Tiêm vaccine COVID-19 xong bị ngứa có sao không?

Vaccine phòng ngừa COVID-19 ra đời như một “nhát kiếm” để chặn đứng đại dịch lần này. Chính sách tiêm chủng vaccine cho toàn dân đang được nhà nước ta triển khai nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta đều băn khoăn và lo lắng về những tác dụng phụ của vaccine liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình hay không? Một trong số đó là câu hỏi bị ngứa sau khi tiêm chủng COVID-19 có sao không? Để giải đáp cho những thắc mắc đó, mời quý vị đọc bài viết sau đây.

1. Đôi điều về vaccine phòng COVID-19

Trong lĩnh vực phòng bệnh trong cộng đồng thì tiêm chủng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Rất nhiều vụ đại dịch trên thế giới nhờ có sự ra đời của vaccine phòng bệnh mà đã bị đẩy đùi và đánh bại. Ví dụ như: Dịch hạch, dịch cúm gia cầm, dịch thủy đậu,...

Hiện nay, trong bối cảnh COVID-19 thì vaccine phòng ngừa đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Nó giúp làm giảm khả năng mắc virus COVID-19, đồng thời, nếu như mắc bệnh thì những biểu hiện về mặt lâm sàng là tương đối nhẹ nhàng.

Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, việc tiêm chủng vaccine để phòng ngừa COVID-19 là đều an toàn và mang lại hiệu quả cao. Những loại vaccine COVID-19 được phát triển bằng các phương pháp khoa học đã có từ nhiều thập kỷ qua. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) cho biết, lợi ích tiềm năng và đã biết của tiêm chủng COVID-19 vượt trội nguy cơ tiềm tàng đã biết.

Cho đến hiện tại, đã có 4 nhóm vaccine phòng ngừa COVID-19 chính và 13 loại vaccine đang được sửa dụng ở đa số quốc gia trên thế giới. Bao gồm những loại sau đây:

  • Vắc xin mRNA: Pfizer-BioNTech, Moderna.
  • Vắc xin vectơ Adenovirus: AstraZeneca, Janssen Johnson&Johnson, Sputnik V, Convidecia.
  • Vắc xin toàn bộ virus bất hoạt: Sinofarm, Sinovac.
  • Vaccine tiểu đơn vị protein: Novavax.

2. Những tác dụng phụ có thể gặp sau khi chủng ngừa COVID-19

Theo các báo cáo trường hợp của CDC, một số người không có bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi chủng ngừa COVID-19. Một số gặp các tác dụng phụ nhẹ nhàng và khỏi hẳn sau 2 - 3 ngày, ví dụ như: Đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi, sốt,... Một số trường hợp khác gặp các tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, các báo cáo về những tai biến sau tiêm như các phản ứng dị ứng, viêm cơ tim cấp, viêm màng ngoài tim là rất hiếm gặp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tác dụng phụ đã được báo cáo về vaccine COVID-19 chủ yếu gặp từ mức độ nhẹ đến vừa và thường không kéo dài. Những tác dụng phụ đó là:

  • Sốt.
  • Mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Đau cơ.
  • Đau ở vị trí tiêm.
  • Tiêu chảy.
  • Ớn lạnh.

Tuy nhiên, khả năng bạn mắc phải các tác dụng phụ nào trong các bệnh lý kể trên còn phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của cơ thể và tùy vào từng loại vaccine COVID-19 cụ thể.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn và kéo dài sau khi tiêm chủng có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp. Quá trình sản xuất cũng như tiêm phòng vaccine đã được giám sát liên tục để phát hiện ra những biến chứng nghiêm trọng và xử trí kịp thời.

Tiêm vắc xin phòng Covid và vắc-xin HPV cùng thời điểm có sao không?
Phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 chủ yếu ở mức độ nhẹ đến vừa.

3. Tiêm vắc xin COVID-19 xong bị ngứa có sao không?

Sau khi tiêm vaccine xong, bạn có thể bắt đầu có triệu chứng ngứa. Tuy nhiên, triệu chứng ngứa này trong từng trường hợp cụ thể sẽ là triệu chứng an toàn mà bạn có thể yên tâm hoặc là triệu chứng báo hiệu của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Khi cảm thấy ngứa, bạn hãy đặt ra cho mình những câu hỏi sau đây và xem xét trên chính bản thân mình.

3.1. Cơ địa của bản thân bạn có phải cơ địa dễ bị dị ứng hay không?

Từ trước đến nay, sau khi tiêm chủng bất kỳ loại vaccine nào, bạn có thường xuyên xảy ra các triệu chứng ngứa như thế này không? Nếu các lần tiêm chủng trước đây có ngứa và các triệu chứng ngứa xuất hiện trong thời gian ngắn thì lần tiêm chủng COVID-19 này, bạn có thể yên tâm rằng đây là một phản ứng của cơ thể và bình tĩnh theo dõi tiếp tục triệu chứng ngứa này. Bạn có thể gặp bác sĩ để nhờ tư vấn một số loại thuốc giảm ngứa giúp triệu chứng ngứa này không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc và hoạt động hàng ngày của bạn.

Nếu như bạn có phản ứng dị ứng trầm trọng (ví dụ: Sốc phản vệ) sau khi tiêm bất cứ loại vaccine COVID-19 nào thì không nên tiêm liều còn lại của loại vaccine đó nữa mà nên tư vấn bác sĩ để chuyển sang mũi thứ hai phù hợp với cơ thể của bạn.

3.2. Mức độ trầm trọng của ngứa

Bạn đã xuất hiện ngứa bao lâu rồi: Ngay sau khi tiêm, sau tiêm được và giờ hay vài ngày sau tiêm mới có triệu chứng ngày? Mức độ ngứa theo như bạn đánh giá là nhẹ, vừa hay nặng?

Nếu ngứa vừa xuất hiện và nhẹ nhàng, không kèm theo các triệu chứng khác thì bình tĩnh và tiếp tục theo dõi thêm. Nếu có các triệu chứng nặng sẽ nói ở phần tiếp theo thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

3.3. Các phản ứng da kèm theo với ngứa

Đây là một triệu chứng kèm theo vô cùng quan trọng với ngứa. Cần đến ngay các bác sĩ nếu có các triệu chứng kể dưới đây.

  • Phản ứng tại chỗ chậm

Các báo cáo đã chỉ ra trường hợp phổ biến nhất sau khi tiêm vaccine chính là phản ứng tại chỗ chậm, ít nhất là 4 ngày sau tiêm phòng, sẽ xuất hiện các mảng hồng ban và sưng nề tại chỗ tiêm. Phát ban này thường tại chỗ tiêm, nhẹ nhàng, một số trường hợp tái phát lại sau khi tiêm mũi hai. Tuy nhiên, tất cả các triệu chứng này không gây nguy hiểm và sẽ tự lành hẳn trong vòng 10 đến 14 ngày.

Khi nổi ban, cần quan quát kỹ hình thái của ban. Ban đa dạng về hình dạng và kích thước như: Hồng ban hình bia bắn, mảng hồng ban lớn. Không cần điều trị gì trong trường hợp này vì đa số là nhẹ nhàng và sẽ tự khỏi. Nếu triệu chứng ngứa làm bạn cảm thấy khó chịu, bạn có thể cân nhắc một số cách sau đây: Chườm lạnh tại chỗ, bôi/ uống các loại thuốc giảm ngứa như thuốc kháng histamin, glucocorticoid,...

Tuyệt đối không được tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ở lần tiêm phòng mũi 2, nên cung cấp thông tin dị ứng lần này và mô tả đầy đủ tổn thương cho bác sĩ.

  • Phát ban dạng sởi

Hình thái ban trên da chủ yếu là ban dạng dát sẩn. Theo thông tinh từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) báo cáo qua 2 nghiên cứu quan sát trên 43 đối tượng sau tiêm chủng, trong số đó, 11 trường hợp đã có tác dụng phụ của vaccine (VAERS) và được xem như biểu hiện của phản ứng phản vệ.

Thời điểm phát ban: Sau 2 đến 3 ngày sau tiêm chủng vaccine COVID-19. Đa số các trường hợp sẽ tự lành trong vòng một tuần. Tác dụng phụ này cũng không cần điều trị.

  • Mày đay

Mày đay là phản ứng của cơ thể chống lại các dị ứng nguyên, với biểu hiện trên da là những sẩn phù. Xuất hiện trong vòng 4 giờ giờ sau tiêm hoặc sau 4 giờ sau tiêm chủng và thường tự hết sau 24 giờ (theo CDC). Mốc 4 giờ là rất quan trọng để nhận biết vì trường hợp đầu tiên có thể là chống chỉ định tiềm ẩn đối với mũi thứ 2.

  • Cước đầu chi

Tổn thương dạng dát và sẩn, hồng ban và có màu tím trên da bàn tay và bàn chân. Một số trường hợp, các triệu chứng này sẽ nặng lên khi tiếp xúc với thời tiết lạnh.

Trường hợp này cần đến các bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Thông thường sẽ điều trị với corticosteroid tại chỗ. Các triệu chứng này sẽ khỏi trong vòng 1 tuần cho đến 1 tháng.

Những phản ứng khác có thể gặp là các phản ứng tại chỗ tiêm khởi phát sớm như:

  • Đau đỏ đầu chi.
  • Hồng ban đa dạng.
  • Liken phẳng.
  • Bệnh Zona thần kinh.
  • Tái hoạt virus herpes simplex.
  • Chấm xuất huyết hoặc ban xuất huyết.

Các phản ứng này thường xảy ra trong vòng 3 ngày sau khi tiêm chủng là và phản ứng phụ do vaccine COVID-19 đứng hàng thứ 2.

3.4. Các phản ứng nghiêm trọng

Một số phản ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và cần chú ý cảnh giác như: Khó thở, sưng đau họng, nhịp tim nhanh, phát ban toàn thân,... Bạn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời nếu có các triệu chứng trên.

Khó thở kéo dài là triệu triệu chứng của bệnh gì
Khi có các triệu chứng phản ứng nghiêm trọng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

4. Các biện pháp chủ động bảo vệ bản thân sau tiêm phòng COVID-19

Theo CDC khuyến cáo, tất cả những người tiêm vắc-xin COVID-19 nên được giám sát tại chỗ. Một số đối tượng nên được theo dõi 30 phút tại nơi tiêm chủng, bao gồm:

  • Những người bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ vì bất kỳ lý do gì.
  • Những người có bất kỳ loại phản ứng dị ứng nào khởi phát ngay lập tức (trong vòng 4 giờ) với vaccine hoặc liệu pháp tiêm không phải COVID-19.
  • Những người đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với một loại vaccine ngừa COVID-19, ví dụ: Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna và hiện đang tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson / Janssen-nên được quan sát trong 30 phút sau khi tiêm chủng. Việc tiêm chủng này chỉ nên thực hiện tại phòng khám y tế, cơ sở y tế hoặc phòng mạch của bác sĩ.
  • Những người đã có phản ứng dị ứng khởi phát ngay lập tức (trong vòng 4 giờ) không nghiêm trọng từ liều vaccine ngừa COVID-19 trước đó. Việc tiêm chủng này chỉ nên thực hiện tại phòng khám y tế, cơ sở y tế hoặc phòng mạch của bác sĩ.

Tất cả những người khác nên được theo dõi trong ít nhất là 15 phút sau khi sử dụng vaccine.

Nhà cung cấp dịch vụ tiêm chủng phải chuẩn bị tốt đội ngũ nhân sự, thuốc men và thiết bị, chẳng hạn như epinephrine, thuốc kháng histamine, máy đo huyết áp và thiết bị đo thời gian để kiểm tra mạch của các đối tượng được tiêm tại tất cả các địa điểm cung cấp dịch vụ tiêm chủng COVID-19.

Trường hợp các bạn gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, các nhà cung cấp dịch vụ tiêm chủng có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc nhanh và gọi chăm sóc y tế khẩn cấp. Các bạn nên tiếp tục được giám sát tại một cơ sở y tế trong ít nhất vài tiếng.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Bài viết tham khảo: cdc.gov, bvydhue.com.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan