chữa viêm lợi, đau nhức răng

Người bệnh lấy một nắm lá cây kim vàng đem đi rửa sạch bụi bẩn, cho một ít muối rồi vo lại như hạt đậu (lưu ý không để lá mất nước). Sau đó đem nhét lá kim vàng vào vị trí răng đau nhức.

Bài thuốc thứ 2 là dùng một ít lá kim vàng tươi, nhai nát rồi chèn vào vị trí đau khoảng 5 – 10 phút, sau đó khạc bỏ và súc miệng lại bằng nước sạch.

3.2. Công dụng cây kim vàng chữa mụn nhọt lở loét

Dùng 1 – 2 nắm lá cây kim vàng, rửa sạch với nước. Sau đó tiến hành cho thêm một ít muối rồi trộn đều (lưu ý không để lá mất nước). Lấy hỗn hợp này đắp lên vị trí da bị mụn nhọt. Người bệnh cần kiên trì thực hiện bài thuốc này cho đến khi mụn nhọt biến mất hằn.

3.3. Chữa đau ngang hông, đau lưng

Người bệnh lấy 2 – 3 nắm lá cây kim vàng đã được làm sạch, tiến hành giã nát rồi sao với ít rượu trắng. Sau đó lấy một lượng hỗn hợp vừa đủ để đắp lên vị trí đau rồi dùng băng sạch để băng chặt lại. Cố định thuốc trong khoảng khoảng 15 – 20 phút mới được gỡ băng và rửa lại bằng nước sạch.

3.4. Chữa viêm họng, hen suyễn

Nguyên liệu: Một nắm lá cây kim vàng đã rửa sạch với nước lạnh hoặc nước muối pha loãng để loại bỏ tạp chất, vi khuẩn gây hại.

Tiến hành giã nát lá kim vàng để lấy nước. Mỗi lần sử dụng, người bệnh lấy một lượng vừa đủ để ngậm rồi nuốt chậm chậm cho thuốc thấm từ từ vào thành họng.

3.5. Chữa vết thương do rắn cắn

Lấy một nắm lá cây kim vàng (khoảng 20 – 35 gram), rửa sạch rồi giã nát. Chắt lấy phần nước cốt cho bệnh nhân uống, mỗi 30 phút 1 lần. Phần bã còn lại dùng để đắp lên vị trí bị rắn cắn.

Hoặc có thể dùng 30g lá cây kim vàng cùng với 5g phèn chua, đem giã nát hỗn hợp rồi đắp lên vị trí bị rắn cắn.

Một lưu ý rất quan trọng là ngay khi phát hiện bị rắn cắn, nạn nhân cần phải được garô phía trên vết rắn cắn càng nhanh càng tốt để cho nọc độc không đổ về tim. Khi đó mới được áp dụng bài thuốc từ lá kim vàng như trên.

3.6. Giảm sưng đau do sâu bọ, côn trùng đốt

Dùng một nắm lá cây kim vàng (khoảng 25 – 30 gram), ưu tiên những lá còn tươi, không héo úa và đem rửa sạch. Sau đó, tiến hành giã nát lượng lá trên rồi đắp lên vị trí bị côn trùng, sâu bọ đốt.

3.7. Tác dụng của cây kim vàng chữa da chân nứt nẻ

Dùng 2 – 3 nắm lá cây kim vàng, sau đó rửa sạch, giã nát rồi chắt lấy phần nước cốt, thoa lên vùng da chân bị nứt nẻ kết hợp với việc massage nhẹ nhàng sẽ mang lại hiệu quả rất cao.

3.8. Chữa đau nhức toàn thân

Sử dụng khoảng một nắm lá cây kim vàng đã rửa sạch rồi sắc lấy nước để dùng. Kiên trì sử dụng liên tục trong 7 ngày sẽ thấy hiệu quả.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng bài thuốc ngâm rượu kết hợp đắp ngoài để điều trị đau nhức thân mình:

  • Bài thuốc kim vàng ngâm rượu: Dùng 1 nắm lá cây kim vàng già, rửa sạch rồi ngâm rượu để uống;
  • Bài thuốc kim vàng đắp ngoài: lấy 1 nắm lá cây kim vàng, rửa sạch, để ráo. Sao thuốc trên bếp lửa cùng với rượu, sau đó đem đắp vào vị trí nhức mỏi, để yên cho đến khi hỗn hợp trên nguội dần.

3.9. Chữa chứng đi tiêu ra máu, huyết áp cao, giải rượu

Dùng 1 – 2 nắm lá cây kim vàng đã rửa sạch đem đi giã nát, chắt lọc lấy phần nước dịch lá để uống trị bệnh.

3.10. Công dụng cây kim vàng chữa bệnh viêm gan

Dùng 30g lá cây kim vàng cùng với bán chi liên, rau dừa kiểng, bạch hoa xà nhiệt thảo, diệp hạ châu mỗi vị 20g. Đem hỗn hợp trên sắc cùng với nước để dùng thay cho nước trà hằng ngày. Lưu ý, đối với bệnh nhân vàng da nên bổ sung thêm một số loại thảo dược như rễ chanh, thủy xương bồ và ô rô.

3.11. Chữa viêm xoang

Nguyên liệu: Lá cây kim vàng, cỏ hôi mỗi vị 30g, kinh giới, bòng bong và cỏ nhọ nồi mỗi vị 20g cùng với 8g thủy xương bồ. Đối với người bệnh thường xuyên chảy nước mũi có thể thêm 15g gương sen.

Đem các vị thuốc trên tiến hành sắc cùng với lượng nước vừa đủ cho đến khi hỗn hợp cô đặc lại. Chia phần nước vừa sắc được thành 2 phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Kiên trì áp dụng mỗi ngày trong 3 – 5 ngày sẽ thấy có hiệu quả. Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp dùng nước cất lá cây kim vàng để nhỏ mũi mỗi ngày 2 lần.

Công dụng của cây kim vàng rất phổ biến trong y học cũng như đời sống xã hội. Áp dụng bài thuốc từ loại cây này đúng cách sẽ tăng hiệu quả điều trị bệnh cũng như tiết kiệm chi phí.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan