Vì sao cần tiêm nhắc lại các mũi vắc xin cho trẻ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Các bậc cha mẹ ngày nay đa phần đều ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng vắc xin cho trẻ, vì lẽ đó nên hầu như trẻ nào cũng được sử dụng đầy đủ vắc xin trong lần đầu tiên. Tuy nhiên một số cha mẹ lại chưa hiểu đúng được tầm quan trọng của việc sử dụng nhắc lại vắc xin cho trẻ.

1. Vắc xin là gì?

Vắc xin
Vắc-xin

Vắc-xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể toàn thân hoặc một phần hoặc có cấu trúc tương tự) dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.

Nguyên lý của việc sử dụng vắc xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh (nghĩa là gây miễn dịch chủ động nhân tạo).

2. Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch

Phòng tiêm chủng vắc-xin
Hình ảnh phòng tiêm chủng vắc-xin

Miễn dịch là khả năng cơ thể nhận ra và loại bỏ các vật lạ. Ở cơ thể người, đáp ứng miễn dịch chia làm miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được (còn gọi là miễn dịch đặc hiệu). Sự phân chia này hoàn toàn không có nghĩa là hai loại đáp ứng miễn dịch này tách biệt nhau mà chúng luôn có sự liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, lồng ghép vào nhau để thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể. Việc sử dụng vắc xin thực chất là chủ động tạo ra miễn dịch thu được cho cơ thể.

Việc sử dụng vắc xin thực chất là chủ động tạo ra miễn dịch thu được cho cơ thể. Trẻ sau khi được sử dụng vắc xin lần đầu, hệ miễn dịch được kích thích để tạo các đáp ứng miễn dịch đầu tiên, nhưng các đáp ứng này chưa đủ mạnh, chưa bền vững. Các đặc điểm cơ bản của đáp ứng miễn dịch đặc hiệu (đặc biệt là trí nhớ miễn dịch) được nêu ở trên là cơ sở để giải thích cho sự cần thiết và tầm quan trọng đối với việc sử dụng nhắc lại vắc xin cho trẻ. Sử dụng nhắc lại chính là hành động để hệ miễn dịch của trẻ tiếp xúc lại với kháng nguyên đã gây mẫn cảm để tạo ra đáp ứng miễn dịch lần tiếp theo với cường độ mạnh hơn, thời gian đáp ứng nhanh hơn, thời gian duy trì kéo dài hơn (củng cố đáp ứng miễn dịch cho trẻ về cả hiệu lực và thời gian), bảo vệ cho trẻ trong tương lai khi gặp phải tác nhân gây bệnh thực sự.

Mỗi loại vắc xin khác nhau, mỗi nhà sản xuất khác nhau sẽ quy định cụ thể số lần sử dụng nhắc lại và thời điểm cần sử dụng nhắc lại (thậm chí ngay cả khi đã trưởng thành vẫn cần sử dụng nhắc lại vắc xin, chẳng hạn như vắc xin uốn vánvắc xin bạch hầu cần sử dụng nhắc lại sau mỗi 10 năm để duy trì hiệu lực bảo vệ của vắc xin).

2.1. Tiêm nhắc lại-củng cố miễn dịch bền vững

Sở dĩ cần có các mũi tiêm nhắc lại vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm đủ liều một loại vắc-xin có khả năng giảm dần theo thời gian. Do vậy trẻ đã tiêm chủng có thể bị mắc bệnh nếu không được tiêm chủng nhắc lại. Độ bền vững của kháng thể phụ thuộc vào bản chất của vắc-xin, công nghệ sản xuất, khả năng đáp ứng của cơ thể... Nói chung miễn dịch được tạo ra bởi các loại vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian, đến một lúc nào đó cơ thể không đủ sức chống lại sự tấn công của mầm bệnh và do vậy, việc tiêm các mũi nhắc lại để nâng cao hiệu giá kháng thể là rất cần thiết để bảo vệ cơ thể.

Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ có hiệu quả với các vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó. Với các vắc-xin không tạo được trí nhớ miễn dịch hoặc có miễn dịch bảo vệ tồn tại quá ngắn trong cơ thể thì việc tiêm các mũi sau đó phải coi như là tiêm mới. Ngược lại một số vắc-xin có miễn dịch bền vững trong nhiều năm như vắc-xin sởi thì việc tiêm các mũi vắc-xin bổ sung lại nhằm mục đích chủ yếu là tạo miễn dịch cho những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm trong các hoạt động tiêm chủng trước đó hoặc những trẻ chưa tạo được miễn dịch sau các lần tiêm trước.

Nhiều loại vắc-xin cần được tiêm nhắc lại như vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, phế cầu...Đây là các vắc-xin tạo được kháng thể bảo vệ khoảng 3-10 năm, trong thời gian này nếu không tiêm nhắc, khi phơi nhiễm với mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh. Mặt khác các vắc-xin này lại tạo được trí nhớ miễn dịch tốt nên sau chỉ một mũi tiêm nhắc, hiệu giá kháng thể bảo vệ, tức là sức chống đỡ của cơ thể lại tăng lên rất cao.

Các vắc-xin cần được tiêm chủng hằng năm gồm các vắc-xin phòng bệnh cúm, tả hoặc 2-3 năm tiêm lại một lần như các loại vắc-xin Polysacharid không có cộng hợp phòng các bệnh thương hàn, phế cầu. Đây là các vắc-xin có thời gian bảo vệ ngắn hoặc không tạo được trí nhớ miễn dịch sau các liều tiêm trước.

Các vắc-xin cần được tiêm các liều bổ sung sau mũi tiêm đầu gồm vắc-xin Sởi - Rubella - Quai bị. Đây là các vắc-xin tạo được miễn dịch bền vững song có một tỉ lệ không nhỏ từ 10-20% trẻ em không tạo được miễn dịch bảo vệ sau mũi tiêm đầu hoặc không được tiêm trước đó.

2.2. Các yếu tố cần được xem xét khi đưa ra lịch tiêm nhắc vắc-xin

  • Thời gian tồn lưu của kháng thể bảo vệ sau tiêm vắc-xin và lứa tuổi có nguy cơ mắc bệnh
  • Hiệu quả của mũi tiêm nhắc: Các vắc-xin có lịch tiêm nhắc là các vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch tốt. Cần có lịch tiêm nhắc hợp lý để mũi tiêm giúp cơ thể nâng cao hiệu giá kháng thể bảo vệ ở mức tốt nhất
  • Tính an toàn: Một số vắc-xin có các phản ứng phụ cao khi tiêm cho trẻ lớn, do vậy việc tiêm nhắc sớm sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ. Với trẻ em đã có phản ứng nặng với lần tiêm trước, khi đến kỳ tiêm các mũi nhắc lại, cán bộ y tế cần thận trọng khi quyết định tiêm hay không tiêm
  • Tình hình dịch tễ: Tại các vùng có bệnh lưu hành nặng hoặc có dịch, việc tiêm nhắc cần được tiến hành sớm theo khuyến cáo của ngành y tế. Ngoài ra với các vắc-xin có thời gian bảo vệ ngắn như cúm, tả... cần được tiêm chủng hằng năm vào trước mùa dịch, đặc biệt với các đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh mạn tính. Với các vắc-xin sởi, Rubella, quai bị vẫn cần được tiêm mũi 2 để nâng cao miễn dịch cộng đồng, tăng tính hiệu quả của việc phòng bệnh bằng vắc-xin vì đây là các bệnh lây đường hô hấp với khả năng lây lan rất cao và nhanh.

Ngoài ra việc tiêm nhắc còn phụ thuộc vào các yếu tố cần cân nhắc khác như cơ chế miễn dịch, lứa tuổi nguy cơ, sự biến đổi chủng gây bệnh,đáp ứng của cơ thể, điều kiện kinh tế - xã hội...

2.3 Lịch tiêm nhắc các loại vắc-xin được khuyến cáo áp dụng

  • Vắc-xin ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván: Trẻ được tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi. Không nên tiêm nhắc trước lịch quy định. Nếu trễ lịch tiêm nhắc có thể tiêm muộn hơn nhưng không nên để quá 3 tuổi
  • Vắc-xin bại liệt uống: Có thể cho trẻ dưới 5 tuổi uống 2 liều bổ sung cách nhau 1 tháng để nâng cao khả năng bảo vệ của cơ thể
  • Vắc-xin phòng ngừa nhiễm khuẩn do Hib: Nên tiêm nhắc lúc trẻ được 18 tháng tuổi
  • Vắc-xin viêm não Nhật Bản: Cần nhắc mũi 3 một năm sau mũi 2. Sau đó 3 - 5 năm nên tiêm nhắc cho tới khi trẻ đủ 15 tuổi
  • Vắc-xin sởi: Cần tiêm nhắc cho trẻ lúc 18 tháng tuổi bằng vắc-xin sởi đơn giá hoặc vắc xin phối hợp 3 trong 1 ngừa bệnh Sởi - quai bị - Rubella
  • Vắc-xin cúm: Được tiêm nhắc hằng năm trước mùa dịch, đặc biệt là cho các đối tượng nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn...
  • Vắc-xin tả uống: Nên dùng hằng năm tại các vùng thường xuyên xảy ra dịch cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao
  • Vắc-xin thương hàn: Tiêm nhắc lại sau 2 - 3 năm tại những vùng lưu hành nặng hoặc có dịch, đặc biệt cho đối tượng trẻ em và người cao tuổi
  • Vắc-xin phế cầu: Tiêm nhắc lại vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất
  • Vắc-xin não mô cầu: tiêm nhắc vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất.

Mỗi loại vắc xin khác nhau, mỗi nhà sản xuất khác nhau sẽ quy định cụ thể số lần sử dụng nhắc lại và thời điểm cần sử dụng nhắc lại (thậm chí ngay cả khi đã trưởng thành vẫn cần sử dụng nhắc lại vắc-xin, chẳng hạn như vắc xin uốn ván và vắc xin bạch hầu cần sử dụng nhắc lại sau mỗi 10 năm để duy trì hiệu lực bảo vệ của vắc-xin). Các bậc cha mẹ hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và nắm được lịch sử dụng vắc xin cho trẻ.

Nên tiêm nhắc lại vắc-xin uốn ván sau bao nhiêu năm?
Hình ảnh tiêm nhắc lại vắc-xin uốn ván

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: NCBI

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan