Thế nào là bệnh bạch cầu?

Bệnh bạch cầu là một loại ung thư phổ biến, chiếm 31% trong số các loại ung thư ở trẻ nhỏ. Tuy vậy những nghiên cứu cũng như các thống kê cụ thể về bệnh bạch cầu tại Việt Nam còn rất hạn chế. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin cần biết về khái niệm, phân loại và yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu.

1. Bệnh bạch cầu là gì ?

Bệnh bạch cầu được định nghĩa là một bệnh ung thư máu (bao gồm cả tủy xương và hệ bạch huyết) nguyên nhân do sự quá sản tế bào bất thường của tủy xương. Bệnh bạch cầu có nhiều loại, một số loại phổ biến ở trẻ nhỏ, một số loại khác thì hầu như chỉ xảy ra ở người lớn.

Tại Việt Nam, theo thống kê được công bố năm 2018, bệnh Bạch cầu xếp thứ 7 trong số các loại ung thư được ghi nhận. Trong đó nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn so với nữ giới (7,1% ở nam và 5,7% ở nữ).

Bệnh bạch cầu được chỉ ra là bệnh có liên quan đến tế bào bạch cầu. Khi các yếu tố nhiễm khuẩn tấn công cơ thể, tế bào bạch cầu thường lớn lên và phân chia để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, tủy xương sản xuất ra các tế bào bất thường và không có chức năng như tế bào thông thường.

Điều trị bệnh bạch cầu có thể phức tạp, phụ thuộc vào từng loại bệnh và những yếu tố khác. Tuy nhiên vẫn có những phác đồ điều trị và chăm sóc phù hợp dẫn tới điều trị thành công.

Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu được định nghĩa là một bệnh ung thư máu

2. Triệu chứng của bệnh bạch cầu

Tùy vào từng loại bệnh bạch cầu mà triệu chứng sẽ khác nhau. Bệnh nhân có thể không có biểu hiện gì trong giai đoạn đầu tiên của bệnh. Khi bệnh có biểu hiện thì thường gặp các triệu chứng sau:

  • Sốt hoặc ớn lạnh.
  • Mệt mỏi kéo dài.
  • Thường xuyên hoặc thi thoảng mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
  • Sụt cân ngoài ý muốn.
  • Sưng hạch bạch huyết, gan to hoặc lách to.
  • Dễ chảy máu cam hoặc bầm tím.
  • Xuất hiện những đốm nhỏ trên da hay còn gọi là xuất huyết dưới da.
  • Đổ nhiều mồ hôi đặc biệt là ban đêm.
  • Đau nhức xương hoặc cảm thấy yếu xương.

Các triệu chứng của bệnh thường mờ nhạt và không điển hình. Bệnh nhân nên được nhận biết các triệu chứng về bệnh bạch cầu sớm, vì đôi khi bệnh này có triệu chứng giống với các bệnh khác như cảm cúm.

3. Bệnh bạch cầu được phân loại như thế nào?

Bác sĩ sẽ phân loại bệnh bạch cầu dựa trên tốc độ tiến triển của bệnh và loại tế bào bị tổn thương:

3.1. Phân loại dựa trên tốc độ tiến triển của bệnh bạch cầu

  • Bệnh bạch cầu cấp tính: Trong thể bệnh bạch cầu này, người ta thấy những tế bào máu bất thường xuất hiện. Các tế bào này phân chia rất nhanh và không thực hiện được các chức năng như các tế bào bình thường, khiến bệnh tiến triển nhanh và nặng. Bệnh bạch cầu cấp tính cần được điều trị tích cực và kịp thời.
  • Bạch cầu mãn tính có mối liên quan đến các tế bào máu trưởng thành. Những tế bào máu này sao chép hoặc tích lũy chậm hơn và có thể hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian. Vì thế một số bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mãn tính có thể không có triệu chứng sớm và không được chú ý, chẩn đoán và điều trị trong nhiều năm.

3.2. Phân loại dựa trên loại bạch cầu bị tổn thương

  • Bệnh bạch cầu Lympho: Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến tế bào bạch huyết (tế bào bạch huyết có chức năng tạo nên hạch bạch huyết hoặc mô bạch huyết). Các mô bạch huyết có chức năng tạo ra hệ thống miễn dịch.
  • Bệnh bạch cầu tủy: Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến các tế bào tủy. Tế bào tủy tạo ra các tế bào hồng cầu, bạch cầu và sản xuất tiểu cầu.
  • Bệnh bạch cầu mãn tính có nhiều loại. Một vài loại bệnh do sự tăng sinh quá mức và trong một số trường hợp lại có quá ít tế bào được sản xuất.
Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là một loại ung thư phổ biến, chiếm 31% trong số các loại ung thư ở trẻ nhỏ

3.3. Một số loại bệnh bạch cầu phổ biến

  • Bệnh bạch cầu cấp dòng nguyên bào Lympho (ALL): Đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến ở trẻ nhỏ. Loại này cũng có thể xuất hiện ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu Cấp dòng tủy (AML): Đây là loại bệnh bạch cầu thông thường. Nó có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. AML là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL): Đây là loại bệnh bạch cầu mãn tính phổ biến nhất ở người lớn, bệnh nhân có thể cảm thấy khá hơn sau vài năm mà không cần điều trị.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML): Loại bệnh bạch cầu này phần lớn ảnh hưởng đến người lớn. Người bệnh mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy có thể có ít hoặc không có triệu chứng nào trong nhiều tháng hoặc năm trước giai đoạn mà tế bào bệnh bạch cầu tăng lên nhanh chóng.
  • Một số loại bệnh bạch cầu khác: Một số loại khác hiếm gặp hơn, bao gồm bệnh bạch cầu tế bào lông, hội chứng loạn sinh tủy (myeloproliferative / myelodysplastic).

4. Yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu

Những yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Điều trị ung thư trước đó: Một số bệnh nhân đã trải qua điều trị hóa trị và xạ trị cho một số loại bệnh ung thư trước đó có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu.
  • Rối loạn di truyền: Bất thường di truyền đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của bệnh bạch cầu. Một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
  • Tiếp xúc với một số hóa chất: Phơi nhiễm với một số hóa chất, chẳng hạn như Benzen - được tìm thấy trong xăng và được sử dụng bởi ngành hóa chất - có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh bạch cầu.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu: Người có thành viên trong gia đình mắc bệnh bạch cầu thì nguy cơ thế hệ sau mắc bệnh bạch cầu tăng lên.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

131.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan