Mắc nang giáp hai thùy có cần mổ không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Hôm trước, em đi khám sức khỏe tổng quát, em có siêu âm vùng cổ và phát hiện có nang giáp hai thuỳ, chiều dài mỗi bên 32 - 33mm, đường kính ngang 17 - 18mm và dày 10 - 12mm. Vậy bác sĩ cho em hỏi mắc nang giáp hai thùy có cần mổ không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ Tô Kim Sang - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Central Park.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Mắc nang giáp hai thùy có cần mổ không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Nang tuyến giáp là một bệnh lý khá phổ biến của tuyến giáp. Nang giáp nhỏ thường không gây triệu chứng gì, nhưng khi chúng lớn hơn sẽ gây mất thẩm mỹ vùng cổ, thậm chí có thể chèn ép thực quản gây khó nuốt hay chèn ép khí quản gây khó thở, dẫn đến điều trị vô cùng khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng.

Phần lớn nang giáp là lành tính, tuy nhiên để nhận định rõ hơn về khả năng lành hay ác thì chúng tôi cần bạn cung cấp một số thông tin khác về nang giáp trên siêu âm như nang giáp đơn thuần hay có thành phần đặc kèm theo không, bờ, giới hạn của nang như thế nào, cấu trúc hồi âm của nang ra sao, có kèm vôi hóa không. Dựa vào các yếu tố đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có nên thực hiện chọc hút tế bào kim nhỏ vào nang giáp để phân biệt lành ác trước khi quyết định điều trị. Trường hợp ác tính, nên điều trị sớm và phẫu thuật là phương pháp điều trị tiên quyết. Trường hợp lành tính, nên điều trị khi có triệu chứng chèn ép hoặc gây mất thẩm mỹ vùng cổ và phương pháp điều trị có thể là phẫu thuật, điều trị tại chỗ (như đốt sóng cao tần (RFA), đốt vi sóng (MWA), đốt laser, tiêm cồn qua da, siêu âm hội tụ cường độ cao HIFU) hoặc điều trị nội khoa bằng thuốc bổ sung hormon tuyến giáp.

Mỗi phương pháp điều trị có ưu và nhược điểm khác nhau; trong đó phẫu thuật từ lâu đã là phương pháp điều trị chuẩn, bổ sung hormon tuyến giáp hiện không còn được khuyến cáo do hiệu quả không đáng kể nhưng kèm theo nhiều tác hại lên hệ tim mạch và sức khỏe xương. Trước khi tiến hành điều trị, ngoài việc xác định khả năng lành ác của nhân giáp, bạn cần xét nghiệm máu để đánh giá chức năng tuyến giáp vì nếu trường hợp có cường giáp, cần phải điều chỉnh về bình giáp để việc loại bỏ nhân giáp diễn ra an toàn hơn.

Một số lưu ý về chế độ ăn như sau: Việc hình thành nang giáp phần lớn do nguyên nhân thiếu hụt iod, vì vậy bạn nên ăn bổ sung các thực phẩm chứa nhiều iod (như hải sản, rong biển, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, khoai tây), hạn chế các thực phẩm gây giảm hấp thu iod (như các loại rau cải, bắp cải trắng, đậu nành, ngũ cốc).

Nếu bạn còn thắc mắc về nang giáp hai thùy, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan