Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản tiêm ở tay hay chân?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BS. Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao (25-30%), 50% bệnh nhân khỏi bệnh để lại di chứng thần kinh nặng nề. Để phòng bệnh, nên cho trẻ tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản sớm, đầy đủ và đúng lịch. Vắc-xin có thể được tiêm dưới da ở tay hay chân.

1. Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm như thế nào?

Viêm não Nhật Bản là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, gây ra tổn thương hệ thần kinh trung ương do tác động của virus gây bệnh. Loại virus này được phát hiện vào năm 1935 bởi các nhà khoa học Nhật Bản, vì vậy nên bệnh viêm não do virus này gây ra được đặt tên là bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho người lớn và trẻ em, nếu điều trị khỏi bệnh vẫn để lại di chứng nặng nề đặc biệt là trẻ dưới 15 tuổi. Trong đó, nhóm có nguy cơ mắc cao nhất là trẻ nhỏ 2-6 tuổi (chiếm 75% trên tổng số người mắc bệnh). Bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh mẽ vào khoảng tháng 5 đến tháng 7. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản, vì vậy việc tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là rất quan trọng, giúp trẻ đề phòng được nguy cơ mắc bệnh cũng như các rủi ro có thể xảy ra.

2. Các con đường lây truyền viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản hiện đang lưu hành nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc nước ta. Các ổ dịch hầu hết tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi gia súc hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều cây ăn quả và kết hợp nuôi lợn. Bệnh viêm não Nhật Bản không thể lây trực tiếp từ người sang người mà phải truyền qua trung gian muỗi đốt là muỗi Culex. Muỗi hút máu động vật mang virus (thường là lợn) rồi sau đó truyền bệnh cho người qua vết muỗi đốt. Muỗi có khả năng truyền bệnh viêm não Nhật Bản thì được gọi là véc tơ truyền bệnh. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi hàng ngày với người bệnh không có khả năng làm lây bệnh.

Muỗi là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Muỗi là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản

3. Tiêm phòng vắc-xin - biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thực hiện giám sát dịch bệnh trong vòng 20 năm qua và kết quả cho thấy, virus viêm não Nhật Bản từng chiếm đến 61,3% trong tổng số các ca viêm não (trong những năm 90), song đã giảm còn 10-15% sau khi Việt Nam triển khai tiêm chủng vắc-xin viêm não Nhật Bản rộng rãi cho trẻ. Số ca nhiễm bệnh đã từng ghi nhận khoảng 200 - 300 trường hợp trong năm. Những bệnh nhân dù đã khỏi bệnh cũng có thể mắc các di chứng về thần kinh, ví dụ như liệt, chậm phát triển thần kinh, động kinh, mất khả năng ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, cử động bất thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, gồng cứng người... Ngoài ra, còn có các di chứng rất muộn có thể sau vài năm như động kinh, parkinson. Việc thực hiện tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản sớm, đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả cho trẻ.

4. Lịch tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản

Vắc-xin viêm não Nhật Bản được dùng để dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho mọi đối tượng người lớn và trẻ em khi đủ 9 tháng tuổi trở lên. Vắc-xin được đưa vào cơ thể qua đường tiêm dưới da. Hiện tại, tại Việt Nam có 2 loại vắc xin phòng viêm não Nhật Bản là vắc-xin Jevax và vắc-xin Imojev. Muốn được bảo vệ đầy đủ, bạn phải thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

  • Vắc-xin Jevax: tiêm từ 12 tháng tuổi
  • Là vắc-xin bất hoạt, được sản xuất tại Việt Nam, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin được sử dụng miễn phí cho trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi.
  • Phác đồ tiêm: 3 mũi cơ bản với mũi 1: Trong lần đầu tiên đến tiêm. Mũi 2: cách mũi thứ nhất 1 - 2 tuần. Mũi 3: sau mũi thứ nhất 1 năm. Sau đó mỗi 3 năm nhắc lại một lần để duy trì khả năng miễn dịch đến khi trẻ 15 tuổi.
  • Vắc-xin Imojev: tiêm từ 9 tháng tuổi
  • Là vắc-xin sống giảm độc lực, tái tổ hợp với virus sốt vàng; của hãng Sanofi Pasteur – Pháp, sản xuất tại Thái Lan.
  • Phác đồ tiêm:
  • Trẻ 9 tháng đến dưới 18 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau 1-2 năm
  • Từ 18 tuổi trở lên: tiêm 1 mũi duy nhất.

5. Tiêm viêm não Nhật Bản ở tay hay chân?

Bà bầu không tiêm phòng uốn ván có sao không?
Vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản thường được được tiêm dưới da

Về đường sử dụng để đưa vắc-xin vào cơ thể, vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản được chỉ định theo đường dùng là tiêm dưới da, không bao giờ được tiêm tĩnh mạch. Vị trí tiêm dưới da có thể ngay tại vị trí cơ delta ở bắp tay hoặc ở chân tại vị trí mặt trước bên đùi. Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản ở tay hay chân đều mang lại hiệu quả phòng bệnh như nhau và không có ảnh hưởng khác đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản ở tay hay chân còn tùy thuộc vào tuổi và sự thuận tiện của người được tiêm (tùy theo kích thước vị trí cơ định tiêm dưới da).

Về thao tác thực hiện, tất cả các động tác chuẩn bị và tiêm đều phải đảm bảo vô trùng. Tâm nút nhôm sau khi lấy ra phải được sát trùng bằng cồn/ cồn I-ốt (không được mở nút cao su). Kim tiêm và bơm tiêm trước khi thực hiện phải hoàn toàn vô trùng hoặc sử dụng bơm kim tiêm dùng một lần và được sử dụng riêng cho từng người. Lọ vắc-xin được lắc kỹ trước khi dùng. Vắc-xin bảo quản ở mức nhiệt độ 2oC – 8oC.

Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Phụ huynh cần chú ý đưa trẻ đi tiêm sớm, theo đúng lịch tiêm để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, nhất là trong đợt cao điểm dịch bệnh hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan