Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Vi-rút gây bệnh cúm thường sinh sôi và phát triển mạnh mẽ vào mùa đông xuân và có tính lây lan cao. Hiện nay, đã có nhiều loại vắc-xin cúm mùa được đưa vào sử dụng như là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bệnh cúm.
1. Bệnh cúm mùa là gì?
Cúm mùa là một căn bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, được gây ra do các loại vi-rút cúm, ví dụ như A/H1N1, A/H3N2 hoặc cúm B. Vi-rút cúm mùa thường hoạt động mạnh nhất vào mùa đông xuân và nó có khả năng gây lây nhiễm cao thông qua đường hô hấp. Những người bình thường sau khi nhiễm phải vi-rút cúm sẽ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao hơn 39 độ C, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, rét run, nhức đầu, buồn nôn và toàn thân đau mỏi. Một số triệu chứng kèm theo khác như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho hoặc đau họng.
Có thể nói, đây là một căn bệnh lành tính, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là những người bị suy giảm hệ miễn dịch, mắc các căn bệnh mạn tính về tim mạch, hoặc người lớn trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ đang mang thai. Cúm mùa có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
2. Vắc-xin cúm mùa là gì?
Vắc-xin cúm mùa là loại vắc-xin dùng để phòng ngừa bệnh cúm, được điều chế từ các vi-rút cúm bất hoạt. Khi sử dụng loại vắc-xin này, cơ thể sẽ được kích thích bởi các vi-rút gây cúm để sản sinh ra lượng kháng thể đủ để chống lại các vi-rút cúm xâm nhập từ bên ngoài vào.
Hiện nay, vắc-xin cúm mùa có chứa một hoặc hai loại kháng nguyên đặc hiệu cho 1-2 loại vi-rút cúm, vì vậy nó không có khả năng phòng ngừa với tất cả các loại vi-rút cúm khác nhau. Có rất nhiều loại vi-rút cúm khác nhau, được lai tạo từ 9 chủng loại N (N1-N9) và 18 chủng loại H (H1-H17). Khi kết hợp một H với một N sẽ cho ra một loại vi-rút cúm mới.
3. Những đối tượng nên tiêm vắc-xin cúm mùa
Theo khuyến cáo của CDC - Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, những đối tượng dưới đây nên đi tiêm ngừa vắc-xin cúm mùa:
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên
- Phụ nữ đang mang thai
- Người lớn trên 65 tuổi
- Người bị mắc các bệnh lý mãn tính: viêm phổi mãn tính, hen, bệnh tim mạch, suy thận, đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch do điều trị bệnh hoặc mắc HIV/AIDS.
4. Những đối tượng không nên tiêm vắc-xin cúm mùa
Cũng theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, những đối tượng dưới đây không nên đi tiêm ngừa vắc-xin cúm mùa:
- Đã có tiền sử bị dị ứng với tiêm phòng cúm trước đó
- Người bị dị ứng với trứng
- Đã từng mắc hội chứng Guillian-Barre (hệ miễn dịch tấn công một phần của hệ thần kinh) trong khoảng 6 tuần sau khi tiêm ngừa bệnh cúm.
5. Vắc-xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu?
Theo thống kê của WHO- Tổ chức Y tế Thế giới, tiêm phòng vắc-xin cúm mùa có thể làm giảm khoảng 60% các căn bệnh liên quan đến cúm và khoảng 70-80% tỷ lệ bị tử vong do cúm.
Các vắc-xin ngừa cúm thường có hiệu lực bảo vệ rất cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của nó chỉ kéo dài gần một năm vì các loại vi-rút cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, các loại vắc-xin được dùng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau nữa. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyến cáo nên đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng vi-rút cúm đang lưu hành với chủng vi-rút cúm có trong vắc-xin.
6. Những lợi ích của vắc-xin cúm mùa
Tiêm vắc-xin ngừa cúm hàng năm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau. Cụ thể là:
6.1. Ngăn ngừa bệnh cúm
Vắc-xin cúm giúp ngăn ngừa hàng triệu căn bệnh liên quan đến cúm vào mỗi năm. Theo thống kê gần đây cho thấy, tiêm phòng cúm đã ngăn ngừa khoảng 6,2 triệu bệnh cúm; 3,2 triệu lượt khám bệnh, 91.000 ca nhập viện và 5.700 ca tử vong liên quan đến cúm.
6.2. Tiêm phòng cúm là một giải pháp phòng ngừa quan trọng cho những người mắc bệnh mãn tính
- Giảm tỷ lệ nhập viện vì bệnh tim mạch liên quan đến cúm
- Ngăn ngừa các tình huống xấu đi và nhập viện vì bệnh phổi mãn tính liên quan đến cúm, chẳng hạn như ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Giảm tỷ lệ nhập viện ở những người bị đái tháo đường hoặc mắc hội chứng suy giảm hệ miễn dịch.
6.3. Tiêm phòng cúm giúp bảo vệ phụ nữ trong và sau khi mang thai
Trong những đối tượng cần được ưu tiên dự phòng chủ động với vắc-xin cúm mùa, có thể thấy, phụ nữ đang mang thai là người dễ bị tổn thương nhất từ căn bệnh này. Chính vì vậy, việc tiêm ngừa vắc-xin cúm mùa cho phụ nữ đang mang thai không những giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể mà còn giảm bớt nỗi lo lắng của mẹ bầu khi sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh trong thời gian thai kỳ.
Nếu xét về phương diện miễn dịch, vắc-xin cúm mùa hình thành nên các kháng thể trong giai đoạn mang thai có khả năng bảo vệ cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Các kháng thể này có thể truyền từ mẹ sang cho con, và thời gian tồn tại của chúng kéo dài khoảng 9-12 tháng. Điều này giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý ở thai nhi, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm ngừa vắc-xin cúm mùa.
Những phụ nữ sau khi sinh con vẫn chưa được tiêm ngừa vắc-xin cúm trong thời gian thai kỳ cũng nên đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Nếu người mẹ bị nhiễm bệnh cúm mùa và thường xuyên trực tiếp chăm sóc con nhỏ có thể lây nhiễm vi-rút cúm sang cho bé.
Thêm vào đó, các chuyên gia y tế cũng đã công nhận về độ an toàn của vắc-xin cúm mùa đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Những loại vắc-xin phòng cúm dành cho thai phụ là dạng vắc-xin liều đơn có chứa các vi-rút cúm bất hoạt và không có khả năng gây ra bệnh. Nó là an toàn và hiệu quả trong bất cứ thời điểm nào của thai kỳ, hơn thế nữa, loại vắc-xin này cũng không làm tăng nguy cơ gây ra các biến chứng cho sản phụ hoặc gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
6.4. Giúp trẻ em "thoát khỏi” bệnh cúm
Một nghiên cứu năm 2017 đã cho thấy rằng việc tiêm phòng cúm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ trẻ bị tử vong do cúm.
6.5. Bảo vệ mọi người xung quanh
Tiêm phòng vắc-xin cúm cũng góp phần bảo vệ những người xung quanh bạn, đặc biệt là những người dễ bị lây nhiễm bệnh cúm, như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già và những người mắc một số bệnh mạn tính.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo bài viết: cdc.gov