Tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa?

Vắc xin cúm từ lâu đã được chứng minh hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ mắc cúm, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện và số lượng người tử vong do cúm gây ở trẻ em.

1. Virus cúm mùa

Cúm mùabệnh nhiễm trùngđường hô hấp trên do virus influenza gây ra, bệnh rất phổ biến vào mùa lạnh và có thể lây lan từ người sang người qua các cơn ho hoặc hắt hơi của người bệnh.

Bệnh nhân bị cúm mùa có thể có các triệu chứng như: Nhức đầu, sốt cao, đau khớp, sổ mũi, viêm họng, ho, nôn,... Một số bệnh nhân còn sợ ánh sáng, cảm giác nóng hừng hực, đau mỗi khi cử động và tình trạng tiêu chảy ở trẻ em. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân đã có miễn dịch hoặc đã từng tiêm vắc xin cúm mùa thì triệu chứng cúm sẽ nhẹ hơn. Bệnh nhân cúm mùa có thể cần nhập viện khi tình trạng bệnh trở nặng gây viêm phổi.

Tiêm vắc xin cúm được xem là chiến lược hiệu quả nhất để phòng chống cúm mùa, mũi tiêm được thực hiện mỗi năm. Vắc xin sẽ cung cấp sự bảo vệ tốt chống lại bệnh cúm mùa và bắt đầu có hiệu quả sau 10 - 14 ngày sau tiêm vắc xin cúm. Các chủng vi rút gây cúm mùa thường không giống nhau, mỗi năm sẽ có sự thay đổi khác biệt vì vậy chúng ta nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa hàng năm. Vắc xin cúm mùa thường được cập nhật các chủng mới từng gây ra dịch bệnh của năm trước đó.

Vi rút cúm mùa có khả năng tồn tại từ 2 – 8 giờ trong môi trường bên ngoài như các đồ vật, tay nắm cửa,... nhưng vi rút sẽ bị tiêu diệt khi tiếp xúc với xà phòng, thuốc rửa iod hoặc cồn,...

Có hai chủng vi rút cúm mùa gây bệnh ở người là chủng influenza A và influenza B. Chúng hiện diện trên toàn thế giới và gây bệnh ở tất cả các lứa tuổi với tốc độ phát tán bệnh nhanh, phát tán trên diện rộng và gây dịch ở nhiều quốc gia. Mặc dù dịch cúm mùa có thể ảnh hưởng đến tất cả các lứa tuổi nhưng nguy cơ gặp phải biến chứng thường rơi vào nhóm dân số dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh tim mạch, tiểu đường, người bị suy giảm miễn dịch,...

virus cúm biến đổi
Virus cúm hiện diện trên toàn thế giới và gây bệnh ở tất cả các lứa tuổi với tốc độ phát tán bệnh nhanh.

2. Tác dụng của vắc xin cúm mùa

Phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa cúm mùa là tiêm vắc xin cúm, đây là loại vắc xin an toàn và hiệu quả, được sử dụng trên 60 năm. Vắc xin cúm bảo vệ cơ thể khỏi bệnh cúm mùa cho người trưởng thành khỏe mạnh. Với người già, vắc xin cúm ít hiệu quả trong việc phòng ngừa mắc bệnh nhưng có tác dụng làm giảm độ nặng của bệnh các biến chứng, tử vong. Tiêm vắc xin cúm đóng vai trò hết sức quan trọng đối với người có nguy cơ bị biến chứng cao, người sống chung hoặc đang chăm sóc người có nguy cơ cao. Tiêm vắc xin cúm mùa còn giúp giảm gánh nặng tại các cơ sở y tế, giảm chi phí điều trị cúm mùa.

3. Đối tượng nên tiêm vắc xin cúm

Người từ 6 tháng tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin cúm mùa. Đặc biệt, tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân cần tiêm cúm mùa hàng năm, nhất là tiêm ngừa cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như:

  • Trẻ em 6 tháng – 5 tuổi.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người trên 65 tuổi.
  • Người bệnh mạn tính.
  • Nhân viên y tế.

Trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi và chưa từng tiêm vắc xin cúm trước đây cần tiêm 2 liều vắc xin cúm, mỗi liều cách nhau ít nhất 28 ngày. Trẻ trong độ tuổi 6 tháng đến 8 tuổi đã từng tiêm vắc xin trước đó và những đối tượng lớn hơn chỉ cần tiêm 1 liều vắc xin cúm. Việc tiêm ngừa vắc xin cúm cần thực hiện hàng năm do nồng độ kháng thể sau khi tiêm sẽ giảm dần theo thời gian, việc tiêm ngừa hàng năm sẽ giúp cơ thể duy trì được sự bảo vệ tối ưu. Bên cạnh đó, các chủng vi rút cúm mùa biến đổi rất nhanh chóng, vì vậy, công thức vắc xin cúm sẽ được xem xét hàng năm và đôi khi được cập nhật thêm chủng mới theo sự thay đổi của vi rút cúm.

Những đối tượng chống chỉ định với vắc xin cúm là người bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin hoặc từng bị dị ứng sau tiêm bất kỳ liều vắc xin nào trước đây.

Người trưởng thành và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 2 – 18 tuổi có thể tiêm vắc xin cúm dạng bất hoạt hoặc vắc xin cúm sống giảm độc lực, tuy nhiên, nhóm đối tượng nguy cơ cao chỉ nên tiêm vắc xin cúm bất hoạt.

Tiêm vắc-xin cúm, uốn ván, bạch hầu, ho gà ảnh hưởng thai nhi thế nào?
Người từ 6 tháng tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin cúm mùa.

4. Tháng nào trong năm nên tiêm vắc xin cúm mùa?

Hiện, chưa có thuốc điều trị hữu hiệu cho bệnh cúm, vì vậy, nếu tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin cúm không đạt ngưỡng cao, cúm mùa vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia nhiệt đới nên virus cúm có thể xuất hiện quanh năm, đặc biệt cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 hàng năm. Bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông – xuân do đó thời điểm thích hợp để tiêm vắc xin cúm là khoảng 2 tuần – 1 tháng trước khi đến mùa dịch bệnh. Điều này được giải thích là do sau khi tiêm, cơ thể chúng ta cần 2 tuần để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên tự chủ động trong việc tiêm vắc xin cúm ở những thời điểm nhạy cảm về dịch bệnh, đặc biệt là khi bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh trong cộng đồng.

Lưu ý: Tiêm ngừa vắc xin cúm không có tác dụng phòng bệnh COVID-19 mặc dù các triệu chứng của cúm mùa khá tương đồng với các triệu chứng của bệnh COVID-19 (sốt, sổ mũi, ho,...). Việc tiêm phòng vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp giảm thiểu sự nhầm lẫn về triệu chứng khi mắc COVID-19 và cúm mùa, giúp quá trình điều trị bệnh được kịp thời nhất, giảm thiểu sự quá tải cho y tế.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Bài viết tham khảo: vnvc.vn, crc.pasteurhcm.gov.vn, sanofi.com.vn, bacsigiadinhhanoi.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan