Xét nghiệm Pap và ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư ác tính và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với nữ giới. Xét nghiệm Pap ra đời giúp tầm soát ung thư cổ tử cung; tìm kiếm những thay đổi bất thường của các tế bào trong cổ tử cung. Từ đó có biện pháp điều trị kịp thời trước khi bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

1. Xét nghiệm Pap là gì?

Xét nghiệm Pap được phát minh bởi Georgios Nikolaou Papanikolaou (1883-1962)- một bác sĩ lỗi lạc người Hy Lạp. Mục đích chính của xét nghiệm này là giúp sàng lọc các tế bào bất thường và ung thư cổ tử cung.

2. Quá trình thực hiện xét nghiệm Pap

Trong quá trình thực hiện xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu tế bào nhỏ từ bề mặt của cổ tử cung, sau đó trộn lẫn với một chất dịch hoặc đặt trên một tấm lam và đưa đi kiểm tra dưới kính hiển vi tại phòng thí nghiệm. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể tìm kiếm những thay đổi hoặc sự biến dạng bất thường của các tế bào trong cổ tử cung của bệnh nhân.

Xét nghiệm Pap sẽ được thực hiện tùy thuộc vào độ tuổi cũng như các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung của mỗi bệnh nhân.

  • Đối với những phụ nữ trên 30 tuổi, xét nghiệm Pap có thể được yêu cầu thực hiện đồng thời với xét nghiệm HPV.
  • Những trường hợp dưới 26 tuổi nên đi tiêm phòng vắc-xin HPV để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vi rút, nhất là những chủng HPV có khả năng cao dẫn đến ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Xét nghiệm Pap giúp tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm Pap giúp tầm soát ung thư cổ tử cung

3. Nên thực hiện xét nghiệm Pap khi nào?

Thông thường, xét nghiệm Pap sẽ được sử dụng nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra phụ khoa cùng với xét nghiệm Pap. Bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ về việc quyết định thời điểm tiến hành xét nghiệm và nên thực hiện bao lâu một lần.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, phụ nữ nên bắt đầu xét nghiệm Pap khi 21 tuổi, và xét nghiệm lại khoảng 2-3 năm/lần. Sau tuổi 30, phết cổ tử cung có thể được thực hiện khoảng 3-5 năm/lần trong trường hợp xét nghiệm Pap kết hợp đồng thời với xét nghiệm HPV.

Bác sĩ cũng sẽ khuyến cáo bạn nên thực hiện xét nghiệm Pap thường xuyên hơn nếu bạn có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Các chẩn đoán phát hiện có sự bất thường từ các tế bào tiền ung thư
  • Nhiễm HIV
  • Phơi nhiễm với DES (là một estrogen tổng hợp) trước khi sinh con
  • Hệ thống miễn dịch bị suy yếu do sử dụng nhiều corticosteroid, thực hiện hoá trị hoặc ghép tạng

Đối với những phụ nữ đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc chưa từng quan hệ tình dục nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về việc thực hiện xét nghiệm Pap.

Bên cạnh đó, xét nghiêm Pap cũng được sử dụng đối với những người đã cắt bỏ toàn bộ tử cung nhằm điều trị tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, xét nghiệm Pap không được khuyến cáo đối với những đối tượng thực hiện cắt bỏ tử cung với mục đích điều trị các căn bệnh ít nghiêm trọng.

Ngoài ra, quyết định về việc ngừng thực hiện phết Pap sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm âm tính trước đó của bệnh nhân.

4. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm Pap

Sau khi xét nghiệm, kết quả sẽ có trong vòng từ 1-2 tuần. Dưới đây là những ý nghĩa của các kết quả xét nghiệm Pap:

4.1 Kết quả bình thường

Xét nghiệm cho thấy không có bất kỳ tế bào bất thường nào.

4.2 Kết quả bất thường

Xét nghiệm phát hiện ra sự biến dạng hoặc bất thường từ các tế bào trong cổ tử cung. Tuy nhiên, trong trường hợp kết quả chỉ cho thấy có một số thay đổi không đáng kể của các tế bào, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện lại Pap ngay lập tức, hoặc trong vòng 6 tháng đến 1 năm.

Nếu kết quả xét nghiệm Pap của bạn dương tính trở lại, nghĩa là lúc này các tế bào bất thường trên cổ tử cung đã được phát hiện. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn đã bị ung thư cổ tử cung. Những thay đổi đối với các tế bào cổ tử cung do HPV gây ra có thể từ nhẹ, trung bình, cho đến nặng.

5. Khi nào cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn?

Còn phụ thuộc nhiều vào loại tế bào bất thường được tìm thấy trong cổ tử cung của bệnh nhân. Cụ thể là:

5.1 Không xác định được các tế bào vảy không điển hình (ASCUS)

Những tế bào mỏng và phẳng là các tế bào vảy phát triển trên bề mặt của cổ tử cung bình thường. Tình trạng ASCUS xảy ra khi các tế bào này không điển hình. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm với một loại chất lỏng đặc biệt nhằm kiểm tra xem có bị nhiễm vi rút hay không. Nếu kết quả bình thường, bệnh nhân sẽ không cần phải lo lắng nhiều.

Xét nghiệm Pap giúp phát hiện ra các tế bào bất thường tại cổ tử cung nhanh và chính xác
Xét nghiệm Pap giúp phát hiện ra các tế bào bất thường tại cổ tử cung nhanh và chính xác

5.2 Tổn thương tế bào nội mô vảy

Những tế bào này có thể là biểu hiện của tiền ung thư. Có hai dạng tổn thương tế bào nội mô vảy, bao gồm:

  • Tổn thương tế bào nội mô vảy mức độ thấp (LSIL): Các tế bào tiền ung thư không chuyển sang ung thư trong nhiều năm.
  • Tổn thương tế bào nội mô vảy mức độ cao (HSIL): Các tế bào tiền ung thư chuyển sang ung thư sớm hơn rất nhiều.

5.3 Các tế bào tuyến không điển hình

Những tế bào này thường tạo ra chất nhầy. Chúng phát triển chủ yếu trong cổ tử cung. Nếu xét nghiệm cho thấy các tế bào này bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để biết chắc chắn liệu đó có phải là ung thư hay không.

5.4 Ung thư tế bào vảy hoặc tế bào adenocarcinoma

Kết quả cho thấy các tế bào trên cổ tử cung của bệnh nhân rất bất thường, và gần như chắc chắn đó chính là ung thư.

Để chắc chắn, bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn tiến hành thêm hai xét nghiệm khác, bao gồm sinh thiết và soi cổ tử cung. Trong quá trình soi cổ tử cung, dụng cụ mỏ vịt sẽ được đưa vào âm đạo của bạn. Sau đó, kiểm tra cổ tử cung bằng máy soi cổ tử cung. Đây là một thiết bị có ống kính và ánh sáng mạnh, cho phép bác sĩ dễ dàng quan sát kỹ hơn bên trong cổ tử cung của người bệnh. Bên cạnh đó, cổ tử cung sẽ được lau bằng giấm hoặc một số dung dịch lỏng khác nhằm làm nổi bật những khu vực bất thường. Khi xác định được khu vực nghi ngờ, bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu sinh thiết, và đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra.

Ngoài việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap, bạn nên đi tiêm chủng vắc-xin HPV để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao hơn. Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang có 2 loại vắc-xin HPV giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, bao gồm Gardasil 0,5ml (Mỹ)Cervarix (Bỉ). Cả hai loại vắc-xin sẽ được tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng. Trong quá trình tiêm, nếu chưa hoàn thành đầy đủ các mũi tiêm, bạn nên tránh quan hệ tình dục để làm giảm khả năng lây nhiễm HPV khi cơ thể chưa có đủ miễn dịch hoàn chỉnh.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và cập nhật kỹ thuật mới, Bệnh viện Vinmec chính thức đưa xét nghiệm phát hiện sớm ung thư CTC ThinPrep Pap Test vào phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.

ThinPrep Pap Test cũng sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ âm tính giả, giúp chẩn đoán chính xác ung thư CTC giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm chi phí điều trị ung thư CTC, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao hiệu quả xã hội.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: