Cây đại táo có tác dụng gì?

Vị thuốc đại táo là quả táo tàu chín phơi hoặc sấy khô. Theo Tài liệu về Y Học Cổ Truyền, vị thuốc đại táo có vị ngọt, tính ôn; vào tỳ, vị và có công dụng chữa trị rất nhiều bệnh lý nên dược liệu này có nhiều trong bài thuốc Đông y khác nhau. Để hiểu rõ hơn về đại táo có tác dụng gì? Bạn hãy theo dõi chi tiết ngay trong bài viết sau đây.

1. Tổng quan về cây đại táo

Cây đại táo còn tên gọi khác là táo tàu, táo đen hay táo đỏ.

Tên khoa học của quả táo tàu là Zizyphus sativa Mill và thuộc họ táo Rhamnaceae. Vị thuốc đại táo (Fructus Zizyphi) là quả táo tàu chín phơi hay sấy khô.

Đặc điểm sinh học cây đại táo:

  • Cây táo tàu là một cây to có thể cao tới 10m.
  • Lá cây mọc so le, lá kèm, thường có dạng thành gai.
  • Cuống lá ngắn 0,5 - 1cm, phiến lá hình trứng, đầu lá hẹp dần, dài 3 - 7cm, độ rộng khoảng 2 - 3,5cm, mép lá có dạng răng cưa thô, trên mặt phiến lá có 3 gân chính, gân phụ cũng nổi rõ.
  • Hoa táo khá nhỏ, mọc ở vị trí kẽ lá, mỗi tán gồm 7 - 8 hoa. Cánh hoa màu vàng xanh nhạt.
  • Quả táo là dạng quả hạch hình cầu hay hình trứng, khi non có màu nâu hoặc xanh nhạt, khi chín có màu đỏ sẫm. Vỏ quả mẫm vị ngọt.
  • Mùa hoa vào khoảng tháng 4 - 5, mùa quả vào khoảng tháng 7 - 9 hàng năm.
  • Vào tháng 9, quả táo tàu chín hái về phơi hay sấy khô là được. Thông thường, người ta thường chọn những quả to mẫm, hạch nhỏ, vị ngọt, màu đỏ được coi là tốt.
  • Phân bố thu hái và chế biến: Đại táo vẫn phải hoàn toàn nhập khẩu từ Trung Quốc.

2. Vị thuốc đại táo có tác dụng gì?

Đại táo là vị thuốc quý nên dược liệu này có mặt phổ biến trong rất nhiều đơn thuốc chữa bệnh.

Theo tài liệu Y Học Cổ Truyền, đại táo vị ngọt tính ôn vào hai kinh tỳ và vị. Vị thuốc có tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng vi sinh tân dịch, điều hòa danh vệ, hòa giải các vị thuốc khác. Dùng để điều trị chứng tỳ hư sinh tiết tả, các bệnh do doanh vệ không điều hòa. Những người bị bệnh đau răng, đờm nhiệt và trung mãn (trong đầy) không nên dùng.

Liều dùng thông thường là 10 - 30g, có thể dùng đến khoảng 63 - 125g/ngày. Khi dùng dược liệu này, bạn nên thái lát hoặc xé nát thịt quả trước khi sắc hoặc ngâm rượu.


Giải đáp đại táo có tác dụng gì?
Giải đáp đại táo có tác dụng gì?

3. Các bài thuốc Đông y có vị thuốc đại táo

3.1. Bài thuốc 1: Kiện tỳ, cầm tiêu chảy

Bài thuốc này thường được gọi là “Bánh ích tỳ”. Chuẩn bị bài thuốc này với các nguyên liệu: kê nội kim 100g, bạch truật 100g, gừng khô 100g, đại táo nhục 200g, hấp chín. Thực hiện: cho 3 vị kê nội kim, bạch truật và gừng khô sao, nghiền thành bột. Sau đó, thêm táo nhục giã nát làm bánh và sấy khô. Mỗi lần dùng khoảng 12g, ngày 2 lần, ăn khi đói. Bài thuốc có tác dụng điều trị tỳ hư tiêu chảy, tiêu hoá khó.

3.2. Bài thuốc 2: Bổ huyết, cầm máu

Chuẩn bị đại táo 63g, lá sen nửa cái. Thực hiện: Sắc thuốc uống hàng ngày có tác dụng tốt trong điều trị giảm tiểu cầu máu.

3.3. Bài thuốc 3: Dưỡng tâm, an thần

Bài thuốc này còn được gọi là thang cam mạch đại táo. Chuẩn bị bài thuốc này với các nguyên liệu: đại táo 20g, phù tiểu mạch 24g và cam thảo 12g. Thực hiện: Sắc thuốc uống hàng ngày. Bài thuốc có tác dụng tốt với những người có thể trạng đang lo lắng, mất ngủ, tự ra nhiều mồ hôi và tâm trạng lên xuống thất thường ( suy nhược thần kinh).

3.4. Một số món ăn, thức uống kết hợp đại táo

  • Cơm nếp hấp nhân sâm, đại táo: đại táo 20g, nhân sâm 6g cùng với gạo nếp 80g. Thực hiện: hãm nhân sâm và đại táo trong nước sôi khoảng 30 phút, gạn lấy nước nấu cơm. Khi cơm chín, đơm lên đĩa, đặt nhân sâm và đại táo lên bên trên. Món ăn này thường được dùng với những người khí hư, cơ thể suy nhược, ăn kém chậm tiêu.
  • Cháo đại táo: đại táo 7 quả và gạo nếp 60g. Thực hiện: cắt lát hoặc xé nhỏ đại táo, nấu lấy nước, bỏ bã. Gạo nếp vo sạch cho vào nấu cháo, cháo chín, cho nước đại táo vào khuấy đều và đun sôi là được. Món ăn này có tác dụng tốt cho người bệnh trúng phong, bại liệt hoặc động kinh co giật.
  • Gà hầm đại táo, nấm hương: chuẩn bị: đại táo 20g, nấm hương 20g, 1 con gà nhỏ và ít tinh bột ướt. Thực hiện: thịt gà làm sạch chặt thành từng miếng, đại táo bỏ hạt, nấm hương ngâm mềm. Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị cho vào nồi, thêm gia vị (giấm, tương, muối, đường, bột ngọt, hành lá, rượu, tinh bột ướt) đảo đều, chưng cách thuỷ trong khoảng 15 phút. Món này thích hợp với những người thiếu máu, ăn kém và chậm tiêu hóa.
  • Đại táo đậu phộng ướp đường phèn: chuẩn bị: đại táo, đậu phộng (lạc nhân), đường phèn mỗi thứ đều 30g. Thực hiện bằng cách: cho lạc nhân (để nguyên cả vỏ) vào nồi với một lượng nước vừa đủ nấu chín, cho tiếp đại táo và đường phèn vào đảo đều, nấu tiếp trong vài phút. Món ăn này rất tốt với những người bệnh viêm gan có chỉ số các men SGOT, SGPT tăng.

Bài thuốc Đông y có vị thuốc đại táo giúp dưỡng tâm, an thần
Bài thuốc Đông y có vị thuốc đại táo giúp dưỡng tâm, an thần

4. Lưu ý khi sử dụng vị thuốc đại táo trong điều trị bệnh

Khi ăn sống, vỏ quả đại táo rất dễ ở trong ruột, vì vậy bạn nên nhai cẩn thận khi ăn. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý không nên ăn vượt quá 20 quả một lần. Nguyên nhân do tiêu thụ quá mức đại táo sẽ có thể dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa: gây táo bón, đầy hơi.

Táo tàu đỏ sẽ tạo ra axit trái cây và metanol, đồng thời có sự tác động của vi sinh vật đường ruột. Những người ăn táo chín quá có nguy cơ bị chóng mặt, suy giảm thị lực và xuất hiện các phản ứng ngộ độc khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, táo tàu đỏ có thể đe dọa đến tính mạng người dùng, vì vậy cần đặc biệt chú ý khi sử dụng.

Công dụng đại táo là bổ máu và thường được chị em phụ nữ tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp: phụ nữ bị sưng mắt hoặc sưng chân, chướng bụng trong thời kỳ kinh nguyệt thì không nên ăn, bởi có thể khiến tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có thể kéo dài thời gian kinh nguyệt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe