Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa.
Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, bệnh có thể tự hết nhưng có cũng thể chuyển biến nặng, dẫn đến tử vong. Tiêm vắc xin là biện pháp chủ yếu để phòng bệnh. Vậy vắc xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu?
1. Cúm là gì?
Cúm là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
2. Tại sao nên tiêm vắc xin cúm?
Tiêm phòng vắc xin cúm là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm. Các vắc xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cúm phụ thuộc vào tuổi tiêm và đáp ứng miễn dịch của người được tiêm vắc xin, mức độ giống nhau giữa thành phần vi rút của vắc xin và các vi rút hiện đang lưu hành. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiêm phòng vắc xin cúm làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 – 80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80% – 90%.
Những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh cúm nên tiêm vắc xin cúm hàng năm như:
- Tất cả trẻ em từ 6 đến 24 tháng và những người già từ 65 tuổi trở lên.
- Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa (ví dụ bệnh tiểu đường), bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
- Phụ nữ sẽ có thai trong mùa bệnh cúm.
- Những người tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân như cán bộ y tế, người cùng nhà với bệnh nhân....
Trắc nghiệm: Bạn có phân biệt được chính xác cảm lạnh và cúm mùa?
Cảm cúm và cảm lạnh là hai khái niệm mà chúng ta thường đánh đồng nó giống nhau, không phân biệt rõ ràng. Dưới đây là một số câu hỏi trắc nghiệm, giúp bạn có thêm những kiến thức phân biệt cảm lạnh và cảm cúm. Từ đó, có những biện pháp điều trị bệnh phù hợp.3. Vắc xin ngừa cúm có tác dụng bao lâu?
Các vắc-xin ngừa cúm thường có hiệu lực bảo vệ rất cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của nó chỉ kéo dài 6 – 12 tháng vì các loại vi-rút cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, các loại vắc-xin được dùng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau nữa. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyến cáo nên đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng vi-rút cúm đang lưu hành với chủng vi-rút cúm có trong vắc-xin.
Tiêm vắc xin cúm sau bao lâu thì có tác dụng? Đây là băn khoăn của nhiều người trước khi quyết định tiêm phòng. Vắc xin cúm không có hiệu quả ngay lập tức mà phải khoảng 2 - 3 tuần sau khi tiêm, vắc xin bắt đầu có tác dụng bảo vệ bạn khỏi một số loại virus cúm trong mùa cúm đó. Do hiệu lực của vắc xin thường chậm nên việc xác định thời gian tiêm phòng cúm đúng cách là rất quan trọng.
4. Lịch tiêm vắc xin phòng cúm
Vắc xin phòng cúm mùa có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Lịch tiêm như sau:
- Trẻ từ 6 tháng – 9 tuổi chưa từng tiêm vắc-xin cúm:
- Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Sau đó tiêm nhắc lại hằng năm.
- Trẻ trên 9 tuổi và người lớn:
- Tiêm 1 mũi 0.5ml
- Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.